| Hotline: 0983.970.780

Lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc càng khiến ngư dân kiên tâm bám biển

Thứ Tư 06/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trước lệnh cấm đánh bắt thủy sản trên biển Đông phi lý của Trung Quốc, ngư dân Bình Định không hề nao núng, vẫn vững chãi tinh thần vươn khơi bám biển.

Ngư dân Bình Định đánh bắt tại các ngư trường truyền thống trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Bình Định đánh bắt tại các ngư trường truyền thống trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mới đây, phía Trung Quốc có thông báo về “Quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8/2020”. Tuy nhiên, lệnh cấm biển phi lý này của Trung Quốc đối với ngư dân Bình Định chẳng có ý nghĩa gì, bởi những vùng biển cấm nói trên từ ngàn xưa đến nay là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân Bình Định.

Vì thế, lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc không hề làm ngư dân Bình Định nao núng, thậm chí còn thôi thúc họ càng hăng hái vươn khơi bám biển, dù những chuyến biển gần đây đánh bắt hiệu quả không cao.

Ví như 10 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ của lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vừa cập bờ bán sản phẩm, đang sửa sang ngư lưới cụ để qua mùa trăng này là đồng loạt vươn khơi. Nói về lệnh cấm biển của Trung Quốc, lão ngư Bùi Thanh Ninh xem như chẳng có gì.

“Đây không phải là lần đầu, mà đã nhiều năm rồi Trung Quốc cứ lặp đi lặp lại lệnh cấm phi lý này. Mắc mớ gì biển của mình mà họ lại cấm ngư dân mình đánh bắt. Chính sự ngang ngược của họ càng thôi thúc chúng tôi vươn khơi bám biển.

Nếu ngư dân mình ngại lệnh cấm này mà neo tàu nằm bờ, bỏ biển trống càng nguy hiểm hơn, giống như căn nhà không có chủ sẽ bị kẻ xấu dòm ngó. Do vậy, 10 chiếc tàu cá của tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để qua mùa trăng này là đồng loạt ra khơi.

Thú thiệt, những chuyến biển gần đây đánh bắt không đạt sản lượng, giá bán sản phẩm lại thấp nên chẳng lời lãi gì. Thế nhưng nếu vì vậy mà mình không vươn khơi bám biển, bỏ biển trống thì chủ quyền của mình sẽ bị xâm phạm”, ngư dân Bùi Thanh Ninh bộc bạch.

Cũng theo ngư dân Ninh, để bảo toàn thuyền viên và tài sản 10 tàu cá của mình không bị kẻ xấu xâm hại, trong chuyến biển sắp tới ông Ninh tổ chức cho tập đoàn tàu cá của mình đi đánh bắt theo tổ, đội. 10 chiếc tàu cá của ông được chia thành 2 tổ, mỗi tổ 5 chiếc hoạt động sắp tới sẽ vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Trường Sa.

“Tôi dặn dò thuyền trưởng các tàu cá trong mỗi tổ đội tổ chức đánh bắt tại những vị trí không cách xa nhau lắm, phải thường xuyên liên lạc với nhau, để nếu có tàu nào gặp sự cố thì các tàu trong tổ, đội kịp thời tập trung đến hỗ trợ, đồng thời cấp báo về để tôi liên lạc với ngành chức năng nhờ giúp đỡ”, lão ngư Bùi Thanh Ninh cho hay.

Tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trên biển Đông sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trên biển Đông sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tàu cá mang số hiệu BĐ 91189 TS có công suất 900CV của ngư dân Văn Công Việt ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) vừa cập bờ vào ngày 25/4 sau khi bán sản phẩm hiện cũng đang đợi qua rằm tháng Tư âm lịch sẽ mở chuyến biển mới.

Chuyến biển vừa rồi tàu của ngư dân Việt bị lỗ tổn mất 40 triệu đồng, thế nhưng hiện tất cả các thuyền viên đi bạn trên tàu của ông đều háo hức vươn khơi chuyến biển mới để đánh bắt đón đầu vụ cá Nam.

“Vụ cá Nam sắp bước vào chính vụ khai thác, khi ấy cá ồ và cá ngừ sọc dưa sẽ xuất hiện nhiều trên biển Đông, là cơ hội để ngư dân gỡ gạc thua lỗ trong những chuyến biển vừa qua. Ngư dân chúng tôi chẳng màng đến lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc.

Chuyện này năm nào cũng diễn ra nhưng ngư dân chúng tôi mặc kệ, biển của mình mình làm, mình không đánh bắt xâm phạm vùng biển của họ thì thôi, chẳng việc gì phải sợ.

Ông bà mình nói rồi, “ruộng năng canh biển năng hành”, cuộc đời gắn với nghề biển mà bỏ biển thì biết làm gì để sống”, ngư dân Văn Công Việt chia sẻ.

Vụ cá Nam cá ngừ sọc dưa sẽ xuất hiện nhiều, cơ hội để ngư dân gỡ gạc thu lỗ của những chuyến biển gần đây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vụ cá Nam cá ngừ sọc dưa sẽ xuất hiện nhiều, cơ hội để ngư dân gỡ gạc thu lỗ của những chuyến biển gần đây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc trên biển Đông đối với ngư dân không có chút ý nghĩa gì, đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng ngư dân Bình Định vẫn kiên tâm bám biển.

Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro, ngành chức năng tỉnh này khuyến cáo ngư dân đi đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết, để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố trên biển. Nếu có xảy ra xung đột thì ngư dân phải cấp tốc báo về cơ quan chức năng để có hướng xử lý.

“Hiện các địa phương vùng biển ở Bình Định hiện đã thành lập được 723 tổ, đội đoàn kết với 2.878 tàu cá tham gia.

Các mô hình tổ, đội đoàn kết đã phát huy hiệu quả tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết của ngư dân trong những trường hợp gặp rủi ro, tai nạn trên biển khi hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Xã Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn còn thành lập được nghiệp đoàn nghề cá với 141 tàu câu cá ngừ đại dương là thành viên.

Ngoài phát huy tinh thần thân tương ái giúp nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cứu hộ cứu nạn; các thành viên trong tổ, đội đoàn kết trên biển và nghiệp đoàn nghề cá khi phát hiện tàu nước ngoài tấn công ngư dân Việt thì bà con kịp thời hỗ trợ báo cáo, cung cấp thông tin cho ngành chức năng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất