| Hotline: 0983.970.780

Lên biên giới xem nuôi cá lồng

Thứ Tư 15/04/2020 , 07:59 (GMT+7)

Mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã miền núi Độc Lập, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) có thu nhập cao.

Nhiều hộ dân xóm Nà Phường, xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kông Hải.

Nhiều hộ dân xóm Nà Phường, xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kông Hải.

Theo giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm về nhà ông Bế Thành Đông, xóm Nà Phường, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Pác Đa để tìm hiểu về mô hình nuôi cá lồng tại đây.

Với nhiều năm công tác trong ngành thủy lợi, được đi tham quan nhiều nơi, thấy các địa phương khác nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 1991, ông Đông bắt đầu tìm hiểu về cách nuôi cá lồng.

Ông Đông chia sẻ: Nuôi cá lồng chi phí đầu tư ban đầu không cao lắm, chỉ có điều phải bỏ nhiều thời gian để chăm sóc.

Trước đây, làm lồng cá khá khó khăn và mất nhiều công vì mua sắt thép chưa dễ như bây giờ. Tận dụng lũy tre già sau nhà, ông chặt xuống, vót lạt buộc làm lồng cá, đóng khung gỗ hai bên sườn làm thành phao.

Tuy nhiên, lồng cá bằng tre thời gian sử dụng không được lâu, tỷ lệ cá bị thất thoát cao. Có năm nước lũ lên cao đứt dây trôi mất cả lồng cá. Ngoài ra, việc chưa chú trọng phòng bệnh cho cá cũng khiến cá nhiễm bệnh hàng loạt.

Khoảng chục năm gần đây, sắt thép mua dễ nên ông Đông đầu tư đóng 3 lồng nuôi cá với diện tích trung bình mỗi lồng gần 20m2, sâu gần 2m.

Sau khi đầu tư lồng sắt để nuôi cá, hiệu quả cho thấy rõ rệt, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ thu hồi vốn nhanh. Mỗi lồng nuôi thả khoảng 150 con cá giống, chủ yếu là cá trắm với kích cỡ từ 0,5kg đến 0,8kg/con.

Trước đây, cá ăn lá, thân cây chuối nhưng giờ chủ yếu đưa cỏ voi xuống cho cá. Có thể thêm ngô nấu chín để cá phát triển tốt hơn.

Ngoài thức ăn, ngay từ khi nhập cá giống về phải chú ý sát khuẩn bằng nước muối. Nếu cá có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa cần sử dụng vôi bột, lá xoan vò nát để chữa trị kịp thời. Sau 8 - 9 tháng nuôi cá đạt trọng lượng mỗi con từ 3 - 5 kg, ông Đông cho biết thêm.

Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm, 3 lồng cá của ông Đông cho khoảng 1,5 tấn cá, trừ chi phí đem lại thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, nhiều gia đình đã đến nhà ông Đông học tập mô hình nuôi cá lồng. Được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông Đông, nhiều hộ dân đã tận dụng hơn 3 ha diện tích mặt nước để nuôi cá lồng.

Ông Bế Thành Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Pác Đa, xã Độc Lập chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng. Ảnh: Kông Hải.

Ông Bế Thành Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Pác Đa, xã Độc Lập chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng. Ảnh: Kông Hải.

Từ vài lồng cá, cả xóm Nà Phường hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi với 40 lồng cá, mỗi hộ nuôi trung bình từ 1 - 3 lồng, chủ yếu nuôi cá trắm, rô phi đơn tính. Từ nuôi cá lồng, nhiều hộ cho thu nhập trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định.

Anh Bế Ích Việt, một trong những hộ phát triển tốt mô hình nuôi cá lồng trong xóm Nà Phường cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ biết trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Được ông Đông hướng dẫn, thấy mô hình nuôi cá lồng dễ làm, đầu tư không lớn mà cho thu nhập ổn định nên tôi đầu tư nuôi 2 lồng cá.

Để phát hiện các dấu hiệu bất thường của cá và có biện pháp xử lý kịp thời, tôi luôn chú trọng đến việc theo dõi sức khỏe của cá, thường xuyên vệ sinh lồng, bè sạch sẽ trước và sau mỗi đợt thu hoạch cá. Cứ dịp cuối năm đến vụ xuất cá là nhiều thương lái ở thành phố và một số huyện lân cận gọi điện để gửi về tận nơi cho họ.

Năm 2019, xã Độc Lập đã hướng dẫn các hộ nuôi cá thành lập Hợp tác xã cá lồng Pác Đa với 17 thành viên. Hàng tháng, các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về tình hình chăn thả, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá. Thống nhất với nhau về quy trình chăm sóc, cho cá ăn, không sử dụng thức ăn tăng trọng để giữ được chất lượng cá, đảm bảo uy tín với khách hàng. Toàn xã hiện có gần 30 hộ nuôi cá lồng với tổng số hơn 50 lồng cá. 

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.