| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/10/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 03/10/2017

Lao động bỏ trốn, không thể chỉ dừng ở 'gào thét' tuyên truyền!

Hiện tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, đã lại tăng đến con số báo động 40%, chứng tỏ những giải pháp ngăn chặn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là không hiệu quả. 

15-51-25_mot_hoi_nghi_tuyen_truyen_vn_dong_lo_dong_lm_viec_ti_hn_quoc_ve_nuoc_dung_hn_v_lo_dong_bt_hop_php_tu_nguyen_ve_nuoc
Một hội nghị vận động lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Năm 2012, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 55,76%. Trước tình hình này, Hàn Quốc đã tạm thời dừng thực hiện Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam. Tỷ lệ bỏ trốn giảm từ 47% vào cuối năm 2013, xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015.

Hàn Quốc có 16 nước phái cử lao động tới làm việc, tỷ lệ bỏ trốn trung bình là 8 – 9%, nhiều nhất 15 – 16%; số lao động VN bỏ trốn “đứng đầu” và chiếm 32% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tháng 5/2016, Hàn Quốc “quay lại” với Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động VN trong 2 năm, đến 5/2018. Thì từ đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn lại tăng lên, hiện lên tới gần 40%. Nguy cơ phía Hàn Quốc lại dừng hoặc dừng hẳn tiếp nhận lao động Việt Nam – họ đang đề nghị tỷ lệ dưới 30% và tiến tới bằng các nước khác - là có thực và ngày càng hiện hữu. Chừng 50.000 lao động trong nước đang “xếp hàng” để chờ sang Hàn Quốc, đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ này.

Các giải pháp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, ngoài việc mới có từ năm 2013 là thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng, thì vẫn chỉ dừng ở mức “đề nghị các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động gia đình và bản thân người lao động chấp hành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng và các quy định của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc”.

Nhưng lao động Việt Nam hiện vẫn bỏ trốn, và đang tăng lên. Lý do lao động Việt Nam bỏ trốn, không chịu về nước, chủ yếu do mức lương ở Hàn Quốc khá cao, thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, có người lên đến 40-50 triệu đồng/tháng. Các nhà máy địa phương, công trường xây dựng ở Hàn Quốc rất nhiều nên người lao động dễ tìm việc.

Các ông chủ cần một lượng lớn nhân công, kể cả tay nghề không cao, nên vẫn chấp nhận thuê lao động bất hợp pháp. Biện pháp ký quỹ ở quê nhà thì chỉ áp dụng từ 2013, trong khi nhiều lao động bỏ trốn đi từ trước thời điểm trên và không chịu ảnh hưởng của việc ký quỹ. Thậm chí, trong suy nghĩ của lao động bất hợp pháp, thì đi làm khoảng nửa năm là bù lại được tiền ký quỹ hay tiền phạt. Rồi nếu trốn ở lại, làm càng lâu, số tiền kiếm được càng nhiều hơn.

Để đi xuất khẩu lao động, hầu hết qua “cò”, họ phải vay mượn số tiền khá lớn. Hai năm đầu, tích cóp trả nợ, năm thứ ba thì gửi tiền về và dành dụm. Thời hạn chỉ có 3 năm, họ về nước thì kiếm đâu ra công việc với mức lương đó? Phải tìm ra thêm những biện pháp khác nữa, hiệu quả hơn, chứ chỉ dừng ở mức “gào thét” tuyên truyền, vận động với ký quỹ 100 triệu đồng, thì không ngăn được. Chẳng hạn, lao động Việt Nam trốn ở lại vì tiền, vậy thì biện pháp xử phạt cũng sẽ là tiền ở mức đủ lớn, cùng việc siết chặt quản lý để lao động không đi qua “cò”?