| Hotline: 0983.970.780

Lão nông kiên trì với cây mít Thái siêu sớm, thu 2 tỷ đồng/năm

Thứ Năm 02/08/2018 , 07:10 (GMT+7)

Nhờ kiên trì với cây mít Thái siêu sớm mà lão nông Trần Minh Trí (71 tuổi) ngụ phường Thành Phước, TX. Bình Minh (Vĩnh Long) có thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

08-52-03_ong_tri_kiem_tr_mit_ngoi_vuon
Ông Trí kiểm tra mít ngoài vườn

Ông Trí từng trồng nhiều loại cây như bưởi Năm Roi, sầu riêng, nhãn… đều không mang lại hiệu quả. Năm 1995, sau khi tham quan nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn, ông Trí biết đến cây mít Thái siêu sớm. Biết cây này dễ chăm sóc, ông trồng thử nghiệm 3 công để xem hiệu quả như thế nào.

Theo ông, giống mít này phù hợp thổ nhưỡng, lại mau ra trái, ít tốn công chăm sóc, thị trường đang chấp nhận. Giá mít cỡ 15.000-20.000 đồng/kg là nông dân có thể sống được. Vậy là ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn trồng xen sang chuyên canh mít Thái.

Chia sẻ về bí quyết trồng mít Thái đạt hiệu quả cao, ông Trí nói: “Từ khi trồng đến khi được 12 tháng thì cây bắt đầu cho trái, nhưng đừng để trái vội. Đợi đến khi cây được 18 tháng tuổi thì hãy để, năm đầu để khoảng 2 trái thôi. Nên để lần đầu 1 trái thu hoạch xong hẵng để thêm trái nữa. Đến năm sau cây có thể mang lần 2 trái, một năm được 4 trái năng suất tăng lên gấp đôi. Như vậy sẽ không tổn cây.

Mùa nắng thì tưới phân, nước, bồi gốc cho cây, cây nhỏ thì tưới nước mỗi ngày, cây lớn thì cứ cách 3 ngày tưới 1 ngày. Mùa mưa thì loại bỏ trái không đạt. Cứ cách 10 ngày, nửa tháng thì bón phân cho cây một lần. Mỗi năm nên bón ít nhất một lần phân hữu cơ cho cây.

Nên đắp mô cao từ 4 - 5 tấc, đường kính khoảng 2m để dễ dàng thoát nước mùa mưa, vì cây này không chịu nước.

Đối với các loại dịch hại, thì nên phòng ngừa sâu đục thân, đục trái, rệp sáp. Khi mít được 1kg thì nên bao lưới cho trái tránh các loại dịch hại thì sẽ có được trái đẹp, chất lượng tốt”.

Ông Trí tự tin cho biết, ông đang mở rộng trồng thêm gần 3,2ha mít Thái nữa. Hiện ông là tổ trưởng Tổ hợp tác SX mít Thái siêu sớm của phường Thành Phước. Tổ hợp tác tổ chức thu mua mít của bà con, bán cho các thương lái xuất đi các nơi…

Cũng theo ông, chi phí canh tác cho 1 công vào khoảng 20 - 25 triệu đồng. Trong đó bao gồm phân, thuốc, nhân công chăm sóc, điện nước tưới… Cây trưởng thành 5 - 6 năm có thể cho sản lượng đạt từ 35 - 40 tấn/ha. Giá mít hiện khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Năm 2017, vừa qua ông Trí thu về 2,2 tỷ đồng, bình quân mỗi công mít cho thu nhập lên đến 100 triệu đồng, gấp 10 lần mít thường và một số loại cây ăn trái thông thường khác.

08-52-03_khi_mit_lon_dung_tui_bo_tri_se_trnh_duoc_cc_loi_su_hi
Khi mít lớn dùng túi bao trái sẽ tránh được các loại sâu hại

Ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước cho biết: “Ông Trí một trong những nông dân tiên phong trồng mít Thái trên đất Thành Phước. Ông  năng động luôn tìm kiếm những phương pháp làm mới áp dụng trên chính mảnh vườn của mình. Ngoài ra ông Trí cũng rất chăm chỉ trong lao động, hòa đồng với bà con xung quanh, ông rất sẵn lòng chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây mít.

Hiện cây mít đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của phường Thành Phước. Toàn phường có 150ha đất nông nghiệp thì có đến 50% là đất vườn chuyên canh mít Thái siêu sớm. Nhiều năm qua, nhờ mít Thái mà nhiều hộ nghèo của phường vươn lên khá giả. Có thể nói cây mít Thái đã đóng góp tích cực trong thu nhập của nông dân.

Phấn đấu đến năm 2020, phường Thành Phước sẽ vận động người dân chuyển đổi tất cả vườn tạp, kém hiệu quả sang mít Thái siêu sớm, sang trồng rau màu để gia tăng thu nhập cho bà con, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị theo định hướng của TX. Bình Minh”.

Theo những hộ kinh doanh cây giống thì từ khi giá mít Thái siêu sớm tăng giá cao thì giống cây này cũng bắt đầu sốt hàng. Hiện mỗi cây giống có giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng.

 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.