Các thầy cúng đang làm lễ trong lễ cấp sắc của anh Khanh
Người Dao sinh sống trên đất Hòa Bình từ lâu đời. Đồng bào Dao có nhiều phong tục còn lưu giữ đến ngày nay, trong đó có lễ cấp sắc hay còn có những tên gọi khác như: Chẩu đàng, Quá tang, Tạt phát… Đây là nghi lễ quan trọng nhất của đời người con trai. Nếu chưa qua lễ cấp sắc thì người lớn dù có đến 40, 50 tuổi thậm chí đến khi chết vẫn bị xem là trẻ con.
Anh Triệu Văn Khanh (40 tuổi), người ở xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), đã có hai mặt con, đứa bé nhất cũng đang học ở trường cấp hai của huyện, ấy thế mà anh mới bước sang tuổi làm “người lớn”. Chúng tôi đã được chứng kiến lễ cấp sắc của anh.
Tiếp xúc với nhiều người dân ở đây, họ cho rằng, luật tục này cần có sự thay đổi cho phù hợp. Bởi, mỗi lần làm lễ cấp sắc, kinh phí phải bỏ ra không hề nhỏ, quá sức đối với nhiều người dân ở đây.
Theo anh Lý Hải Chung, nguời thôn Suối Chuộn (Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình), trước kia lễ cấp sắc tổ chức rất tốn kém, với những cuộc ăn uống mời họ hàng, bạn bè mấy ngày đêm. Nhiều người vì quá nghèo, không tổ chức nổi lễ cấp sắc cho mình mà khó lấy vợ. Đi đâu cũng bị hàng xóm dè bỉu, khinh thường.
Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng của người con trai dân tộc Dao. Lễ xong, họ sẽ được đặt tên âm, được công nhận là đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và giao tiếp với cõi âm. Họ cũng quan niệm rằng, người có trải qua lễ cấp sắc thì mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu của Bàn Vương (thủy tổ của người Dao). Khi chết đi, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên ở cõi Dương Châu, nơi đất tổ của người Dao. Chính vì sự quan trọng của lễ cấp sắc này, nên dù có khó khăn đến đâu đi nữa người Dao cũng phải cố gắng làm lễ cấp sắc cho mình.
Hiện nay, tuy có chút thay đổi nhưng chi phí để trở thành người lớn còn khá cao. Vì vậy, năm nay 22 tuổi, anh Chúng muốn làm lễ cấp sắc cho mình lắm nhưng “chắc phải để sau đã, bây giờ dành tiền để nuôi đứa con gái mới sinh được 2 tháng”. Cũng theo anh Chung, đây là một nghi lễ bắt buộc và phải làm theo trình tự từ anh trai cả trong nhà trở xuống, cho dù người em trai có tiền của mà muốn làm trước cũng không được vượt mặt anh mình. Dù có chết, có nghèo khổ đến đâu người đàn ông Dao cũng phải được tổ chức lễ cấp sắc.
Để thành người lớn, anh Khanh đã phải dành dụm tiền và vay mượn họ hàng, thậm chí anh đã phải hoãn cả việc xây nhà lại, dành tiền để làm lễ, không thì năm sau già mất. Theo mẹ anh Khanh, chi phí cho lần cấp sắc của anh Khanh bỏ ra trong mấy ngày gần 10 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn đối với người dân nơi đây bởi thu trung bình cả năm ở đây cũng chưa được 5 triệu đồng/ người.
“Con ma đói” tuy không còn là nỗi ám ảnh đối với đồng bào Dao ở Kim Bôi. Tuy vậy, họ cần được nâng cao nhận thức, làm sao để vẫn lưu giữ được những bản sắc văn hóa nhưng phù hợp với cuộc sống hiện nay.