| Hotline: 0983.970.780

Lên vùng cao xem người Pác Nặm trồng rừng

Thứ Hai 09/12/2019 , 08:52 (GMT+7)

Những năm qua, phát triển kinh tế từ rừng được huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) xác định là hướng phát triển kinh tế chủ yếu.

Việc trồng và thu nhập từ rừng trồng đã đạt được những kết quả vượt chỉ tiêu.

15-41-06_rung_pn_1
Rừng trồng 1 năm tuổi tại xã Bằng Thành phát triển nhanh hơn nhiều ở nơi khác do được bón lót phân bón.

Cũng giống như các xã khác của huyện Pác Nặm, trước đây xã Bằng Thành có một số dự án trồng rừng như 661 hay 327. Đến nay những diện tích rừng này hầu hết đã cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế rất lớn. Mỗi hecta cây keo, cây mỡ cho thu hoạch sẽ có giá từ 60 – 70 triệu đồng, chỗ tiện đường vận chuyển thì lên tới hơn 100 triệu, nhiều hộ dân sau khi khai thác đã đã có thu nhập lên tới cả tỷ đồng.

Ông Lục Văn Ban ở Bản Khúa (xã Bằng Thành) là hộ có thu nhập từ rừng trồng nhiều nhất vùng, với hơn 30ha rừng và cho thu hoạch trên 2 tỷ đồng. Theo ông Ban, phần diện tích nào đã khai thác trắng thì sẽ ngay lập tức được gia đình vệ sinh sạch sẽ và tiến hành trồng mới, còn ai bán đất rừng mà thấy thuận lợi trong vận chuyển là sẵn sàng mua để trồng rừng ngay.

Còn ông Nông Văn Thanh ở thôn Pác Nặm cho biết, trước chỉ trồng hơn 1ha rừng theo dự án. Lúc đó không quan tâm chăm sóc, để trâu bò phá nhiều, nhưng thu hoạch vẫn cho hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ trồng rừng đem lại rất lớn, nên gia đình đã chủ động trồng thêm hơn 3ha nữa.

Chia sẻ với Báo NNVN, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Thành Hoàng Văn Thiết phấn khởi: Trồng rừng đã thực sự trở thành phong trào làm giàu. Hộ nào có đất rừng là tự bỏ tiền ra mua cây giống về trồng, mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cũng không nơi nào như người dân Bằng Thành là mua phân về để bón lót cho rừng trồng. Người dân quý cây đến mức chỉ cần 1 cây mới trồng bị chết, là lại than vãn quy ra thiệt hại bao nhiêu tiền.

15-41-06_rung_pn_2
Nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ từ việc khai thác gỗ rừng trồng.

Năm 2019, huyện Pác Nặm được giao chỉ tiêu trồng mới 230ha, bao gồm 50ha rừng phân tán và 180ha rừng sau khai thác. Kết thúc vụ trồng rừng, Pác Nặm đã tiến hành trồng mới được trên 249ha rừng các loại, đạt 108,5% kế hoạch.

Ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho rằng để đạt được những kết quả như vậy là do sự quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác kiểm tra, giao ban giữa UBND huyện, Ban quản Dự án 147 huyện với các xã được tiến hành gắt gao, thường xuyên theo từng tháng. Hạt cũng bố trí cán bộ kiểm lâm hàng ngày xuống xã để giám sát công tác trồng rừng, hướng dẫn bà con kỹ thuật, đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn để công tác trồng rừng đúng tiến độ.

Pác Nặm là một huyện vùng cao, 100% diện tích đất tự nhiên là đồi núi cao, vì vậy phát triển kinh tế từ rừng được cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc hỗ trợ và định hướng cho người dân. Các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, … đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác trồng rừng hàng năm. Kết quả thực hiện việc trồng rừng tại Pác Nặm là rất đáng ghi nhận.

Cũng chính vì đường giao thông kém, nên có tình trạng trong cùng một vùng có hộ tiện đường khai thác thì bán được hơn 100 triệu đồng/ha rừng, nhưng có hộ chỉ được 60 – 70 triệu đồng.

Hiện nay toàn huyện có 27.539ha đất lâm nghiệp, thì có 22.312ha rừng tự nhiên, còn diện tích rừng trồng cũng lên tới 4.519ha. Tỷ lệ che phủ rừng từ năm 2013 đến nay hàng năm tăng từ 1 – 2%, hiện tại đạt khoảng 57,5% (cao hơn rất nhiều tỷ lệ bình quân của cả nước là hơn 41%).

Huyện Pác Nặm đã xuất hiện nhiều hộ dân đã trồng tới hàng chục hecta rừng, và doanh thu tiền tỷ từ việc bán gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, có một thực tế là diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng vẫn còn rất cao, lên tới hơn 16.000 ha.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Đình Điệp – Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết địa phương là huyện vùng cao, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Những diện tích đất lâm nghiệp có thể trổng rừng được thì người dân hầu như đã trồng rồi, còn những diện tích chưa có rừng là ở những khu vực khó khăn về đường vận chuyển.

15-41-06_rung_pn_3
Những cánh rừng thuận tiện đường giao thông phủ màu xanh những cánh rừng sản xuất của người dân.

Trong khi đó, huyện không có kinh phí đầu tư đường lâm nghiệp cho người dân, còn người dân thì không thể bỏ tiền ra san gạt hàng km đường rừng được.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.