| Hotline: 0983.970.780

Lênh đênh dạy nghề cho ngư dân

Thứ Năm 02/12/2010 , 10:07 (GMT+7)

Bản thân các thầy, cô không thể áp dụng lịch học cứng mà luôn luôn phải thay đổi theo thói quen sinh hoạt của bà con.

Đặc thù của ngư dân là phải luôn bám biển và lênh đênh theo con nước. Cũng bởi cuộc sống trôi dạt nay đây mai đó mà trong đề án dạy nghề cho LĐNT, công tác tập huấn ngắn hạn, bổ trợ kiến thức đi biển nhằm làm tăng khả năng ứng phó với thiên tai, thảm họa, nâng cao thu nhập cho ngư dân hiện trở thành bài toán khó khăn, nan giải.

Là một nước có bờ biển dài, số ngư dân sống dựa vào biển chiếm một tỉ lệ dân số rất đông. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là ngành đánh bắt thủy sản nước ta còn yếu kém. Với khu vực miền Trung như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Yên… phần nào còn vớt vát được chút ít, chứ nghề đánh bắt thủy sản trên biển ở miền Bắc hiện nay lẹt đẹt và ảm đạm vô cùng. Cũng vì thực trạng đó mà trong đề án dạy nghề cho LĐNT, ngư dân là đối tượng được Chính phủ nhấn mạnh cần phải đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu thống kê của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tính đến tháng 9/2009, cả nước có gần 150.000 tàu thuyền, với tổng công suất trên 6 triệu CV, trong đó có hơn 115.000 tàu khai thác hải sản. Nhóm tàu công suất lớn trên 90 CV có khoảng 16.000 chiếc, trong đó: nghề lưới kéo là gần 8.000 chiếc chiếm xấp xỉ 50%, nghề lưới vây hơn 2.000 chiếc chiếm trên 13%, nghề câu khoảng 2.000 chiếc chiếm 30%, các nghề khác 4.000 chiếc chiếm 25%... Tuy nhiên, chiếm đa số trong đó vẫn là phương tiện công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, sản lượng đánh bắt thấp.

Là đơn vị tâm huyết và thường xuyên mở những lớp dạy nghề với mục đích giúp bà con ngư dân có kiến thức để từ đó tăng sản lượng và chất lượng đánh bắt, song Trường Cao đẳng Nghề Thủy sản miền Bắc (CĐNTSMB) cho biết số lượng học viên mà nhà trường đào tạo đến thời điểm hiện tại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo lý giải của thầy Phạm Văn Khoát – Hiệu trưởng do đặc thù của ngư dân đánh bắt theo con nước nên rất khó để tập hợp bà con đi học đầy đủ. Bản thân các thầy, cô của nhà trường không thể áp dụng lịch học cứng mà luôn luôn phải thay đổi theo thói quen sinh hoạt của bà con. “Nay học sáng, mai học chiều, ngày kia lại học tối… Có những khóa học kéo dài 15 ngày nhưng nhà trường phải dạy làm ba bốn đợt nên hiệu quả khó có thể cao”. Thầy Khoát chia sẻ.

Không có ý coi thường, miệt thị song phải nhìn nhận đúng thực tế là trình độ nhận thức của ngư dân hạn chế hơn nông dân và diêm dân rất nhiều. Do ngư dân cả đời chỉ quanh quẩn bên chiếc thuyền giữa mênh mông biển cả, học hành không đến nơi đến chốn nên mặt chữ còn chưa thạo thì nói gì đến chuyện tiếp thu KHKT. Đây là rào cản lớn nhất khi truyền đạt kiến thức cho ngư dân.

Hiệu trưởng Trường CĐNTSMB Phạm Văn Khoát:

“Với ngành ngư nghiệp, phải là lớp trẻ có trình độ và kiến thức bắt tay vào đánh bắt hiệu quả mới cao được. Chính sách miễn giảm học phí hiện nay hiệu quả không thấm vào đâu bởi cái nghề mới quan trọng vì nó gắn bó suốt cả cuộc đời với người học. Muốn khắc phục tình trạng ảm đạm chung của ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có cách duy nhất là Nhà nước phải có cơ chế, chính sách dành riêng cho những người theo học như: ra trường phải có việc làm ổn định ngay, lương phải cao hơn các ngành nghề khác, có chế độ đãi ngộ và phụ cấp đảm bảo được cuộc sống thì chẳng cần phải rát cổ vận động để có người đăng ký theo học”.

Quan điểm của thầy Trần Thế Phiệt – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐNTSMB là không nên ép chỉ tiêu khi dạy nghề cho ngư dân, mà cần đặc biệt chú trọng vào nâng cao chất lượng. Từng đi dạy nghề cho nhiều bà con vùng biển từ Bắc vào Nam thầy cho rằng, chế độ hỗ trợ cho ngư dân đi học hiện còn quá thấp. Bản thân bà con nghỉ đánh bắt ngày nào là nồi cơm ngày đó vơi, họ không muốn đi học vì tốn thời gian vả lại tốn kém. Trong khi đó, nếu dành thời gian đó đi đánh bắt cá cũng kiếm được dăm chục đến một trăm ngàn, ăn đứt tiền đi học có được.

Chúng tôi về thăm một số xã ven biển của TP Hải Phòng thấy bà con ngư dân đều phàn nàn cuộc sống hiện đang rất khó khăn khi nguồn lợi thủy sản dường như đã cạn kiệt. Khi đi học các lớp dạy nghề bà con chỉ được nghe giảng chung chung, thậm chí nghe giảng những điều họ đã biết nên lợi ích thiết thực đối với họ chẳng thu được là bao, mà có nghe được câu trước câu sau đã quên mất rồi, trở về nhà đầu ngư dân lại trống rỗng. Điều đó có nghĩa trong quá trình dạy nghề cho ngư dân, nên dạy những cái gì họ cần chứ không phải cái gì mà họ đã biết, bởi hàng chục năm trong nghề nhiều cái họ còn... giỏi hơn cả người có bằng cấp.

Một số ngư dân ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy khi được hỏi đã mạnh dạn kiến nghị họ rất muốn học những kiến thức để làm sao bảo quản cá khi về đến đất liền vẫn được tươi ngon, cách sử dụng và nhận biết các thiết bị định vị đàn cá. Có ngư dân thú thật, nhiều khi máy quét thấy rong rêu họ lại tưởng đó là đàn cá nên thả lưới xong rồi lại phải kéo lên tốn kém rất nhiều xăng, dầu và công sức. Song, suy lại cho cùng, điều mà ngư dân trăn trở hiện nay vẫn là chế độ phụ cấp, hỗ trợ khi đi học quá thấp. Họ bảo vài chục nghìn tiền đi học không đủ để mua nửa cân thịt.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm