Phát triển thủy sản thích ứng
Ông Lý Văn Bon ở khu vực 1, Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cười thích thú dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh bè cá của gia đình, cá ở đây nhiều vô số kể, có cả những con cá hô to vài chục ký hay đàn cá Koi giống nổi vàng cả mặt nước, đã làm nên thương hiệu cho bè cá Bảy Bon của ông.
Dừng lại phía bè cá đang thả ươm giống cá chốt chuột, ông Bon nhiệt tình nhảy xuống bè để vớt cá giống cho chúng tôi xem. Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ, mô hình cá chốt chuột của ông Bon nằm trong chương trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số loài cá quý hiếm của thành phố, sau hơn một năm triển khai thực hiện, cá sinh sản thành công và đưa vào sản xuất.
Ông Bon chia sẻ, cá chốt chuột là loại cá nước ngọt, ít xương, thịt ngọt và béo. Trước đây, cá thường được tìm thấy ở một số vùng của TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang, nhưng hiện nay đã trở nên khan hiếm, vì vậy ông quyết tâm lưu giữ để cá sinh sản và duy trì đàn cá giống.
Hiện số lượng cá chốt chuột đã lên đến vài trăm nghìn con, tổng trọng lượng gần 1 tấn. Xét về giá trị kinh tế, cá chốt chuột có giá cao so với nhiều loại cá chốt khác. Cá chốt chuột thịt loại 10 con/kg có giá lên tới 400.000 đồng/kg. Nếu cá nhỏ kích cỡ dưới 50gram một con, người dân thường mua làm cá kiểng với giá 15.000 đồng/con.
Theo ông Bon, ngoài việc nuôi cá để làm du lịch và phát triển kinh tế gia đình, trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, nông dân như ông phát triển thủy sản trên tinh thần thích ứng, học hỏi và nghiên cứu xem đặc điểm từng loại cá có phù hợp với điều kiện nước sông Hậu hay không.
Ngoài loài cá chốt chuột quý hiếm, ông Bon còn được biết đến là “thủy quái” sông Hậu, khi nuôi và thuần dưỡng khoảng 15 loại cá quý của sông Mekong như: cá sát, cá tra dầu, cá hạt đỉnh hồng, cá hô…đặc biệt ông là người tiên phong đầu tiên đưa con cá Koi nuôi ở sông Hậu, một điều khó tưởng đối với dòng cá kiểng vốn ưa môi trường nước sạch như cá Koi.
Lập khu bảo tồn cá thiên nhiên trên sông Hậu
Cùng đi với chúng tôi, bà Trần Khánh Phượng, vợ ông Lý Văn Bon chia sẻ về kế hoạch táo bạo xây dựng khu bảo tồn cá thiên nhiên ngay tại bè cá Bảy Bon. Bà Phượng tâm sự, gia đình ông bà đã có ý định bảo tồn các loại thủy sản từ lâu, thế nhưng do người dân vẫn còn câu cá nên chưa thực hiện được. Đầu tháng 4 vừa qua, được sự khích lệ và ủng hộ từ phía chính quyền địa phương, gia đình ông bà bắt tay thực hiện.
Bà Phượng cho hay, từ ngày 1/4, bè cá Bảy Bon đã bắt đầu đặt biển cấm câu cá, cấm đánh bắt cá, đồng thời tháo dỡ 3 bè cá xung quanh để tạo không gian rộng hơn, cho cá thiên nhiên có chỗ lên ăn. Vị trí xây dựng khu bảo tồn cũng được ông bà lựa chọn đặt ngay giữa “rốn” các bè cá, để người dân không bắt được, cá tự nhiên cũng dễ dàng làm quen với môi trường xung quanh, thuận tiện cho việc nuôi dưỡng và bảo tồn cá tự nhiên.
Khởi sự kế hoạch này, vợ chồng ông Bon tập cách làm quen và giữ chân cá tự nhiên. Cứ 8 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, “cụp...cụp...cụp” những tiếng gõ đều đặn như vậy, báo hiệu giờ ăn đã đến, cá nổi lên mặt nước, cách làm này đã tạo thành thói quen cho những chú cá, nghe tiếng gõ này cá tự nhiên kéo về, ngoi lên đớp mồi huyên náo cả khu bè. Dần dần cá tự nhiên xem nơi đây là nơi trú ngụ.
Ông Bon chia sẻ thêm, du khách khi vào bè cá tham quan, thấy cách ông làm, cũng góp phần cùng với ông bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, cho con cháu về lâu về dài được thấy và có một chút phước đức gì đó của gia đình ông tạo ra. Cách làm của gia đình ông Bon được chính quyền địa phương quận Bình Thủy đánh giá cao và xem đây là hình mẫu trong công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản để nhân rộng trong người dân.
Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ, người dân đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quyết định đối với công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Hiện thành phố đã xây dựng và công nhận 1 khu bảo tồn cá tự nhiên tại huyện Phong Điền và đang nhân rộng, khuyến khích người dân hình thành các điểm bảo tồn thủy sản cá nhân.
Cùng với đó, hoạt động điều tra các loại cá bản địa, thiên nhiên trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên được thực hiện để góp phần bảo tồn, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên cho vùng sông Hậu.
Ngày truyền thống ngành thủy sản vào tháng 4 hàng năm, hoạt động thả cá, phóng sinh cá bản địa về với tự nhiên được ngành chức năng TP Cần Thơ duy trì, triển khai thực hiện tại nhiều địa phương trong thành phố. Năm 2021, hơn 150.000 con cá giống các loại như: cá chạch lấu, cá hô, cá chép với trọng lượng trên 5 tấn được thả về môi trường tự nhiên góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản
Đồng thời, ngành thủy sản thành phố tập trung đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, xây dựng vùng nuôi các đối tượng thủy đặc sản tập trung. Thực hiện Dự án quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản trên sông Hậu, giúp địa phương trong tổ chức sản xuất, phòng tránh dịch bệnh trên động vật thủy sản.
Dự kiến cuối năm 2022, TP. Cần Thơ sẽ triển khai hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy mô lớn, kết hợp với các tỉnh lân cận như: An Giang, Đồng Tháp thả cá về tự nhiên, tại 1 điểm giáp ranh 3 tỉnh.
Năm 2007, Quỹ Bảo vệ môi trường tự nhiên của Nhật Bản đã hỗ trợ các quốc gia nằm trong vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia) thực hiện dự án “Con người, hệ sinh thái và việc sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya: Bước đầu nghiên cứu nguồn lợi thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi của người dân địa phương”, để nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn tài nguyên thủy sản.
Tại Đại học Cần Thơ của Việt Nam đã thu thập mẫu vật tại 113 điểm ở 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL và xác định được 292 loài thuộc 188 giống, 70 họ. Xét về số lượng loài phân bổ đặc trưng ở từng quốc gia thì Việt Nam có số loài đặc trưng nhiều nhất với 151 loài. Trong quá trình khảo sát, nhiều loài cá mới lần đầu tiên được phát hiện, bởi đặc trưng hệ sinh thái từng vùng khác nhau: vùng rừng ngập mặn, bãi bồi, vùng nước lợ ở cửa sông. Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của những hệ sinh thái đặc biệt này tại vùng ĐBSCL cần được quan tâm đặt lên hàng đầu, để lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.