| Hotline: 0983.970.780

'Lão hóa' hồ đập miền Trung: Phân cấp quản lý thế nào?

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:37 (GMT+7)

Nhân sự quản lý hồ đập đang là nỗi nhức nhối của ngành chức năng ở Bình Định.

15-43-42_1
Làm lưới chắn cá trái phép trước tràn xả lũ gây mất an toàn cho công trình. Ảnh: Đình Thung.

Bởi, hồ đập mà giao cho người không có chuyên môn quản lý thì cầm bằng “giao trứng cho ác”, công trình không được bảo đảm đã đành, thậm chí còn bị tác động xấu đến sự an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
 

Hồ chứa vừa yếu vừa… già

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 165 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 585 triệu m3, có nhiệm vụ tưới hơn 47.500ha/năm và bổ sung nước hơn 20.100ha khác tại các trạm bơm, đập dâng; tỷ lệ tưới đạt hơn 80% diện tích đất canh tác toàn tỉnh và một số hồ có khai thác tổng hợp như nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, phát điện.

Hiện Cty TNHH Môt thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đang quản lý 15 hồ chứa lớn với tổng dung tích 458 triệu m3 và 13 đập dâng. Các địa phương đang quản lý 145 hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ với tổng dung tích thiết kế 126,85 triệu m3.

Cụ thể, huyện An Lão quản lý 4 hồ với tổng dung tích thiết kế là 2,70 triệu m3; huyện Hoài Nhơn 16 hồ/18,70 triệu m3; huyện Hoài Ân 21 hồ/26,14 triệu m3; huyện Phù Mỹ 48 hồ/46,42 triệu m3; huyện Phù Cát 22 hồ/21,04 triệu m3; huyện Tuy Phước 4 hồ/2,52 triệu m3; huyện Tây Sơn 23 hồ/7,5 triệu m3; huyện Vĩnh Thạnh 3 hồ /0,60 triệu m3; huyện Vân Canh 4 hồ /1,23 triệu m3.

Trước mùa mưa bão năm 2019, ngành nông nghiệp Bình Định đã tiến hành rà soát, kiểm tra các hồ chứa trên địa bàn, kết quả cho thấy vẫn còn 26 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa. Các hồ nới trên đang trong tình trạng hư hỏng, chủ yếu là nước thấm qua thân đập; cống lấy nước dạng bậc thang nút chai chưa được thay thế; mặt đập bị biến dạng, mái đập sạt lở, thiếu vật thoát nước; thoát lũ không bảo đảm, tràn đất tự nhiên bị xói lở.

Nguyên nhân do hầu hết các hồ chứa ở Bình Định đều được xây dựng và khai thác từ nhiều thập niên trước đây, song chưa có điều kiện nâng cấp và sửa chữa lớn.

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho hay: Trước mùa bão lũ năm 2019, ngành nông nghiệp Bình Định đã tiến hành kiểm tra 160 hồ chứa trên địa bàn, ghi nhận hiện có 26 hồ xung yếu, trong đó có hồ Suối Mây ở huyện Vân Canh không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao. Có 6 hồ đang hư hỏng nặng phải tích nước hạn chế.

Số lượng đập bị thấm có 15 cái; 12 mái đập bị biến dạng; 22 tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây; có 25 tràn bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng và 26 tràn được đánh giá thiếu khả năng xả lũ; 20 cống lấy nước bị hư hỏng thân cống; 10 cống bị hỏng van; 14 cống tiêu năng sau cống bị hỏng.

15-43-42_2
Thả bò trên thân đập làm ảnh hưởng đến an toàn công trình. Ảnh: Lê Khánh.

“Trong mùa mưa bão năm 2019, chúng tôi đặc biệt quan ngại 7 hồ chứa là các hồ Cây Thích, Hố Trạnh, Suối Mây, Hóc Hảo, Nhà Hố, Hóc Cau, Hóc Quăn, những hồ này cần phải tích nước hạn chế trong mùa mưa lũ”, ông Chương cho hay.
 

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi các tràn xả lũ đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn. Hơn thế, các hồ chứa nước ở Bình Định được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên lạc hậu đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
“Hiện nay mưa trở nên cực đoan hơn, nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu nói trên”, ông Trần Châu chia sẻ.

Hệ lụy quản lý hồ không có chuyên môn

Hầu hết hồ chứa thủy lợi ở Bình Định vừa yếu vừa “già”, đã thế lại vừa thiếu nhân lực nên được giao cho những người không có chuyên môn quản lý, dẫn tới nguy cơ mất an toàn công trình.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Bình Định hiện có 1.950 người làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi tại các DN, HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 93 người là kỹ sư thủy lợi, tập trung chủ yếu ở Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định với 85 người; 8 người còn lại làm việc tại các phòng NN-PTNT cấp huyện, thậm chí có huyện không có kỹ sư thủy lợi.

Các hồ chứa nhỏ do các UBND xã và HTX nông nghiệp quản lý không có cán bộ chuyên môn thủy lợi, mà chủ yếu do lao động phổ thông hoặc người có chuyên môn trái ngành đảm trách.

Thực tế trên đã dẫn đến những bất cập trong việc quản lý các công trình thủy lợi. Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi bình Định, thường thì hiểm họa ở các hồ chứa không phơi bày bày lồ lộ, mà tiềm ẩn bên trong công trình, nên nếu người quản lý không có chuyên mnô thì rất khó phát hiện. Hệ lụy là công trình ngày 1 hư hỏng nặng, dẫn tới nguy cơ mất an toàn, đến khi ấy thì trở tay không kịp.

“Nếu nhân lực quản lý hồ chứa có chuyên môn thì sẽ phát hiện dưới công trình bề thế những hư hỏng tiềm ẩn có thể dẫn tới hiểm họa, lập tức họ sẽ có biện pháp, kế hoạch sữa chữa kịp thời, công trình sẽ được luôn bảo đảm an toàn”, ông Chương chia sẻ.

Người không có chuyên môn quản lý hồ chứa đã không bảo đảm được cho công trình, lại còn có tác động xấu làm mất an toàn công trình. Qua kiểm tra trước mùa bão lũ năm 2019, ngành chức năng ở Bình Định đã phát hiện tại các công trình xảy ra nhiều vi phạm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình, trồng cây lâu năm trong vùng phụ cận đập và lòng hồ, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật chưa đầy đủ, nuôi cá trong lòng hồ chưa cấp phép, chưa phát dọn cây cỏ ở mái thượng hạ lưu, làm lưới chắn cá trái phép trước tràn xả lũ.

15-43-42_3
Bình Định hiện đang có 60 hồ chứa lớn và 45 hồ chứa vừa đang được địa phương quản lý. Ảnh: Đình Thung.

Nhiều chủ hồ vì lợi ích nhỏ đã trồng keo, bạch đàn dưới chân đập và trên mái đập. Thấy chủ hộ trồng được, người dân địa phương cũng đổ xô trồng theo làm mất an toàn hồ đập.

“Tình trạng trồng cây lâm nghiệp dưới chân đập và trên mái đập tràn lan, hầu như ở hồ chứa nhỏ nào cũng có. Nếu chủ hồ có chuyên môn sẽ không ai làm như thế. Rễ của cây trồng sẽ ăn sâu vào thân đập, khi cây được thu hoạch thì rễ và gốc của nó sẽ bị mục, tạo thành lỗ hổng trong thân đập.

Qua những mùa mưa lũ, nước thấm vào các lỗ hổng ấy xói lở ngày càng lớn, lâu dần dẫn tới tình trạng nước từ trong hồ chứa sẽ phun ra ngoài theo lỗ hổng dẫn tới nguy cơ mất an toàn công trình. Đó là chưa nói đến tình trạng đào ao nuôi cá sát chân đập, ví như hồ Phú Khương và hồ Hóc Sấu ở huyện Hoài Ân cũng sẽ gây mất an toàn hồ đập”, ông Hồ Đắc Chương phân tích.

“Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tham mưu UBND tỉnh tiến hành phân cấp quản lý công trình thủy lợi để phù hợp với yêu cầu nhân lực quản lý theo quy định.

Theo đó, những hồ chứa lớn và vừa các địa phương đang quản lý sẽ được đề xuất giao lại cho Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, địa phương chỉ còn quản lý các hồ nhỏ.

Biết là khi đề xuất này được đưa ra sẽ vấp phải phản ứng không đồng thuận từ các chủ hồ hiện nay, bởi nếu giao cho Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi  Bình Định quản lý thì các chủ hồ hiện nay sẽ mất đi nguồn thu cấp bù thủy lợi phí.

Tuy nhiên vẫn phải quyết tâm làm vì mục tiêu đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn”, ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.