Có dịp trở lại thăm miền biển Vàm Láng những ngày cuối năm này, chúng tôi rất phấn khởi được nghe nhiều bà con địa phương chia sẻ về chuyến đi biển vừa rồi. Bà con nói chuyến này trúng lắm, thuyền trưởng và bạn tàu được chủ chia lãi kha khá.
Ông Nguyễn Văn Chính (ở khu phố 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), có 4 tàu khai thác xa bờ, phấn khởi nói tàu đang vào bờ, sản lượng cũng tương đối khá. Mỗi chuyến đi từ 4,5-5 tháng, sau khi trừ chi phí, tiền chia với bạn tàu, tài công dao động khoảng 60-65 triệu đồng/người, ông Chính có lãi từ 600-700 triệu đồng.
Theo ông Chính, từ thuyền trưởng đến ngư phủ đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi ra khơi, biết được các quy định của Nhà nước, nhất là các quy định trong phòng chống khai thác IUU để cùng cả nước gỡ "thẻ vàng". “Tàu mình chỉ hoạt động từ giàn khoan trở lại, đều có gắn thiết bị giám sát hành trình hết. Nếu mất tín hiệu thì liên hệ bằng máy lớn, coi tín hiệu làm sao bị mất, nếu hư hỏng thì gửi tàu tải đưa vào bờ sửa”, ông Chính chia sẻ.
Theo UBND thị trấn Vàm Láng, địa phương có đoàn tàu khai thác thủy sản đang hoạt động gần 300 phương tiện, nhiều nhất so với các xã, phường trong tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã giám sát, quản lý chặt chẽ tàu cá đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định khi khai thác biển, không để vi phạm vùng biển nước ngoài.
Gần đây, các ngành chức năng như Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý Cảng cá và Chi cục thủy sản đã kết hợp với UBND thị trấn Vàm Láng thường xuyên tuyên truyền việc thực hiện quy định IUU đối với bà con ngư dân. Hiện, 100% tàu cá của Vàm Láng đã được đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ra vào đều có trình báo...
Hiện tại, địa phương vẫn còn hơn 150 tàu nằm bờ lâu ngày, tuy nhiên đã được UBND thị trấn tiến hành chụp ảnh, lập biên bản vị trí tàu neo đậu. Chính quyền cũng cho biết, khi các tàu khơi trở lại phải tu sửa, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết, đúng theo quy định. Nhờ vậy, nhiều năm qua hoạt động của các tàu cá của ngư dân thị trấn Vàm Láng rất ổn định, không vi phạm IUU.
Ông Huỳnh Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, địa phương nắm rất chắc các tàu thuyền khai thác thủy sản xa bờ. Đặc biệt, những tàu dài trên 15m, địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Kiểng Phước giám sát chặt chẽ, nhất là phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Riêng đối với các phương tiện mất tín hiệu, địa phương sẽ làm việc với chủ phương tiện để khắc phục ngay. Các tàu cá từ các địa phương khác khi vào neo đậu trên địa bàn cũng được chính quyền, ngành chức năng tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật cũng như các quy định IUU.
Trước đó, ngày 15/11, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi kiểm tra thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023” tại tỉnh Tiền Giang.
Qua nghe báo cáo của UBND huyện Gò Công Đông và UBND tỉnh Tiền Giang và kiểm tra thực tế tại thị trấn Vàm Láng, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều hình thức, biện pháp triển khai thực hiện Đề án phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đặc biệt, ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để các địa phương ven biển củng cố ngăn sách, tủ sách pháp luật, kịp thời bổ sung những tài liệu liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhân dân.
Thiếu tướng Vũ Trung Kiên đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Quốc phòng nói chung và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo cũng như bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Gần đây, nghề khai thác thủy sản có đôi lúc gặp khó khăn do thời tiết, giá nhiên liệu tăng cao nhưng ngư dân thị trấn Vàm Láng nói riêng cũng như ngư dân ĐBSCL và cả nước nói chung rất nỗ lực đưa tàu ra khơi, đánh bắt đạt sản lượng cao, đảm bảo cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.