| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Xe 'lạnh' nằm chờ, xe 'nóng' xuất hàng ổn định

Thứ Sáu 18/02/2022 , 09:07 (GMT+7)

Tại cửa khẩu ở Lào Cai, mặt hàng như chuối, sắn lát, ván bóc... xuất khẩu ổn định trong khi đó mặt hàng thanh long, xoài, mít phải giữ lạnh tiếp tục ùn ứ.

Xe nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ

Xe nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ

Lái xe lạnh thấp thỏm chờ đón hàng

Tỉnh Lạng Sơn dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên các cửa khẩu đường bộ để xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 16-25/2/2022. Sau thông tin trên, lượng xe nông sản kéo lên Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) tăng nhẹ trong ngày qua.

Ghi nhận tại cửa khẩu này, xe lạnh chở thanh long, mít, xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục ùn ứ. Tuy nhiên, số lượng không quá lớn, chỉ khoảng hơn 100 xe. Các xe được bố trí trong các bãi và đỗ gọn ở khu vực quanh cửa khẩu nên không có hiện tượng ách tắc cục bộ trong các đường nội bộ.

Ông Lê Tấn Tài, lái xe chở mít cho biết, tôi cùng anh em phụ xe chở mít từ Tiền Giang ra, nằm ở cửa khẩu này suốt một tuần nay nhưng chưa thể xuất hàng. Khi nào ở đầu bên kia (phía đối tác Trung Quốc - pv) thông báo đón được thì xe mới được vào khu vực xuất tại cửa khẩu. Cùng với phí gửi xe hằng ngày trong bãi là 70 đồng/ngày thì anh em tự tổ chức nấu ăn cho tiết kiệm trong lúc chờ đợi.

Công mít này khoảng hơn 1 tỷ đồng, nếu không thể xuất được sang Trung Quốc thì chỉ còn cách quay đầu về Hà Nội tháo công bán lẻ, không thì phải đổ bỏ vì thối hỏng.

Cũng theo kinh nghiệm của các tài xế, mặt hàng mít, xoài... khi để trong công lạnh và bắt đầu có mùi thơm thì cũng là lúc hoa quả đã chín và bước sang giai đoạn nhũn, hỏng do đó có bảo quản lạnh cũng không thể giữ mãi được.

"Tiền dầu duy trì chạy máy lạnh liên tục cũng rất tốn kém và phải đảm bảo thì Trung Quốc họ mới nhận hàng. Mỗi công lạnh đều có chip ghi lại quá trình chạy lạnh, đảm bảo họ mới lấy hàng. Tuy nhiên, nay 10 chiếc xe nóng qua mới được 1 một chiếc xe lạnh xuất đi thì việc nằm bãi còn dài. Anh em đang tính kéo lên cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) để giao hàng", lái xe Nguyễn Minh Thư nói.

"Mỗi xe lạnh sang Trung Quốc phải mất khoảng 6 tiếng để test Covid-19. Khi có kết quả xong mới giải phóng được xe hàng đó. Do vậy, khi xe thanh long ùn ứ không test Covid-19 kịp thì họ không đón mặt hàng này nữa và lúc đó bắt buộc phải điều tiết phương tiện cho hàng hoá khác sang. Trên này tôi thấy anh em lực lượng biên phòng rất vất vả vì luôn luôn phải sắp xếp, điều tiết xe liên tục, linh hoạt sao phù hợp, không thể dập khuôn", ông Nguyễn Xuân Quế, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Anh cho biết.

Lái xe lạnh chở mít lo lắng vì đã chờ nhiều ngày nhưng chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: H.Đ

Lái xe lạnh chở mít lo lắng vì đã chờ nhiều ngày nhưng chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: H.Đ

Chuối, dưa hấu, ván bóc... xuất khẩu ổn định

Trong khi, mặt hàng thanh long, mít, xoài gặp khó trong xuất khẩu thì chuối, dưa hấu, sắn lát, ván bóc... xuất khẩu ổn định và không gặp tình trạng ùn ứ. Sở dĩ có việc này là do mặt hàng chuối, dưa hấu... đều được chở trên xe tải không giữ lạnh (xe "nóng").

Ông Phạm Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu cho biết, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 xe nông sản qua lại cửa khẩu Kim Thành. Trong đó, nông sản từ phía Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 100 xe chủ yếu là dưa hấu, chuối, mít, thanh long, xoài, ván bóc, sắn lát, tinh bột sắn… Ở chiều ngược lại, chúng ta nhập một số mặt hàng rau, củ từ Trung Quốc.

“Về một số mặt hàng nông sản như thanh long, xoài, mít cần được bảo quản lạnh mà đối với xe đông lạnh phía Trung Quốc có những yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn nên sẽ tốn thời gian hơn. Hiện, khoảng hơn 100 xe nông sản bảo quản lạnh đang tồn đọng tại cửa khẩu Kim Thành”, ông Hùng nói.

Sau khi, tỉnh Lạng Sơn hạn chế tiếp nhận xe nông sản trong 10 ngày (từ ngày 16 - 25/2/2022), lượng xe đổ về Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành tăng dần.

Cho tới thời điểm này, không còn tình trạng thiếu lái xe trung chuyển của phía Trung Quốc như dịp trước và trong Tết Nguyên đán.

“Việc các xe di chuyển chậm là do phía Trung Quốc chỉ có 4 bãi hàng hóa và năng lực vận tải, bốc xếp của họ đã “chạm trần” chính vì thế nông sản của Việt Nam cũng không thể sang ồ ạt được nữa. Thời gian này việc ưu tiên nhất vẫn là xuất khẩu hàng hóa nông sản”, ông Phạm Hùng nói.

Theo một số doanh nghiệp, có trường hợp xe nông sản đã xuất sang Trung Quốc nhưng được nhận do Covid-19 thì việc chi trả phí khử khuẩn, tiêu huỷ hàng hoá rất tốn kém lên tới cả trăm triệu đồng. Do đó, họ mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục vào cuộc tháo gỡ, để doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi nhất cũng như bà con nông dân nên kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào, từ khâu đóng gói sản phẩm tránh tình trạng xe hàng sang bên kia bị trả về.

Hiện tại việc phân luồng phương tiện chở nông sản xuất khẩu được điều chuyển từ xa để tránh ùn tắc. Căn cứ vào tình hình bãi chờ xuất, chúng tôi điều chuyển phương tiện ra vào cửa khẩu đảm bảo không ùn ứ, chồng chéo, đi đúng luồng, đúng phương tiện đã làm thủ tục xuất khẩu, Thiếu tá Đinh Quang Chính, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai cho biết.

    Tags:
Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.