| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ đập

Thứ Tư 01/12/2021 , 15:51 (GMT+7)

Sửa chữa, nâng cấp đập, hồ giúp đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, cải tạo cảnh quan môi trường và đời sống của người dân.

Cơ quan chuyên môn kiểm tra hồ Phong Niên, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Ảnh: T.L

Cơ quan chuyên môn kiểm tra hồ Phong Niên, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Ảnh: T.L

Đáp ứng nhu cầu sửa chữa cấp bách hồ, đập

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, số lượng hồ chứa trên địa bàn tỉnh tương đối lớn lên tới con số 107 hồ. Tuy nhiên, trong số này chủ yếu là hồ nhỏ và rất nhỏ. Các hồ này có vị trí xây dựng phân tán ở nhiều địa phương và nằm sâu trong các thôn bản, không có đường quản lý vận hành hoặc đi lại rất khó khăn.

Trong khi đó, các đập, hồ chứa hầu hết là đập đất, được xây dựng từ những năm 1960-1980 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm sử dụng, đồng thời do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, mưa lũ, các công trình đã hư hỏng xuống cấp, gây mất an toàn công trình...

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Lào Cai cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, mức độ rủi ro thiên tai ngày càng lớn cũng như tầm quan trọng của việc phát triển nguồn tài nguyên nước, tỉnh Lào Cai đã đầu tư vào hệ thống thủy lợi nói chung và hệ thống hồ, đập trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều hồ, đập được xây dựng từ hàng chục năm về trước nay đã xuống cấp, mức độ an toàn hồ đập rất thấp. Trong số đó, nhiều hồ đã không còn tích nước hoặc tích nước ở mực nước thấp.

Do đó, hằng năm nhu cầu đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa là rất lớn. Trong những năm gần đây tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cấp bách một số đập, hồ chứa tuy nhiên chưa đáp ứng so nhu cầu thực tế.

Mặc khác, do chưa cân đối được ngân sách nên việc bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa đảm an toàn, phòng chống thiên tai gặp khó khăn. Vì vậy, khi được đầu tư sửa chữa một số đập, hồ đang trong tình trạng xuống cấp nguyên trọng thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã phần nào giải quyết được bài toán nêu trên, đảm bảo an toàn đập, hồ nhất là trong mừa mưa lũ.

Trong đó, 6 hồ gồm: Hồ Phú Nhuận, hồ Phong Niên, hồ Phố Ràng, hồ Tả Xín, hồ Tân An, hồ Sung Lảng nằm trên địa bàn các huyện của tỉnh Lào Cai đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn WB8 với tổng số tiền là 74,902 tỷ đồng.

“Việc sửa chữa nâng cấp công trình hồ, đập đã phát huy được hiệu quả cấp nước cho sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như đảm bảo an toàn cho công trình, cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần cải thiện đời sống người dân trong khu vực”, ông Ngọc cho biết.

Ngoài ra, trong tháng 12 tới đây, 8 đập, hồ chứa khác cũng sẽ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay WB thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). 

Hồ Tả Xín, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Hồ Tả Xín, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Đảm bảo chất lượng yêu cầu đặt ra

Hồ Phố Ràng nằm ở trung tâm huyện Bảo Yên được làm từ những năm 1960 nên trước khi được đầu tư xây dựng thì toàn bộ hồ gần như đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Phần đập chính bằng đất bị xói lở phía thượng lưu; tràn thoát lũ nhỏ, không đảm bảo tiêu thoát lũ… 

Sau khi thẩm định, hồ Phố Ràng được Bộ NN-PTNT phê duyệt danh mục đầu tư, bố trí vốn để triển khai thi công. Bắt đầu thi công từ tháng 2/2020, do đặc thù là thi công công trình thủy, nên nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáng chú ý hệ thống tràn xả lũ đã được mở rộng gấp 4 lần tràn xả lũ đầu tư trước đó, phù hợp với mặt thoáng của hồ, đảm bảo an toàn tiêu thoát lũ; kiên cố hệ thống đập dâng; gia cố cửa lấy nước bằng bê tông cốt thép, có van đóng mở đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. 

Một công trình khác cũng nằm trong danh mục được sửa chữa và nâng cao an toàn đập đó là hồ thủy lợi xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Hồ thuỷ lợi xã Phong Niên được làm từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hồ Phong Niên có dung tích chứa 400.000 m3 nước, trước đây đập dâng đắp bằng đất nên sau 40 năm khai thác và sử dụng, hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn hồ đập. Do vậy, khi được Bộ NN-PTNT phê duyệt danh mục đầu tư, bố trí vốn, Ban quản lý Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Lào Cai đã khẩn trương tổ chức đầu thầu, triển khai thi công ngay, với mục tiêu hoàn thành công trình vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng. 

Thi công từ tháng 2/2020 đến nay, công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Các hạng mục chính như nâng cấp đập dâng, kiên cố hóa mái thượng lưu, hạ lưu, làm mới tràn xả lũ, cống xả đáy, nhà van… sau khi được nghiệm thu và vận hành đều đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra. 

Trên đây, 2 trong 6 hồ thủy lợi được đầu tư theo dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập của tỉnh Lào Cai do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. 

4 hồ khác gồm: Tân An, Sung Lảng (huyện Văn Bàn), Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), Tả Sín (huyện Bát Xát) cũng đã được nâng cấp và đưa và sử dụng đảm bảo chất lượng, tiến độ đặt ra. 

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Lào Cai cho biết, việc đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn cho 6 đập, hồ chứa nước thủy lợi; đảm bảo chủ động cấp nước tưới cho 265 ha ruộng trồng lúa 2 vụ và hàng trăm ha diện tích mặt thoáng nuôi thủy sản, đảm bảo phòng chống thiên tai khi có mưa lũ xảy ra trên lưu vực; qua đó đảm bảo an sinh xã hội khu vực. Tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực, điều hòa không khí… góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước.

Sau đầu tư xây dựng những công trình trên, công tác quản lý, vận hành khai thác cũng như rà soát, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục từ các cấp chính quyền. Do đó, hệ thống hồ chứa trong những năm qua luôn trong tình trạng hoạt động an toàn, không để xảy ra trường hợp nào mất an toàn gây thiệt hại tới người và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, để chủ động trong công tác phòng chống đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là các đập, hồ chứa bùn thải trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh này cũng đã tham gia cùng đoàn kiểm tra do Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng đại diện các cơ quan: Sở Công Thương, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án triển khai, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn hồ đập chứa bùn thải, bãi thải và bảo vệ môi trường của một số dự án đầu tư khái thác, tuyển khoáng trên địa bàn tỉnh Lào Cai...

Bởi khai thác và chế biến khoáng sản ở Lào Cai là một hoạt động công nghiệp đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở các khu vực miền núi. Tuy nhiên, ngành khai thác chế biến khoáng sản cũng là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường, trong đó các sự cố chủ yếu liên quan đến các đập/hồ thải chứa quặng đuôi, gây ra những thiệt hại lớn về tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân sống quanh khu vực. Do đó, công tác phòng chống đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi tại Lào Cai luôn được chú trọng, đặt lên hàng đầu.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.