| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 24/12/2019 , 08:48 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:48 - 24/12/2019

Lấy lại tài sản Nhà nước và lấy lại đạo đức xã hội

Đại án MobiFone mua AVG chắc chắn sẽ đi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam.

Các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị xét xử trong đại án MobiFone mua AVG.

Bởi lẽ, ngoài hai bị cáo là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, thì đây là phiên tòa đầu tiên xét xử tội danh nhận hối lộ với số tiền kỷ lục lên đến 3 triệu USD mà cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình với bị cáo Nguyễn Bắc Son và mức án 14-16 năm tù với bị cáo Trương Minh Tuấn.

Giai đoạn quyết liệt thực hiện thương vụ làm thiệt hại ngân sách 6.590 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son đương nhiệm bộ trưởng còn Trương Minh Tuấn đương nhiệm thứ trưởng. Thế nhưng, kỳ lạ thay, hai bị cáo lại tìm cách chứng minh những sai phạm đều do nguyên nhân khách quan.

Thậm chí, bị cáo Trương Minh Tuấn tự bào chữa: “Vụ án đã khắc phục hậu quả vật chất triệt để, rất mong hội đồng xét xử xem xét bởi việc trừng phạt cần thiết để răn đe nhưng bên cạnh còn có tính giáo dục. Cái lớn hơn nữa, trong các vụ án kinh tế mục đích lớn hơn là thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước!”.

Nghe thì có lý, nhưng nghĩ lại thì buồn cười. Nếu đại án không bị phát hiện, thì những quan chức tha hóa có trả lại tài sản đã tham nhũng không? Quá trình xét xử không những lấy lại tài sản cho Nhà nước, mà quan trọng hơn là còn phải lấy lại đạo đức cho xã hội!

Xưa nay, kẻ nào đứng trước ánh sáng công lý cũng kể lể hoàn cảnh éo le dẫn đến hành vi sai phạm, hòng giảm nhẹ tội cho bản thân. Tuy nhiên, những lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn thì không thể dùng phương kế chống chế quanh co.

Vì sao? Vì hai bị cáo từng trải qua nhiều cương vị khác nhau trước khi được ngồi vào cái ghế ngất ngưởng ở Bộ Thông tin Truyền thông. Nếu năng lực hạn chế, nếu nhận thức nông cạn, thì các bị cáo đã thăng tiến trên quan trường bằng con đường nào? Càng lấp liếm phải trái, càng né tránh trắng đen thì càng khiến hình ảnh hai cựu bộ trưởng trở nên thảm hại hơn.

Vai trò của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có ý nghĩa then chốt trong đại án MobiFone mua AVG. Xưa nay, bút sa gà chết. Người có thẩm quyền thì càng phải cân nhắc với chữ ký của mình hơn. Ký mà không hiểu, ký mà không biết, hoặc ký vì nể nang, ký vì quan hệ… thì hậu quả khôn lường ảnh hưởng sâu rộng cả cộng đồng.

Người dân bình thường khi ký vào bất kỳ giấy tờ gì cũng phải đắn đo đúng sai, còn người có chức vụ khi ký vào công văn càng phải suy tính kỹ lưỡng, càng phải cân đong nặng nhẹ.

Mỗi người đều có chữ ký riêng như một giá trị cá nhân. Chữ ký của người có thẩm quyền ngoài giá trị cá nhân còn mang theo giá trị được ủy thác của một tổ chức, của một đoàn thể. Cho nên, người có thẩm quyền khi hạ xuống một chữ ký, thì nhất định phải trả lời rành mạch câu hỏi “quần chúng được gì” và “đất nước được gì”, chứ không nhằm thỏa mãn mưu cầu “tôi được gì” để rồi gieo rắc bao nhiêu tai ương.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm