| Hotline: 0983.970.780

Lao đao vì giống tôm hùm: [Bài cuối] Cần cấp phép nhập khẩu chính ngạch

Thứ Năm 23/11/2023 , 09:51 (GMT+7)

Để giống tôm hùm đảm bảo chất lượng cho người nuôi, việc tổ chức cấp phép nhập khẩu chính ngạch, cũng như kiểm soát chặt con giống là rất cần thiết.

Hiện giống tôm hùm chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài về phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân. Ảnh: KS.

Hiện giống tôm hùm chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài về phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân. Ảnh: KS.

Con giống tôm hùm phụ thuộc nhập khẩu

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, tính đến tháng 10, toàn tỉnh có 74.330 lồng nuôi tôm hùm, với tổng sản lượng đạt trên 1.500 tấn. Hiện bà con nuôi 2 đối tượng chính gồm tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên, tôm hùm xanh được nuôi nhiều hơn vì thời gian nuôi ngắn, chỉ từ 8-10 tháng là thu hoạch.

Nguồn giống tôm hùm được khai thác tại các vùng biển trong tỉnh như: thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước và đầm Nha Phu (TX. Ninh Hòa); thôn Đầm Môn (Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh chỉ đáp ứng từ 10 - 15% nhu cầu. Số còn lại, khoảng 85% con giống được mua từ các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam hoặc nhập khẩu từ Malaysia, Singapore và Philippines…

Tuy nhiên, hiện nay, con giống tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng khan hiếm nên nguồn gốc tôm nuôi chủ yếu là từ giống nhập. Trong năm 2022, số lượng tôm hùm giống nhập về Khánh Hòa khoảng 83 triệu con (987 lô). Còn 9 tháng đầu năm 2023, số lượng giống tôm hùm nhập về khoảng 59 triệu con (669 lô).

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, khuyến cáo người nuôi mua giống tôm hùm có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: KS.

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, khuyến cáo người nuôi mua giống tôm hùm có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: KS.

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, tôm hùm giống nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất hàng cấp và xác nhận thủy sản không có mầm bệnh truyền nhiễm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Thời gian qua, con giống nhập khẩu đưa về các cơ sở cách ly kiểm dịch chủ yếu tại TP Cam Ranh được các cơ quan chuyên môn ở Trung ương quản lý, kiểm soát theo đúng quy trình từ cửa khẩu đến địa điểm cách ly. Khi phát hiện lô tôm mang mầm bệnh thì tiêu hủy hoàn toàn và xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng địa điểm cách ly kiểm dịch.

Theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì kể từ ngày 15/8/2016, tôm hùm giống nhập khẩu cần được kiểm tra xét nghiệm âm tính với bệnh đốm trắng và bệnh sữa.

Cần cấp phép nhập khẩu chính ngạch

Vừa qua, sau khi phát hiện 5 lô hàng nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng, Cục Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính 3 công ty nhập khẩu trên 467 triệu, đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ lô hàng theo quy định.

Con giống tôm hùm là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả kinh tế nuôi. Ảnh: KS.

Con giống tôm hùm là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả kinh tế nuôi. Ảnh: KS.

TS Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, bệnh đốm trắng trên tôm vô cùng nguy hiểm, có khả năng gây chết hàng loạt, thậm chí lên đến 100% sau thời gian ngắn thả nuôi. Vì vậy, tôm giống nhập về phát hiện có virus gây bệnh đốm trắng phải tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, năm 2021, Viện Nuôi trồng thủy sản thuộc Trường Đại học Nha Trang phối hợp Công ty TNHH Nhập khẩu thủy sản Khánh Hòa xây dựng cơ sở cách ly kiểm dịch tôm hùm giống tại TP Cam Ranh (Trại cách ly kiểm dịch giống thủy sản Cam Ranh) và đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y số 96 ngày 7/9/2021.

Theo đó, ban đầu, Trạm cách ly kiểm dịch giống thủy sản Cam Ranh này xây dựng để hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu tôm giống đưa về lưu giữ từ 5-7 ngày nhằm kiểm soát dịch bệnh rồi mới đưa con giống ra thị trường. Sau đó, Trạm mới thực hiện thu phí. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, Trạm tạm dừng việc cách ly do việc nhập tôm hùm hợp pháp từ Indonesia về Việt Nam không thực hiện được.

Cũng theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, hiện nay nguồn giống khan hiếm nên có một số tổ chức nhập tôm hùm bất hợp pháp với chất lượng không đảm bảo và không thực hiện cách ly để kiểm tra chất lượng tôm hùm giống. Tuy nhiên, người nuôi có nhu cầu cao nên thấy giá rẻ là mua. Đối với con giống nhập lậu, không kiểm dịch, thường giá lại rẻ nhưng rủi ro rất cao. Do đó, người nuôi chấp nhận mua giống theo kiểu may mắn thì lướt qua, còn xui “dính” dịch bệnh đành chịu thiệt.

Mặt khác, hiện nay người nuôi không có cách để kiểm tra, nhận biết bệnh trên tôm hùm giống. Tôm giống chất lượng kém hoặc có mầm bệnh, khi thả mấy ngày sau mới hiện ra bệnh và tôm chết hàng loạt.

Vì vậy, ông Sỹ cho rằng, để con giống tôm hùm đáp ứng cho người nuôi đảm bảo chất lượng, cần tổ chức cấp phép nhập khẩu chính ngạch, đồng thời kiểm soát chặt nguồn giống cũng như đưa về cơ cở lưu giữ để kiểm dịch.

Hiện người nuôi tôm hùm thả theo kiểu cuốn chiếu nên nhu cầu con giống rất lớn. Ảnh: KS.

Hiện người nuôi tôm hùm thả theo kiểu cuốn chiếu nên nhu cầu con giống rất lớn. Ảnh: KS.

Còn ông Lê Thắng cho biết, để tránh thiệt hại, người nuôi không nên mua, thả nuôi tôm hùm giống không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, lựa chọn mua tôm hùm giống đạt chất lượng tốt, khỏe mạnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh theo quy định. Khi mua cần đề nghị người bán tôm hùm giống cung cấp tài liệu, hóa đơn để xác định nguồn gốc, chất lượng.

Mặt khác, để tránh tôm giống hao hụt, nên lưu ý thời gian lưu giữ tôm giống từ thời điểm kết thúc khai thác ở biển đến thả ương nuôi không quá 48 giờ. Khi thả giống cần đảm bảo các điều kiện để tôm giống thích nghi với môi trường nước mới, không bị sốc nhiệt độ, hàm lượng oxy, độ mặn, pH, độ kiềm…

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa trong thời gian tới sẽ phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm dịch tôm hùm giống tại cơ sở cách ly để đảm bảo đầu ra con giống sạch bệnh cho người nuôi. Đồng thời, có biện pháp xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự những cá nhân, tổ chức cố tình trốn cách ly, kiểm dịch tôm giống gây nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến người nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ vận động người dân mua giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch và đăng ký kê khai ban đầu nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống tôm hùm. Các cơ sở này đã xây dựng quy trình ương giống tôm hùm phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 14 công ty nhập khẩu giống tôm hùm, tất cả đều nằm trên địa bàn TP Cam Ranh.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.