| Hotline: 0983.970.780

Lành mạnh ngành giống để thơm danh gạo Việt

Thứ Năm 12/12/2019 , 09:15 (GMT+7)

Công tác chọn giống lúa của Việt Nam có bước tiến dài với rất nhiều giống lúa chất lượng cao ra đời, trong đó đã có giống đạt tầm cỡ thế giới.

18-12-27_ngnh_chuc_nng_bt_lo_sn_xut_lu_giong_gi_ti_tp_cn_tho_-_nh_le_hong_vu
Cơ quan chức năng xử lý sản xuất lúa giống giả ở Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên do thiếu liên kết sản xuất trong thương mại lúa gạo cùng yếu kém trong ngành công nghiệp chế biến hạt giống, bản quyền bị xâm phạm, giống nhái giống giả tràn lan khiến nhiều giống tốt ra đời nhanh chóng bị thoái hóa và rơi vào quên lãng.

Cần tổ chức lại sản xuất và lành mạnh hóa hoạt động thương mại để gạo Việt thơm danh, trong đó điều cấp thiết là xây dựng chuỗi giá trị bắt đầu từ khâu giống.
 

Nỗi buồn lúa Nhật, lúa thơm

Giống lúa ĐS1 thuộc loài phụ Japonica do Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhập nội và tuyển chọn, là một trong những giống lúa Nhật có chất lượng cao, hạt gạo tròn, cơm trắng, dẻo (amylose thấp <20%, có chứa amylopectin), sau khi nấu chín hạt cơm ướt, để nguội không khô, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Ban đầu giống ĐS1 được trồng ở phía Bắc, về sau với khả năng thích ứng rộng, chịu được đất nhiễm phèn, giống nhanh chóng du nhập vào ĐBSCL và trở thành một trong những giống gạo hạt tròn xuất khẩu rất tốt. Giá xuất khẩu gạo ĐS1 thời kỳ đầu cao chót vót trên 700 USD/tấn, thương lái thu mua lúa ĐS1 tại ruộng của nông dân tới 9.000 đồng/kg.

Giá xuất khẩu cao, lập tức các doanh nghiệp lao vào tranh mua tranh bán, ghìm nhau, chào giá thấp với đối tác nhập khẩu để cạnh tranh bán hàng. Giá xuất khẩu dần giảm.

Các công ty thương mại chỉ nhăm nhăm thu mua lúa của dân mà không một công ty nào chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu. Giống không được phục tráng còn nông dân thì lấy thóc thịt gieo sạ đại trà nên bị thoái hóa rất nhanh.

Đến nay giá xuất khẩu ĐS1 rớt chỉ còn trên 400USD/tấn còn giá gạo bán trong nước hiện tại chỉ trên 9.000 đồng/kg, ngang giá lúa được thu mua thuở ban đầu.

Cái rủi của ĐS1 dù là giống trồng phổ biến ngoài sản xuất nhưng lại chưa được công nhận giống lúa quốc gia. Ước tính riêng tại ĐBSCL mỗi vụ có trên dưới 100.000ha gieo trồng ĐS1, nhiều nhất là trên vùng đất nhiễm phèn các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau...

Không bản quyền, không công ty nào duy trì phục tráng, giống bị thụ phấn chéo dần phân ly mất hẳn tính trạng và phẩm chất ban đầu. Với những người tâm huyết, để thoái hóa giống, mất thương hiệu ĐS1 chính là nỗi cay đắng trong ngành lúa gạo Việt.

18-12-27_ngnh_chuc_nng_bt_lo_sn_xut_lu_giong_gi_ti_tp_cn_tho_-_nh_le_hong_vu_2
Một vụ sản xuất lúa giống giả ở Cần Thơ bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thơm RVT là giống lúa phẩm chất gạo ngon nổi tiếng – giống bản quyền của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), trồng nhiều ở ĐBSCL. Ba, bốn năm trước, khắp các vùng đất lợ và nhiễm mặn ít ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và một phần Hậu Giang, Gò Công (Tiền Giang)… đi đến đâu cũng thấy lúa Thơm RVT trên đồng.

Gạo Thơm RVT hạt dài 7mm, trắng trong, cơm mềm có mùi thơm nhẹ, xuất khẩu rất tốt nhất là thị trường Trung Quốc còn trong nước đã đáp ứng một phần thị phần gạo cao cấp. Khi mà Vinaseed đang kiến thiết Thơm RVT đi theo chuỗi giá trị từ giống đến tổ chức sản xuất cánh đồng lớn và bao tiêu sản phẩm, thì đồng thời ngoài sản xuất giống RVT giả dạng đóng trong các bao trắng bán tràn lan đánh vào tâm lý ham rẻ của nhà nông.

Câu chuyện buồn tiếp theo là giống lúa Jasmine 85, giống lúa lẫy lừng ĐBSCL một thời này giờ đây phẩm cấp biến dạng so thời kỳ đầu, mùi thơm mất hẳn, năng suất thấp, chống chịu kém, sâu bệnh nhiều, nguyên do giống bị thóa hóa nghiêm trọng.

Tương tự, rất đáng ngại cho những giống lúa nức tiếng khác của đồng bằng như Hương Lài, Nàng Hoa 9, bộ giống OM ngắn ngày năng suất cao và ngon cơm, bộ ST gồm ST 20, 21, 24, 25, trong đó ST25 vừa đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới sẽ rất khó duy trì chất lượng cho đại trà nếu tiếp diễn nạn giống giả, vi phạm bản quyền tràn lan, vô tội vạ mà không bị xử lý.

Thu hoạch lúa Đài Thơm 8 ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ví dụ điển hình giống lúa Đài thơm 8 của Cty CP Giống cây trồng miền Nam mới công nhận chính thức giống quốc gia được hơn hai năm, thế mà theo thống kê của công ty này hiện đang có tới 84 công ty và tổ chức làm giả làm nhái giống Đài thơm 8, thậm chí trắng trợn đến mức các đối tượng làm giả sản xuất hẳn bao bì Đài thơm 8 rồi đóng thóc thịt vào bán cho nông dân sản xuất.
 

“Để doanh nghiệp tích cực đầu tư nông nghiệp thì công tác quản lý nhà nước phải thay đổi, cụ thể tính thực thi pháp luật tốt hơn, từ bản quyền, bao bì nhãn mác, các tiêu chuẩn quy chuẩn. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần xác định đấy là mối quan tâm hàng đầu để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Không thể để như hiện nay, lấy cụ thể tại ĐBSCL, bản quyền từ giống đến sản phẩm bị vi phạm vô cùng nghiêm trọng”.

(Một nhà đầu tư)

Xây dựng chuỗi giá trị bắt đầu từ đâu?

Theo các nghiên cứu, ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa mỗi năm trên 4 triệu ha, sử dụng khoảng 600.000 tấn hạt giống. Nhược điểm lớn nhất trong sản xuất lúa của vùng là tập quán gieo sạ quá dày, phổ biến từ 120 - 150kg giống/ha, có nơi sạ lan dày đặc tới 200 – 250 kg giống/ha.

Sạ dày sử dụng lượng giống lớn nên để tiết giảm chi phí nông dân thường tự để giống hoặc mua giống giá rẻ chất lượng thấp. Hầu hết doanh nghiệp giống là công ty nhỏ, sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chế biến sơ sài, chưa hình thành được ngành công nghiệp hạt giống đúng nghĩa.

Bản quyền hạt giống không được coi trọng, có cũng như không, cơ quan quản lý nông nghiệp và quản lý thị trường nhiều nơi buông lỏng, không làm tròn chức trách, các vụ việc sản xuất giống giả, giống kém chất lượng xử phạt không nghiêm, xuê xoa đại khái, coi đấy là tập quán nên dễ dàng bỏ qua vi phạm. Pháp luật không nghiêm dẫn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính e ngại, không dám đầu tư sản xuất bài bản.

Rất ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo qua các cánh đồng lớn, ngay cả các tổng công ty kinh doanh gạo lớn của nhà nước cũng không đầu tư mà chủ yếu mua gom gạo về trộn bán nội địa hoặc xuất khẩu, sản phẩm không đồng đều, không truy xuất nguồn gốc, không thương hiệu.

Một sự bát nháo trong sản xuất kinh doanh từ hạt giống đến hạt gạo phải được siết chặt trước khi quá muộn là điều ai cũng nhìn thấy. Cùng với siết chặt quản lý thì phải tổ chức lại sản xuất.

Và đường hướng cho nông nghiệp ĐBSCL, rộng hơn là cho đất nước, như ý kiến tâm huyết của GS Võ Tòng Xuân tại hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” tại Cần Thơ ngày 10/12 là hình thành các chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra được dẫn dắt bởi doanh nghiệp và một tầng lớp nông dân tiêu biểu thông qua hình thức hợp tác xã. Muốn thế cần một lớp người xông pha, cả doanh nghiệp cả nhà nông, và họ phải được bảo vệ bằng kỷ cương pháp luật nghiêm minh, công bằng.

Người dân mua gạo ST24. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Duy trì chất lượng sản phẩm các nhà sản xuất không còn con đường nào khác buộc phải kiểm soát được đầu vào từ chất lượng hạt giống - sản xuất ngoài đồng đến chủ động chế biến, bảo quản bằng công nghệ tốt nhất. Điều cần là các doanh nghiệp lớn góp mặt trong chuỗi giá trị đấy. Đó cũng là tâm là tầm những doanh nghiệp sẵn lòng với nông nghiệp, với sức khỏe người dân và tương lai đất nước.

gs-trn-dinh-long182618896GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam: Công nghiệp hạt giống đang là khâu yếu nhất

Ngành giống cây trồng Việt Nam từ giai đoạn năm 2000 đến nay có sự thành công nhất định trong công tác chọn tạo giống với rất nhiều giống mới chất lượng được ra đời, từ giống thanh long, xoài, sầu riêng; các giống bản địa quý cũng được lưu giữ, phục tráng và nâng cấp.

Riêng giống lúa: Về nghiên cứu lúa lai, trình độ Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Còn lúa thuần chúng ta đã cho ra được rất nhiều giống tốt, nhiều giống cỡ nhất nhì thế giới.

Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là khâu tổ chức sản xuất và chế biến hạt giống mà như tổ chức Danida Đan Mạch chỉ ra từ nhiều năm trước là khâu yếu nhất trong nông nghiệp Việt Nam.

Chính vì công nghiệp hạt giống yếu nên dù giống của cơ quan nhà nước nghiên cứu ra khá nhiều nhưng đáp ứng cho sản xuất còn khiêm tốn.

Gần đây, khi các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu giống hoặc mua lại bản quyền, họ chăm chút, liên tục nâng cấp sản phẩm, đầu tư chế biến và chuyển giao tốt nên ra sản xuất tốt hơn hẳn.

Chỉ khi có ngành chế biến hạt giống đúng nghĩa, bản quyền giống được bảo vệ, doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết sản xuất bằng giống chuẩn, quy trình canh tác chuẩn, sản phẩm kinh doanh ngày một có thương hiệu thì chắc chắn nạn giống giả, hàng giả sẽ bị đẩy lùi.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.