| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Khó tái đàn do giá lợn giống quá cao

Thứ Ba 17/03/2020 , 09:36 (GMT+7)

Từ cuối năm 2019, giá lợn đã cao ở mức đỉnh điểm nhưng phần lớn các hộ chăn nuôi ở tỉnh Cao Bằng vẫn dè dặt tái đàn do giá lợn giống cũng quá cao.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn nhiều năm qua, gia đình chị Lý Thị Mai, xóm Mã Quan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An luôn duy trì trong chuồng gần 10 lợn nái và gần 20 lợn thịt các loại. Đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua, gia đình chị phải tiêu hủy hơn 1 tấn lợn hơi.

Chị Mai chia sẻ: Tôi mới vào tận huyện Hạ Lang để mua 25 con lợn giống loại 10 đến 12 kg/con về nuôi. Mỗi con giá trung bình từ hơn 2 triệu đến hơn 3 triệu đồng/con, quá cao so với trước đây nên muốn mua nhiều cũng không đủ khả năng kinh tế.

Chị Lý Thị Mai, xóm Mã Quan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An đã mạnh dạn tái đàn lợn. Ảnh: Kông Hải.

Chị Lý Thị Mai, xóm Mã Quan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An đã mạnh dạn tái đàn lợn. Ảnh: Kông Hải.

Dù đã nhiều tháng nay không xuất hiện ổ dịch mới nhưng đa số các hộ dân ở xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng vẫn để chuồng trại trống trơn mà chưa dám tái đàn. Gia đình bà Đàm Thị Ninh, xóm 4 Nà Luông là ví dụ cụ thể.

Bà Ninh tâm sư: Đợt dịch vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy gần 20 con lợn thịt và lợn nái. Trước đây, chỉ mất 800 nghìn đến hơn 1 triệu đồng có thể mua được một con lợn giống nhưng hiện nay phải mất gần 3 lần so với trước đây mới mua được. Nếu đầu tư đàn lợn như quy mô ban đầu thì cần một số vốn tương đối lớn nên tôi phải tính toán sao cho hợp lý để phù hợp với khả năng hiện tại của gia đình.

Theo khảo sát giá lợn giống (trung bình từ 10 đến 15 kg/con) trên thị trường Cao Bằng hiện nay, rẻ nhất vẫn là giống lợn trắng với mức giá khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/con; còn các loại lợn như lợn đen, lợn khoang, Móng Cái, lợn trang trại có giá dao động từ 3 triệu đến 3,5 triệu/con.

Bà Nông Thị Lan, một người kinh doanh lợn giống nhiều năm nay tại chợ gia súc, gia cầm huyện Trùng Khánh cho biết: Giá lợn giống hiện nay thật sự là quá cao so với những năm trước đây. Lý do giá cao là vì hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều bị dịch bệnh phải tiêu hủy lợn nên dẫn đến tình trạng khan hiếm. Nhiều khi nhập lợn dưới xuôi lên khó khăn tôi phải đi vào sâu trong các xóm của huyện Hạ Lang, Quảng Uyên để tìm mua lợn giống. Từ sau tết đến nay lượng người mua lợn giống không cao vì người chăn nuôi còn khá dè dặt với mức giá quá cao của lợn giống và vẫn lo dịch bệnh bùng phát lại.

Người dân chọn mua lợn giống tại chợ gia súc, gia cầm huyện Trùng Khánh. Ảnh: Kông Hải.

Người dân chọn mua lợn giống tại chợ gia súc, gia cầm huyện Trùng Khánh. Ảnh: Kông Hải.

Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng: Giá lợn hơi đang ở mức cao, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn cũng cơ bản được khống chế. Người chăn nuôi lợn ngày càng quan tâm đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó khăn do nhiều hộ dân vẫn chưa đảm bảo an toàn sinh học tại chuồng trại nên nguy cơ tái dịch là khá cao nếu cứ vội vàng tái đàn.

Bên cạnh đó, với giá lợn giống đẩy lên quá cao như hiện nay đa số các hộ dân cũng không dám mạo hiểm tái đàn. Vì nếu khi lứa lợn này xuất chuồng mà giá lợn hơi lại bị đẩy xuống thấp người dân sẽ lại tiếp tục bị thiệt hại.

"Việc tái đàn là cần thiết nhưng các địa phương, các hộ dân cần bình tĩnh, không nên nóng vội tái đàn, cần thực hiện từng bước, từng vùng bảo đảm an toàn dịch bệnh. Chính quyền cơ sở cần xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn, hạn chế dịch bệnh xảy ra ở mức thấp nhất,", ông Đạt khuyến cáo.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất