| Hotline: 0983.970.780

Lão nông trồng mít Thái lá bàng thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ Năm 27/04/2017 , 08:20 (GMT+7)

Xu hướng trồng cây ăn trái có giá trị cao ở Bình Phước phát triển mạnh gần đây cho thấy đây là vùng đất phù hợp chuyển đổi cây trồng. Một trong số những trái cây giúp nông dân đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm ở tỉnh này là mít Thái lá bàng.

Đổi đời vì... làm trái ý vợ

Qua giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước, chúng tôi tìm đến nhà lão nông Trần Minh Chánh ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh để kiểm chứng lời đồn về thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ cây mít Thái. Năm nay đã bước sang tuổi 62, nhưng lão nông này vẫn còn sung sức lắm, giọng nói sang sảng, cười rổn rảng, vang vọng một góc vườn mít rộng mênh mông.

15-10-45_nh-1
Lão nông Trần Minh Chánh bên cây mít Thái lá bàng trĩu quả

Ông Chánh kể, năm 1976, sau khi học xong lớp Quản lý giáo dục tại ĐH Sư phạm TP.HCM, bỏ lại vợ con ở Sài Thành, ông được ngành giáo dục cử lên xã Bom Bo, huyện Bù Đăng dạy học. Đến năm 1987, ông được chuyển về xã Lộc Hòa. Do cuộc sống khó khăn, đồng lương giáo viên không nuôi nổi gia đình, năm 1995, ông Chánh quyết định xin nghỉ. Nhận thấy vùng đất Lộc Hòa phì nhiêu, màu mỡ, giá thời điểm này lại rất rẻ, nên ông quyết định về TP.HCM thuyết phục vợ con bán hết nhà cửa, cơ ngơi, lên đây mua đất lập nghiệp.

Năm 1999, ông mua lại gần 22ha cà phê, xà cừ với giá hơn 5 triệu đồng/ha rồi trồng tiêu. Để nuôi được cây tiêu, gia đình ông trồng xen các loại cây ngắn ngày, như lúa, bắp, chăn nuôi… Nhưng trồng tiêu cứ chết hoài. Từ đó ông nảy ra sáng kiến trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều con, để nếu thất bại cái này thì còn cái kia. Và cây mít Thái lá bàng là một trong những lựa chọn của ông.

“Có được ngày hôm nay, không phải đơn giản đâu chú ạ. Phải lao tâm khổ tứ, vắt óc suy nghĩ, rồi cả “đối đầu” với vợ nữa đấy”, ông Chánh nói. Tôi ngạc nhiên: “Sao lại đối đầu, chú?”.

Ông cười hà hà, nói tiếp: “Thì hồi đó tui mua đất, đúng thời điểm cao su là vàng, người dân vùng này đổ xô trồng cao su, tiêu. Tôi lại “ngược đời” đòi trồng mít, nên vợ con phản đối kịch liệt. Tôi một mặt nghe lời vợ, vẫn trồng cao su, tiêu, nhưng xen mít. Ai ngờ tôi dự đoán dúng, ít năm sau cao su rớt giá. Cây mít Thái của tôi bắt đầu "lên hương". Bán chạy như tôm tươi. Vợ tôi lúc đó, tay cầm tiền đút túi, mắt lườm tôi, trách yêu: May cho ông đấy, mít mà bán không được cho ông ăn suốt ngày luôn”.

15-10-45_nh-3
Mít Thái lá bàng có ưu điểm là ra trái quanh năm, ít sâu bệnh.

Thuận buồm xuôi gió, ông Chánh đầu tư, mua thêm đất. Hiện ông là một trong số những người được mệnh danh là “điền chủ” ở Lộc Ninh với hơn 22ha đất.
 

Tư thương o ép - Nỗi buồn muôn thưở

Ông Chánh cho biết, mít Thái lá bàng có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ phân bổ rộng và dày nên khả năng chịu hạn rất tốt. Trồng loại mít này chi phí rất thấp. Bình quân mỗi năm 1 cây chỉ tốn khoảng 30 ngàn đồng cho tất cả các chi phí. Đây là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái (cây trưởng thành có thể cho 80 - 120 trái/cây). Mỗi trái nặng khoảng 6 - 12kg, nhưng nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14 - 15kg.

Mít Thái lá bàng có ưu điểm là ra trái quanh năm, ít sâu bệnh. Múi của loại mít này vị ngọt đậm, giòn, thơm nên được thị trường ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ mít cộng với nguồn lợi cả tỷ đồng từ hồ tiêu. Dù ít sâu bệnh nhưng ông Chánh cho rằng không nên chủ quan.

“Mít càng ngọt thì càng thu hút nhiều loại sâu hại, côn trùng tìm đến. Cho nên, phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Khi xịt phải trộn thêm hỗn hợp chất bám dính để hạn chế sự di chuyển của sâu bệnh. Riêng vườn của tôi, áp dụng quy trình sạch theo hướng dẫn của ngành Khuyến nông tỉnh, huyện, sử dụng các chế phẩm sinh học không độc hại, nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Chánh nói.

15-10-45_nh-4
Có những trái mít nặng đến hơn 20kg

Chia sẻ thành công trong sản xuất, ông Chánh nói: “Muốn thành công, ngoài bản thân cần cù chịu khó, phải học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Rồi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật. Bản thân tôi cũng chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức, nghe ở đâu có tập huấn kỹ thuật nông nghiệp là tìm tới học. Với tôi, còn phải năng động trong suy nghĩ. Như hồi đó, việc thay đổi cách canh tác, trồng nhiều cây, nuôi nhiều con cùng lúc, là một thành công. Giờ, ngoài vườn mít, tôi còn có đàn dê hơn trăm con. Tôi nuôi dê để tận dụng nguồn lá và những trái mít non tỉa bỏ”.

Hiện nay, đầu ra của cây mít đã có nhiều thuận lợi. Mít không những dùng để ăn tươi mà còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nước quả, sấy khô phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, do hình thức đầu tư còn nhỏ lẻ nên tình trạng tư thương ép giá thường xuyên xảy ra.

Theo ông Chánh, tại các chợ đầu mối trái cây tại TP.HCM, mít Thái lá bàng được các thương lái thu mua với giá 7.500 đồng/kg nhưng ông bán tại vườn giá chỉ 4.500 đồng/kg. “Chuyện bị ép giá là chuyện thường ngày. Không bị ép giá mới là chuyện lạ. Đây là một trong những thiệt thòi lớn nhất của người nông dân hiện nay”, ông Chánh nói.

“Hiện nhiều hộ ở đây đã thay đổi suy nghĩ, năng động hơn, biết tìm tòi thêm hướng đi mới trong sản xuất để làm giàu. Ông Trần Minh Chánh là một trong số những người như thế. Từ thực tế mô hình của ông Chánh cũng cho thấy, cây mít phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước. Nếu biết tính toán, áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, có thể làm giàu từ cây mít”, ông Vũ Xuân Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Hà Nội bắt chó thả rông, kiên quyết xử lý theo quy định

Tình trạng thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng không có rọ mõm, dây xích, không có người dắt vẫn đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm