Giao dịch thịt bò toàn cầu vẫn đang tiếp tục khi Argentina bất ngờ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu thị bò trong 30 ngày vào ngày 18/5, nhưng những gợn sóng ảnh hưởng đang xuất hiện trong giao dịch trên khắp thế giới.
Đã có một phản ứng ngay lập tức ở một số thị trường, chẳng hạn tờ Urner Barry Yellow Sheet (một báo cáo hàng ngày quan trọng về biến động giá thịt và ảnh hưởng ở Mỹ) báo cáo ngày 18/5 rằng giá chào bán từ các nhà xuất khẩu thịt bò cao hơn rất nhiều so với với ngày hôm trước và giá trị giao dịch đã "tăng đáng kể".
Ngày 18/5, thịt bò 90CL (90% nạc, 10% mỡ) nhập khẩu của Úc/New Zealand được báo giá ở mức 274 USD/cwt (tạ Mỹ, tương đương 45,3kg) - mức cao nhất kể từ đợt tăng giá đột biến vào tháng 11/2019.
Hậu quả từ lệnh cấm xuất khẩu thịt bò của Argentina đã tràn sang các thị trường khác như Singapore, quốc gia chủ yếu nhập thịt bò ướp lạnh của Argentina trước đây.
Một thương nhân Úc đã báo cáo về "đơn đặt hàng lớn" từ Singapore đối với thịt bò Úc trong 24 giờ qua, do kết quả trực tiếp của việc Argentina cấm xuất khẩu thịt bò.
“Thị trường thịt bò nhập khẩu của Mỹ đã tăng trong vài tuần qua, nhưng mọi thứ trên Urner Barry ngày hôm qua đều có 'con số xanh' (cho thấy giá tăng trên diện rộng chống lại xu hướng giảm giá trước đó) - ở Bắc Mỹ , Nam Mỹ và Trung Mỹ”, một thương nhân nổi tiếng cho biết sáng 19/5.
Ông cho biết người Trung Quốc đã cố gắng giảm giá thịt bò trong nước gần đây, nhưng các báo cáo vào cuối tuần trước cho thấy hầu hết các mặt hàng đã tăng trở lại và động thái của Argentina “sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa”.
Trong bài bình luận hàng ngày của mình, Urner Barry sáng 19/5 cho biết tin tức ngày hôm trước về Argentina đã cho thấy giao dịch đang diễn ra để xác định sự phát triển có thể thay đổi dòng sản phẩm (nhập khẩu) sang Mỹ như thế nào.
Urner Barry chỉ ra rằng Argentina chỉ đứng sau Brazil về nguồn cung thịt bò nhập khẩu cho Trung Quốc, với tổng lượng xuất khẩu trong quý đầu tiên sang Trung Quốc là hơn 109.000 tấn. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Argentina. Báo cáo cho biết việc tạm ngừng có thể tác động đến dòng chảy thương mại đối với các nhà cung cấp thịt bò nhập khẩu lớn hơn của Mỹ, bao gồm cả New Zealand.
Khi được hỏi liệu các thị trường có thể đã đoán trước được động thái của Argentina hay không, với những lời bàn tán xôn xao về triển vọng cấm xuất khẩu vào cuối tuần trước, một nhà kinh doanh thịt kỳ cựu của Úc cho biết rất khó để nói.
“Nhưng chắc chắn Trung Quốc hiện đang theo đuổi thịt bò trên toàn thế giới”, ông nói với Beef Central - trang dịch vụ thông tin thị trường và tin tức cao cấp uy tín về công nghiệp thịt bò.
Các nhà xuất khẩu khác cho biết thị trường thịt xuất khẩu mà họ phục vụ vẫn chưa điều chỉnh đáng kể, nhưng thừa nhận có “rất nhiều đầu cơ đang diễn ra, ở cả bên mua và bên bán”.
“Nó chắc chắn sẽ giúp ích cho hoạt động xuất khẩu của Úc. Lo ngại về an ninh nguồn cung có thể xảy ra”, một thương nhân cho biết.
“Chúng ta dường như đang bước vào một thời kỳ biến động đáng kể trong thương mại thịt toàn cầu, do những thay đổi dù là nhỏ nhất - đặc biệt là đối với sản phẩm dạng hàng hóa, và động thái của Argentina chỉ làm tăng thêm điều đó”, ông nói.
Lệnh cấm xuất khẩu thịt bò sẽ kết thúc sau 30 ngày?
Cũng có nhiều đồn đoán xung quanh thời gian lệnh cấm xuất khẩu của Argentina. Dù thông báo chỉ cấm trong 30 ngày, nhưng lịch sử đã cho thấy có những ví dụ lệnh cấm có lúc kéo dài hơn một năm. Tác động từ việc cấm kéo dài đó là xuất khẩu của Argentina thấp trong nhiều năm sau đó do đàn bò sụt giảm.
Một nhà xuất khẩu Úc nói với Beef Central lệnh cấm khiến khách hàng Trung Quốc cần tìm nguồn cung xuất khẩu thay thế.
Trung Quốc tìm đến nguồn cung nào?
Mục tiêu rõ ràng là Brazil, một thương nhân cho biết, nhưng Brazil có vấn đề sản xuất riêng trong năm nay, do sản lượng sản xuất năm ngoái giảm mạnh, họ đã thanh lý một phần lớn đàn bò của mình để đáp ứng nhu cầu thịt bò của Trung Quốc. Do đó, giá xuất khẩu thịt bò Brazil năm nay cao hơn đáng kể so với giá xuất khẩu trong ít nhất hai năm qua.
Nguồn cung từ Úc vẫn bị hạn chế nhiều do sản lượng sản xuất thấp sau hai năm hạn hán.
“Trong trường hợp của New Zealand, nước này sẽ kết thúc chu kỳ sản xuất theo mùa đối với thịt bò loại hàng hóa (bò sữa và bò đực) trong ba hoặc bốn tuần tới”, nguồn tin xuất khẩu cho biết.
Thịt bò Mỹ là loại có giá và chất ở mức trên trung bình nên nguồn cung từ Mỹ không thể lấp đầy khoảng trống khổng lồ mà Argentina để lại cho thịt hàng hóa rẻ hơn.
“Thế giới đã khác trước một hoặc hai năm, và các mặt hàng như thịt bò và thịt cừu đang có nhu cầu cao trên toàn cầu. Trung Quốc sẽ không dễ dàng lấp đầy khoảng trống mà Argentina để lại, ngay cả khi nó chỉ kéo dài một tháng”, giới thạo tin phân tích.
Một số nguồn tin thương mại nghi ngờ rằng thời gian cấm xuất khẩu một tháng chỉ để tránh ép giá thịt xuống thấp hơn đáng kể, còn một số nguồn tin khác lại cho rằng dựa trên kinh nghiệm trước đây, không có gì đảm bảo rằng lệnh đình chỉ sẽ được dỡ bỏ sau 30 ngày.
Một nguồn tin khác nói với Beef Central sáng 19/5 rằng việc chính phủ Argentina ngừng xuất khẩu có thể không chỉ vì động cơ chính trị trong cuộc bầu cử sắp tới, bằng cách hạ giá thịt một cách giả tạo cho người tiêu dùng trong nước mà còn có thể là lời cảnh cáo cho các công ty đang sử dụng tài khoản giao dịch ra nước ngoài để tránh phải trả thuế.
Hội chợ SIAL
Triển lãm thương mại thực phẩm SIAL tiếp tục diễn ra tại Thượng Hải sáng 19/5 đã "ồn ào" với những đồn đoán về phản ứng của thị trường, Beef Central cho biết.
Một quan sát thú vị trong chương trình đêm 18/5 là sự tương phản giữa các sự kiện xã hội của nhà xuất khẩu Úc và Mỹ được tổ chức cùng một lúc. Úc đã đón tiếp 150 người Trung Quốc, so với những năm trước đây đã tổ chức tiếp xúc "500-700" người, Beef Central thông tin.
Ngược lại, đếm 18/5, phía Mỹ đã tiếp xúc khoảng 1.500 người Trung Quốc.