Thông tin tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc Làm cho biết, 3 tháng đầu năm 2023 có 146.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người), trong đó có 128.460 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo ông Tú, năm 2022, các Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) trong cả nước tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22,7% so với năm 2021 (801.925 người). Trong đó có 975.333 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người) và chiếm 99,1% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Mức hưởng TCTN bình quân khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Tú thông tin.
Lý giải về việc số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trên cả nước năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 ông Tú cho biết, sở dĩ tăng là do số người tham gia BHTN tăng hàng năm dẫn đến số người đủ điều kiện hưởng TCTN tăng.
Mặt khác do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp, tổ chức giảm quy mô, giải thể hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, không tuyển dụng nhân sự mới và cũng do ảnh hưởng tình hình kinh tế.
Cùng với đó, ảnh hưởng của nền kinh tế, chính trị thế giới bất ổn, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng nên nhiều lao động bị châm dứt hợp đồng lao động hưởng TCTN dẫn đến số người nộp hồ sơ hưởng TCTN tăng.
Cũng theo ông Tú, 100% người đến Trung tâm DVVL để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đều sẽ được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề. Có học nghề, có kỹ năng thì người lao động mới có nền tảng để chuyển đổi vị trí việc làm.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người lao động, ông Tú chia sẻ, người lao động thất nghiệp do: Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) trước thời hạn chiếm 41,3%; hết hạn HĐLĐ, HĐLV chiếm 30,1%; bị xử lý kỷ luật, sa thải chiếm 1,9%; doanh nghiệp tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 2,7%; người lao động đơn phương chấm dứt quan hệ lao động chiếm 0,3% và do các nguyên nhân khác chiếm 23,7% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN.
Về tư vấn, giới thiệu việc làm, ông Tú cho biết, năm 2022, trên cả nước có hơn 2,2 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 1,7 triệu lượt người).
3 tháng đầu năm 2023, có hơn 340.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022 (375.788 lượt người).
Hiện nay các Trung tâm DVVL sử dụng các phương pháp tư vấn trực tiếp với NLĐ đến giao dịch. Tại những Trung tâm DVVL có nhiều người lao động đến giao dịch trong một thời điểm thường sử dụng phương pháp tư vấn tập thể.
Ngoài ra, một số Trung tâm DVVL đã sử dụng phương pháp tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, mạng xã hội, các công cụ giao tiếp trên mạng máy tính (Skype, Facebook…), tổng đài tư vấn (Hà Nội, Cần Thơ…).
Nguồn dữ liệu việc làm được Trung tâm DVVL lấy từ các tổ chức, doanh nghiệp đến tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, dữ liệu trực tuyến thống kê và lập danh sách, đồng thời lập bảng công ty để giới thiệu đến NLĐ.
Không chỉ tăng số lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm trong năm 2022, số lao động thất nghiệp được giới thiệu học nghề cũng tăng nhanh.
Năm 2022 có 21.825 người được hỗ trợ học nghề, tăng 18,8% so với năm 2021, bằng 2,2% so với số người có quyết định hưởng TCTN. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, có 4.237 người được hỗ trợ học nghề, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022 (3.598 người).
Các ngành, nghề người lao động chủ yếu đăng ký học như: lái xe, kỹ thuật nấu ăn, pha chế đồ uống, tin học văn phòng, vận hành xe nâng hàng, phiên dịch, trang điểm chuyên nghiệp...