| Hotline: 0983.970.780

Thuần dưỡng cá dày ở vùng hạ lưu sông Mekong sinh sản tự nhiên

Thứ Năm 14/04/2022 , 14:15 (GMT+7)

Cần Thơ Thuần dưỡng cá dày ở vùng hạ lưu sông Mekong cho sinh sản tự nhiên của thanh niên Phạm Văn Phúc ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ khiến nhiều người nể phục.

Lùng xục khắp các trang trại cá giống ở ĐBSCL, anh Phúc thu được vỏn vẹn 11 con cá dày để nhân giống, sau thời gian thuần dưỡng chỉ giữ lại được 8 con. Từng bị cười là “kể chuyện Bác Ba Phi” khi cách đây 5 năm anh Phúc muốn gầy dựng lại con cá dày, bằng cách cho sinh sản trong bể bạt, điều mà nhiều nông dân trong vùng cho rằng không khả thi.

Cá dày có giá trị kinh tế cao, nhưng trên thị trường còn khan hiếm, sụt giảm mạnh số lượng loài cá dày trong môi trường tự nhiên. “Dân ruộng đồng cực khổ, con cá dày này gắn bó với gia đình và tuổi thơ của tôi. Lúc mới bắt đầu mô hình, người dân ở đây cho rằng cá dày không sinh sản được, không sống được trong bể bạt, nhưng tôi đam mê quá, quyết tâm làm, không để giống cá này bị tuyệt chủng”, anh Phúc nói.

Sau 2 năm thuần dưỡng đàn cá dày bố mẹ, anh Phạm Văn Phúc thu về cả trăm triệu đồng từ việc bán cá giống. Ảnh: Kim Anh.

Sau 2 năm thuần dưỡng đàn cá dày bố mẹ, anh Phạm Văn Phúc thu về cả trăm triệu đồng từ việc bán cá giống. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2017, anh Phúc bắt đầu để giống cá dày bố mẹ với 4 cặp cá giống. Năm 2019 cá dày cho sinh sản, mỗi đợt cá sinh sản cho ra khoảng 7.000 trứng/cặp giống, tỷ lệ hao hụt khoảng 30%, anh Phúc thu được khoảng 25.000 – 30.000 con cá giống. Cá dày có khả năng sinh sản 3 đợt trong một năm, hiện tại 5 bể bạt cũng đang được đưa vào hoạt động hết công suất để chuẩn bị cho cá dày sinh sản lứa tiếp theo.

Nói về kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá dày trong bể bạt, thanh niên này cho biết, mực nước trong bể ao nuôi đạt từ 70 - 80 cm là đảm bảo điều kiện cho cá dày phát triển, trong 7 ngày đầu thả cá, phải tiến hành thay nước 2 lần. Đối với cá bước vào giai đoạn sinh sản, để đạt tỷ lệ cao, phải thăm bể thường xuyên từ 3 - 5 lần/ngày. Khâu theo dõi cá khi sinh sản quyết định đến 99% tỷ lệ đạt của con giống. So với phương pháp nuôi cá dày trong ao đất, cá dày nuôi trong bể bạt nhẹ công chăm sóc, dễ quản lý nguồn con giống, nguồn thức ăn đơn giản chủ yếu là thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp.

Cá dày giống sau hơn 1 tháng rưỡi chăm sóc, đạt kích cỡ khoảng 3 phân, có thể xuất bán. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, năm 2019, lần đầu tiên lô cá giống của anh Phúc xuất ao, giá bán 3.500 đồng/con, mang về nguồn thu cả trăm triệu đồng cho gia đình anh. Đặc biệt với khách có nhu cầu đặt cá dày giống được nuôi bằng thức ăn viên công nghiệp giá bán gấp đôi 7.000 đồng/con cá giống.

Hình dạng cá dày mỏ dài nhọn, thân hình có đốm, không dài, đuôi cá thon gọn. Đây là đặc điểm để phân biệt cá dày với cá lóc. Ảnh: Kim Anh.

Hình dạng cá dày mỏ dài nhọn, thân hình có đốm, không dài, đuôi cá thon gọn. Đây là đặc điểm để phân biệt cá dày với cá lóc. Ảnh: Kim Anh.

“Hồi đó chân ướt chân ráo, chỉ thấy con cá này không có trên thị trường, không ai nuôi, nên cũng kiếm mua về, tìm mọi cách để nhân giống, ban đầu tôi cũng thất bại, nhưng vẫn kiên trì nuôi trong bể bạt trong vòng 1 năm. Cuối cùng cá dày quen được môi trường, hầu như không có bệnh. Huấn luyện được con cá dày sống được trong môi trường bể bạt là người dân rất thích”, anh Phúc nói.

Cũng theo thanh niên này, cá dày có khả năng thích nghi rất tốt với nhiều điều kiện môi trường môi trường nước khác nhau, nên rất rộng đường chăn nuôi. “Tôi khuyến khích người dân nuôi, tùy theo cách thức nuôi của từng hộ tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phương pháp cho ăn”.

Nói về đặc điểm nhận biết cá dày, anh Phúc chỉ ra, cá dày mỏ dài nhọn, thân hình có đốm, không dài, đuôi cá thon gọn. Thịt cá dai và chắc hơn nhiều loại cá ở đồng, nên được nhiều người chấp nhận mua với giá cao, ở mức trên 250.000 đồng/kg cá thịt.

Cá dày (hay còn gọi là cá dầy), có tên khoa học là Channa lucius, là 1 trong 4 loài cá nước ngọt thuộc giống cá Channa phân bố nhiều ở vùng hạ lưu sông Mekong. Thoạt nhìn, cá dày có hình dáng giống với cá lóc, nhưng ngắn, tròn hơn. Năm 2020, tiến sĩ Nguyễn Bạch Loan, Bộ môn Khoa học vật nuôi (Khoa NN-PTNT, Đại học Kiên Giang) đã thành công khi thực hiện việc thuần dưỡng, nghiên cứu và cho cá dày sinh sản nhân tạo. Kết quả nghiên cứu này mang lại triển vọng phát triển và bảo tồn giống cá dày có giá trị kinh tế cao, trước nguy cơ bị xóa sổ trong hệ sinh thái tự nhiên.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.