| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Lao động phổ thông khó tìm việc làm

Thứ Hai 17/04/2023 , 08:35 (GMT+7)

Một số doanh nghiệp chỉ tuyển lao động có tay nghề, chưa tuyển nhiều lao động phổ thông nên lượng lớn lao động phổ thông khó tìm được việc làm trong giai đoạn hiện nay.

Quý I/2023, lao động mất việc vẫn nhiều

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, an sinh cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da... vẫn thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động, đồng thời cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. 

Empty

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thống kê trong quý I/2023, số lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là lao động phổ thông. Đơn cử như Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP Biên Hòa) giảm gần 800 lao động, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cắt giảm gần 1.000 lao động, Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (huyện Trảng Bom) cắt giảm 227 lao động giày da.

Đối với các lao động buộc phải cắt giảm, các doanh nghiệp đã thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp đều có những chế độ riêng để hỗ trợ lao động vượt qua giai đoạn khó khăn (như hỗ trợ nửa tháng đến 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc...).

Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đang phối hợp cùng Công đoàn, các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới. Tuy nhiên, hiện nhiều người lao động đang làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều người chưa có nhu cầu đi làm trở lại. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chỉ tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm, chưa tuyển nhiều lao động phổ thông, dẫn đến một lượng lớn lao động phổ thông khó tìm được việc làm trong giai đoạn hiện nay.  

Tại Sàn Giao dịch việc làm Đồng Nai lần thứ nhất năm 2023 được tổ chức vào ngày 27/2, có 25 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với tổng nhu cầu tuyển dụng 800 vị trí việc làm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chỉ tiếp nhận được 280 hồ sơ của người lao động, trong đó có tới 30% là lao động phổ thông. 

Người lao động xếp hàng chờ làm thủ tục đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động xếp hàng chờ làm thủ tục đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tìm việc của người lao động cao, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lại ít. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp yêu cầu tuyển dụng các vị trí có bằng cấp, tay nghề, kinh nghiệm nên nhiều người lao động khó tìm được việc làm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, trong quý 1/2023, Trung tâm đã thực hiện tư vấn và giới thiệu việc làm cho 12.567 lượt lao động. Trong đó, tư vấn việc làm cho người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.196 người. Giới thiệu việc làm cho 1.413 lượt lao động với hơn 200 vị trí việc làm.

Cũng theo bà Thuỳ, nhằm hạn chế tình trạng mất việc của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may dẫn đến phải giảm lao động kết nối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để chuyển giao lao động. Trong tháng 3, đã kết nối được 23 doanh nghiệp tuyển dụng được 2.831 lao động.

Để kết nối doanh nghiệp với người lao động, trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai dự kiến sẽ tổ chức 15 sàn giao dịch việc làm trực tiếp và kết nối sàn giao dịch việc làm trực tuyến với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố. Đồng thời, sẽ đăng tải tất cả các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc của người lao động trên trang thương mại điện tử kết nối 63 tỉnh thành trên cả nước để thu hút lao động về Đồng Nai làm việc.

Số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngoài ra, Trung tâm tăng cường những hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết hợp thu thập, cập nhật dữ liệu của người lao động bị mất việc khi đến liên hệ trực tiếp tại Trung tâm thông qua các hình thức trực tuyến để tiến hành các hoạt động kết nối với một số doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhằm giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động.

Hơn 13.900 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp

Gặp chị N.T.H.V (công nhân tại một công ty gỗ trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, chị cho biết, trong thời điểm đầu năm 2023, công ty thiếu đơn hàng, phải cắt giảm một số lao động nên chị tình nguyện xin nghỉ việc.

"Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, sức khoẻ không được tốt, cộng với con dâu sắp sinh em bé nên tôi xin nghỉ việc để cho các bạn trẻ ở lại làm việc thì tốt cho công ty hơn. Nếu sức khỏe tốt thì tôi đi làm lại, không thì ở nhà kiếm gì đó bán vì nhà tôi ở ngay đường quốc lộ", chị V nói và cho biết thêm, hôm nay con trai chị chở đến đây để làm xong thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp và đang chờ tới lượt để nghe tư vấn.

Người lao động tới

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chị C.T.Ơ (công nhân tại Công ty Cổ phần Poh Huat Việt Nam, Khu công nghiệp Tam Phước, huyện Long Thành) cho biết, do việc ít nên công ty thông báo chị là một trong những người phải tạm nghỉ việc từ tháng 9/2022. Đến nay, công ty tiếp tục thông báo chị phải nghỉ việc đến tháng 5 năm nay. "Tôi không thể chờ đợi thêm được nữa nên phải tìm một công việc khác, chứ nghỉ thế này lấy tiền đâu ra lo cho gia đình. Hôm nay tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm bảo hiểm thất nghiệp và xin được tư vấn về việc làm mới xem có công việc nào phù hợp không", chị Ơ nói.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với lao động mất việc làm đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại Trung tâm, sẽ được tư vấn đầy đủ về bảo hiểm thất nghiệp, ngoài ra còn được tư vấn việc làm, cung cấp thông tin tuyển dụng phù hợp.

Trong quý I/2023, có 13.917 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số người làm việc tại các địa phương khác nộp tại Đồng Nai là 808 người. Đã giải quyết 11.242 hồ sơ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và 41 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thùy, hiện Đồng Nai có một trụ sở chính và 5 văn phòng đại diện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp phân theo khu vực: Định Quán – Tân Phú; Long Khánh – Xuân Lộc – Cẩm Mỹ; Trảng Bom – Thống Nhất; Long Thành và Nhơn Trạch, người lao động có thể dễ dàng, thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm.

Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chậm đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên dẫn đến việc không chốt được sổ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Một số doanh nghiệp còn chậm cung cấp hợp đồng lao động cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã có việc làm nên ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo lưu thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Việc ứng dụng công nghệ nhằm kết nối dữ liệu giữa trung tâm dịch vụ việc làm với cơ quan bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện. Do đó, dễ sai sót và mất nhiều thời gian trong quá trình giải quyết chính sách; công tác tổ chức cán bộ tại một số trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều khó khăn do hiện nay mới chỉ có định suất lao động.

Trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm còn nhiều khó khăn, vướng mắc về các nghiệp vụ phát sinh. Việc quản lý tình trạng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm để làm cơ sở chấm dứt hưởng và bảo lưu số tháng chưa hưởng cho người lao động còn nhiều khó khăn; chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020; nguồn nhân lực ở các văn phòng đại diện còn hạn chế so với khối lượng công việc và hồ sơ cần phải xử lý nên việc tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề tại các điểm tiếp nhận chỉ mới tư vấn chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu nên hiệu quả chưa cao.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động thất nghiệp được hưởng các quyền lợi, chế độ hỗ trợ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN.

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 17/3, toàn tỉnh có hơn 2,8 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số thu hơn 4 ngàn tỷ đồng.

Xem thêm
Cận Tết, nguồn nông sản dồi dào, giá thịt heo cao kỷ lục

Đồng Nai Những ngày cận Tết Nguyên đán, nguồn cung thực phẩm nông sản đang đổ về các chợ đầu mối khá dồi dào, một số mặt hàng tăng giá kỷ lục.

ThaiBinh Seed trao 100 suất quà Tết cho người nghèo

Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) vừa tổ chức trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất