| Hotline: 0983.970.780

'Lão hóa' hồ đập miền Trung: Cứ mùa mưa bão đến, lo sốt vó!

Thứ Năm 21/11/2019 , 10:10 (GMT+7)

Là địa phương có nhiều hồ chứa thủy lợi nhưng nhìn chung, các hồ đập tại Quảng Nam đã được xây dựng cách đây vài chục năm, có biểu hiện xuống cấp.

15-22-01_1
Quảng Nam là một trong những tỉnh có số lượng hồ đập thủy lợi lớn với 73 hồ lớn nhỏ. Ảnh: Lê Khánh.

Bên cạnh đó, tỉnh này thường chịu ảnh hưởng rất lớn mỗi khi vào mưa bão nên việc đảm bảo an toàn cho các hồ đập là vấn đề hết sức bức thiết.
 

Nhiều hồ đập xuống cấp, hư hỏng

Hàng năm, các hồ đập ở Quảng Nam vẫn được bổ sung kinh phí để duy tu, sửa chữa và nâng cấp. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá, hiệu quả mang lại chưa cao. Các thiết bị giám sát thường xuyên hư hỏng, hoạt động chập chờn; hệ thống cảnh báo đa số vẫn dùng các phương pháp thủ công.

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, thì tỉnh này hiện có 73 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ trong đó có 22 đập, hồ chứa lớn; 21 đập, hồ chứa vừa và 30 đập, hồ chứa nhỏ. Trong số các hồ chứa thủy lợi này, UBND tỉnh phân cấp cho Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý 17 hồ chứa và các huyện, thành phố, thị xã quản lý 56 hồ chứa.

Trong công tác quản lý hồ chứa vẫn có những điểm bất cập, đặc biệt là các hồ chứa thuộc địa phương quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của các tổ chức thủy lợi còn hạn chế, chưa thường xuyên được đào tạo, nâng cao tay nghề nên chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định, hiệu quả quản lý và khai thác công trình chưa cao.

Hầu hết các hồ chứa cơ sở chưa có quy trình vận hành, không có lưu trữ hồ sơ đầy đủ, quản lý, theo dõi và đánh giá tình trạng hoạt động của các công trình gần như chưa được thực hiện. Kinh phí phân bổ cho công tác duy tu, sữa chữa thường xuyên công trình còn hạn chế nên nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình xảy ra nhiều ở các địa phương.

Thực tế này khiến việc đảm bảo an toàn các hồ chứa trong mùa mưa bão cần được tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng. Điều này không chỉ là bảo vệ cho tính mạng, tài sản của người dân mà còn có vai trò rất lớn trong việc giữ và cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Như mọi năm, vào đầu mùa mưa bão năm 2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng cho biết, qua công tác kiểm tra 70/73 hồ (3 hồ không đánh giá là Khe Tân, Phước Hà và Nước Rôn đang trong thời gian thi công sửa chữa, nâng cấp chưa bàn giao đưa vào sử dụng) thì 39 hồ chứa hư hỏng mức B; 31 hồ chứa hư hỏng mức C (phân loại hư hỏng các mức A, B, C theo Tiêu chuẩn TCVN 11699;2016).

Những hạng mục hư hỏng chủ yếu là thấm thân đập, biến dạng mái đập, tràn xả lủ, hư hỏng dàn van và thân cống lấy nước. Vừa qua, tại hồ Hố Giang (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) đã xảy ra sự có nứt thân đập. Nguyên nhân là do tuổi đời của hồ quá cao cộng với hồ thường xuyên đối mặt khô hạn nên đã xuất hiện những lỗ hổng trong lòng thân đập.

15-22-01_2
Các hồ đập ở tỉnh có tuổi đời hàng chục năm nên đa phần đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Lê Khánh.

Nếu sự cố không được xử lý kịp thời thì nguy cơ vỡ đập rất cao khi nước tích đầy, gây mất an toàn cho cả thị trấn Đông Phú nằm ở phía dưới. Tỉnh đã huy động hàng trăm người tiến hành gia cố thân đập.
 

Ông Đỗ Văn Tùng, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những hư hỏng nằm trong tầm quản lý của công ty thì công ty phải sửa chữa, đảm bảo trước mùa mưa lũ. Đến bây giờ, toàn bộ các hồ chứa chúng tôi đã cho tu sửa các phần việc liên quan đến an toàn công trình. Hàng năm, nhà nước cũng đã rót kinh phí để tu sửa các hồ chứa nhưng nguồn vốn thì vẫn chưa đảm bảo”.

Còn nhiều bất cập, hạn chế

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn hồ đập thì vấn đề điều tiết nước tại các hồ thủy lợi cũng đang được tỉnh Quảng Nam hết sức quan tâm.

Tại Hồ Phú Ninh - một trong những hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Nam thì cứ vào mùa lũ, người dân vùng hạ du luôn nơm nớp nỗi lo hồ thủy lợi này xả lũ điều tiết có thể gây ngập diện rộng.

Do đó, trước mùa mưa lũ năm 2019, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị các phương án dự phòng đảm bảo vận hành điều tiết diễn ra an toàn như đầu tư hệ thống phát điện, các trục, cáp dự phòng...

Đơn vị cũng đã treo 4 ba lăng xích cho các cửa tràn để dự phòng trường hợp vận hành xảy ra tình trạng đứt cáp sẽ chuyển qua phương pháp thủ công. Tại các khu vực xả tràn sẽ có lực lượng túc trực 24/24 để theo dõi hiện trường, kịp thời báo cáo tình hình, số liệu thực tế về cấp trên để có phương án xử lý nhanh nhất.

Dù các cấp ngành của tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực cố gắng bằng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy lợi nhưng nhìn chung thì việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập tại địa phương này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó việc lắp đặt hệ thống giám sát vận hành thì đã có 7 hồ chứa trên toàn tỉnh đã lắp nhưng tất cả các hệ thống này hoạt động chập chờn, một số tiết bị hư hỏng, số liệu không tin tưởng nên chỉ để tham khảo.

Việc lắp đặt hoàn thiện các thiết bị quan trắc công trình, quan trắc thủy văn chuyên dùng, quan trắc thấm tại các hồ cũng cho số liệu không chính xác, đa phần vẫn bằng thủ công. Ngoài ra, với các thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập mới chỉ có hồ Phú Ninh có cắm mốc báo mực nước lũ vùng hạ du đập…

“Tại Quảng Nam, việc đánh giá an toàn công trình chỉ qua kiểm tra trực quan nên chưa chính xác, toàn diện. Có một số hạng mục hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đập. Do đó cần có những thiết bị hiện đại và giải pháp khoa học mới đánh giá chính xác được. Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý an toàn đập đòi hỏi chi phí quá lớn vượt khả năng tài chính của chủ đập nên khó thực hiện”, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam nói.

15-22-01_3
Hàng năm, tỉnh này cũng được phân bổ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ đập nhưng nguồn vốn vẫn còn hạn hẹp. Ảnh: Trần Long.

Cũng theo ông Tý, thì hầu hết cơ sở vật chất, phương tiện quản lý, thông tin liên lạc trong hệ thống phòng chống thiên tai tại các hồ đập còn thiếu, sơ sài và thủ công, thậm chí có những hồ không có bất kỳ một phương tiện gì. Cộng với việc các hồ thủy lợi ở quy mô nhỏ nằm tại những khu vực điều kiện đường sá đi lại khó khăn nên đã gây trở ngại cho công tác ứng cứu công trình khi bị sự cố.

“Để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo thì sở NN-PTNT Quảng Nam đề nghị Bộ NN-PTNN, Tổng cục Thủy lợi quan tâm, xem xét hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn phần công trình đầu mối của các hồ bị hư hỏng, xuống cấp vào danh mục cần nâng cấp, sữa chữa”, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất