Tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2), từ ngày 3/10/2012 đến ngày 16/11/2012 xảy ra 25 trận dư chấn, có trận động đất mạnh 4,6 độ richter, dư chấn ảnh hưởng địa bàn của 13 huyện, thành phố của tỉnh và một số huyện lân cân của tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng làm hư hỏng hơn 1.000 nhà dân, gần 20 công trình công cộng tại huyện Bắc Trà My.
Sự cố trên đã khiến cho người dân và chính quyền địa phương lo lắng. Trước tình hình đó, ngày 16/1, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2” khi có thảm họa xảy ra.
Lên kế hoạch sơ tán hơn 62.000 dân
Theo báo cáo: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, do tích nước của thủy điện Sông Tranh 2, gây động đất kích thích. Đáng lo ngại,từ khi TĐST2 tích nước, động đất kích thích liên tiếp xảy ra khiến dân tình mất ăn, mất ngủ, đời sống bị xáo trộn. Cho dù hiện tại TĐST2 vẫn an toàn, nằm trong vòng kiểm soát. Nhưng nếu trong thời gian tới, động đất tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh, vượt qua ngưỡng 5,5 độ richter. Vùng tâm chấn là khu vực huyện Bắc Trà My, vùng ảnh hưởng là địa bàn toàn tỉnh, sẽ gây sập đổ công trình, nhà cửa của nhân dân…, đặc biệt có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập TĐST2, khả năng làm ngập nước vùng hạ du ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân. Số lượng nhân dân cần sơ tán khi có thảm họa là trên 62.000 người/145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn của 8 huyện/thành phố như: Bắc Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Điện Bàn và TP Hội An.
Tại Hội nghị này, Đại tá Lê Ngọc Thành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhấn mạnh: “Để chuẩn bị trước khi có thảm họa xảy ra, chúng ta cần phải thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như sau: khảo sát chuẩn bị các khu vực sơ tán an toàn cho nhân dân nơi cao ráo; chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh, sơ tán và phổ biến triển khai thực hiện kế hoạch đến từng thôn, tổ dân phố, tổ đoàn kết và nhân dân; hệ thống thông tin liên lạc, kịp thời phục vụ 24/24 giờ; thành lập một đội tìm kiếm cứu nạn tại các thôn, xóm, xã, huyện, mỗi đội từ 25 đến 30 người; cần phối hợp với Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của động đất khi xảy ra; chuẩn bị lương thực, thực phẩm…”.
UBND tỉnh Quảng Nam đã lên phương án sơ tán hơn 62.000 dân nếu có thảm họa động đất xảy ra
Đồng tình với Đại tá Thành, đại diện đến từ các địa phương cũng bày tỏ quan ngại và sự đồng tình lên phương án di dời dân nếu có thảm họa xảy ra. Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nêu quan điểm: “Nếu động đất xảy ra gây vỡ đập TĐST2 thì nó như một thảm họa chứ không giống như bão, lũ xảy ra từ từ. Do đó cần xây dựng phương án để người dân còn cách phòng chống được. Theo tôi, cần phải xác định được dự báo, dự lượng trước để đề phòng, cảnh báo đến người dân một cách sớm hơn, chứ còn 5 trạm quan trắc chỉ có chức năng đo được động đất, số khung rồi gửi về lại cho Viện Vật lý địa cầu, từ đó họ xác định được vùng tâm chấn, bao nhiêu độ richter chứ 5 trạm đó không có tác dụng dự báo, dự lượng trước được. Ngoài ra, chúng ta cần tính đến phương án điểm đi và điểm đến cho nhân dân một cách xác định cụ thể, chi tiết. Còn làm sao cho dân biết được thảm họa xảy ra khi đập vỡ, để sớm sơ tán, chúng ta cần phải lắp đặt “còi hú” về cho các huyện, các xã, tận thôn, xóm và quy định cách “hú còi” cho người dân được biết”.
Đại diện lãnh đạo huyện Hiệp Đức nói thêm, ngoài dùng “còi hú” ra, nếu cấp bách chúng ta có thể dùng súng bắn cảnh báo đến người dân. Thượng tá Võ Mạnh Hùng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh thêm: “Chúng ta cần phải tính đến mực nước ngập của các sông, từng địa phương khi có lụt kèm theo thảm họa vỡ đập Sông Tranh 2 nữa, cần cắm biển báo an toàn, không những lo cho người dân mà chúng ta còn phải tính đến phương án đến từng trường học, bệnh viện…”.
Sẽ triển khai tập huấn ngay trong năm 2013
Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam nêu rõ: “Không riêng gì kế hoạch phương án thảm họa của TĐST2 được xây dựng, mà tất cả các thủy điện còn lại hay các hồ có sức chứa nước nhiều trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần phải có phương án cụ thể, thống nhất khi xảy ra thảm họa vỡ đập. Văn bản 277 của Bộ Công thương quy định rõ, khi xây dựng các hồ chứa, thủy điện phải có kế hoạch, phương án sơ tán dân. Nhưng hiện giờ tất cả các hồ thủy điện, hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hề có một phương án, kế hoạch sơ tán dân”.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Tôi ghi nhận các ý kiến đóng góp vào kế hoạch sơ tán dân khi có động đất gây vỡ đập TĐST2 của các lãnh đạo huyện, các Sở, Ban ngành. Trước tiên, tôi giao việc này cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cần phải có một kế hoạch cụ thể, thống nhất từng chi tiết, đặt biệt là phương án sơ tán nhân dân vùng bị ảnh hưởng khi có thảm họa vỡ đập TĐST2 do động đất đi đến đâu và cách sơ tán như thế nào? Ngoài ra, chúng ta cần phải xây dựng hai phương án khi có thảm họa, một là, đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ do động đất khi không có lũ lụt; hai là, đập vỡ khi đang có lũ lụt. Trong năm 2013 này chúng ta sẽ triển khai cách tập huấn sơ tán nhân dân vùng bị ảnh hưởng thủy điện Sông Tranh 2 khi xảy ra thảm họa, bây giờ chỉ còn chờ quyết định của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 nữa là triển khai được, nếu có quyết định rồi chúng ta sẽ chọn huyện Bắc Trà My làm điểm khởi đầu”.