| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Thứ Năm 25/04/2024 , 15:44 (GMT+7)

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Người dân không chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi xẩy ra hiện tượng tôm chết khiến việc lấy mẫu, xác minh nguyên nhân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: QA.

Người dân không chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi xẩy ra hiện tượng tôm chết khiến việc lấy mẫu, xác minh nguyên nhân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: QA.

Đến hẹn lại lên, dịch bệnh một lần nữa “ghé thăm" người nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An. Mới đây, Chi cục Thú y vùng III phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai - 2 vùng nuôi trọng điểm của tỉnh này.

Theo thông tin trước đó, cao điểm khoảng đầu tháng 4/2024 đến nay, tình trạng tôm nuôi của người dân chết khá phổ biến với quy mô ngày một lan rộng với tổng diện tích khoảng 25ha, bao gồm 20ha tại huyện Quỳnh Lưu, số còn lại ở thị xã Hoàng Mai.

Tôm bị chết phổ biển có size nhỏ vì mới thả được từ 2 - 3 ngày đến khoảng 1 tuần, 10 ngày hoặc nửa tháng. Do quá ngán ngẩm khi tôm bị chết nên người dân không báo cáo đến cơ quan chuyên môn, vì vậy việc xác định nguyên nhân tôm chết gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, khoảng 25ha ao nuôi tại Nghệ An đã ghi nhận tình trạng tôm bị bệnh và chết hàng loạt, phần lớn là tôm mới thả, kích thước rất nhỏ. Ảnh: CTV.

Đến nay, khoảng 25ha ao nuôi tại Nghệ An đã ghi nhận tình trạng tôm bị bệnh và chết hàng loạt, phần lớn là tôm mới thả, kích thước rất nhỏ. Ảnh: CTV.

Tại huyện Quỳnh Lưu, phần đa người nuôi tôm đang áp dụng phương thức nuôi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.  

Vùng nuôi Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) bị thiệt hại nặng nhất, nhiều hộ nuôi kinh nghiệm dạn dày cũng không tránh khỏi. Đơn cử như gia đình ông Hồ Đình Anh ở xóm Đồng Tâm thả giống từ ngày 13/3, sau khoảng 2 tuần nhận thấy tôm trong ao xuất hiện triệu chứng trắng thân, rỗng ruột. Dù đã dùng đủ cách nhưng chẳng ăn thua, chỉ sau vài ngày thì tôm chết nhan nhản, tỷ lệ thiệt hại lên đến 80%. Đáng nói, nguồn giống tôm của ông Anh có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ.

Đợt này, gia đình bà Hồ Thị Hòa (trú xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu) có thể xem là “ngoại lệ”, bởi lẽ tôm trong 5 ao đã bước vào giai đoạn trưởng thành, đạt bình quân khoảng 60 con/kg. Thời gian nuôi càng dài càng tốn kém, ngoài thuê mướn nhân công còn phát sinh thêm chi phí thức ăn, thuốc men, điện, nước…, vì thế dù khẩn trương bán tống bán tháo để gỡ gạc nhưng bà Hòa cho biết vẫn lỗ nặng.

Tôm đạt kích cỡ có thể thu hoạch cũng chết nhưng số lượng không nhiều. Ảnh: QA.

Tôm đạt kích cỡ có thể thu hoạch cũng chết nhưng số lượng không nhiều. Ảnh: QA.

Ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu xác nhận: “Diện tích tôm chết trên địa bàn huyện khoảng 20ha, có hộ mới thả được 4 ngày đã gặp sự cố. Do đa số trường hợp có tôm bị chết là mới thả giống nên người nuôi không thông báo cho cơ quan chức năng, vì thế khó xác định số hộ bị thiệt hại cụ thể. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu để tìm nguyên nhân”.

Theo ông Trúc, nghề nuôi tôm những năm gần đây đối diện với rất nhiều rủi ro, thua lỗ triền miên đẩy nhiều hộ vào tình cảnh kiệt quệ, trụ không nổi phải bỏ nghề, bỏ ao đầm. Nhiều vùng nuôi trước kia tấp nập bao nhiêu giờ hoang vắng bấy nhiêu.

Thời hoàng kim, Quỳnh Lưu vốn là vùng nuôi tôm trọng điểm của Nghệ An với quy mô hàng trăm ha, thu hút cả ngàn hộ tham gia. Nhưng nay diện tích giảm mạnh, hiện ước chỉ còn khoảng 100ha.

Nghề nuôi tôm tại Nghệ An đang bước vào giai đoạn thoái trào. Ảnh: Việt Khánh.

Nghề nuôi tôm tại Nghệ An đang bước vào giai đoạn thoái trào. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Trần Võ Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đánh giá tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay khá phức tạp. Trong đó thị xã Hoàng Mai đã ghi nhận dịch bệnh xẩy ra ở một số phường, xã như Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc. Sau khi lấy 4 mẫu xét nghiệm, qua phân tích cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng. Trước tình hình trên, Chi cục đã cấp 1.890kg hóa chất Clorin để xử lý.

Tại huyện Quỳnh Lưu, tình hình dịch bệnh trên tôm cũng diễn ra khá phức tạp tại 2 xã Quỳnh Bảng và Quỳnh Thanh. Tại đây, dù đã lấy mẫu những chưa xác định được nguyên nhân chính thức, kết quả phân tích cho thấy âm tính với 2 bệnh phổ biến là đốm trắng và hoại tử gan tụy. Đoàn công tác đang nghiêng về nhận định do bệnh mới gây nên, không loại trừ là TPD – bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm.

Qua kiểm tra, đoàn công tác cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề của nghề nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An và của con tôm nói riêng. Bên cạnh hạ tầng vùng nuôi yếu kém, dịch bệnh tràn lan, tiềm lực kinh tế và trình độ khá hạn chế thì 2 nỗi lo lớn nhất hiện nay là nguồn nước và con giống. Đáng nói, các cấp, ngành liên quan chưa tìm ra cách tháo gỡ tối ưu nhất.    

Hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Nghệ An hơn 1.100ha nhưng hiện tại diện tích đang thả nuôi ước mới đạt khoảng 30 – 40%.

Chất lượng nguồn nước và con giống đang là 2 vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm hiện tại. Ảnh: Việt Khánh.

Chất lượng nguồn nước và con giống đang là 2 vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm hiện tại. Ảnh: Việt Khánh.

Bệnh TPD (bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm) được phát hiện đầu tiên vào năm 2020 ở các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại vùng duyên hải phía bắc của Trung Quốc. Vi khuẩn của bệnh TPD khiến con tôm có dấu hiệu bị bệnh về gan tụy, ruột trắng, trong suốt, mờ nhạt cơ thể và teo nhỏ dần. Hiện Tổ chức Thú y Thế giới và mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản châu Á – Thái Bình Dương chưa công bố thông tin và phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này.  

Nhận thấy nguy cơ TPD xâm nhiễm vào Việt Nam rất lớn, đặc biệt khi một số vùng nuôi trong nước xuất hiện những biểu hiện tương tự, Cục Thú y đã có Công văn số 806/TY-TYTS gửi đến cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thủy sản các tỉnh/thành phố nuôi tôm nước lợ phải chủ động “rào soát, báo cáo hiện tượng tôm chết sớm nghi do TPD”.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.