| Hotline: 0983.970.780

Ăn mì tôm, nuôi con tiền tỉ

Thứ Hai 10/04/2023 , 06:20 (GMT+7)

PHÚ YÊN Những chủ lồng bè nuôi tôm hùm chua chát bảo, ngày nào cũng lo chăm chút cho tôm hùm ăn thật no đủ, nhưng họ thì lại luôn lo ngay ngáy, tới quên cả ăn.

Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên và của cả nước với hàng ngàn lồng nuôi. Nghề này lúc xuất bán thu tiền tỉ trong tay, thế nhưng chi phí lớn, người nuôi tôm cũng đối mặt với không ít rủi ro.

Nghề nuôi tôm hùm ngày càng như canh bạc

Mỗi buổi sáng, những người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) lại lắc thúng chai ra vịnh Xuân Đài cho tôm hùm ăn. Trong khi chất mồi lên thúng, anh Nguyễn Văn Trung kể về nghề nuôi tôm hùm của mình: Cách đây 10 năm, anh Trung từ xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên) ra đây nuôi tôm hùm.

Lồng bè nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Lồng bè nuôi tôm ngày càng dày đặc trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Trước đây, khi mật độ nuôi còn thưa, môi trường nước chưa bị ô nhiễm và thị trường xuất khẩu luôn ổn định thì nuôi tôm hùm rất mau giàu. Thế nhưng bây giờ nuôi tôm hùm bấp bênh lắm, cứ như đánh bạc với trời, không biết thiên tai, dịch bệnh ập đến lúc nào.

“Cách đây 3 năm, tôm đang lớn ngon lành, chuẩn bị bán thì nguồn nước ô nhiễm đổi màu, chỉ trong vòng 2 ngày tôm chết hàng loạt. Lúc ấy tôm hùm có giá lắm, tôm bông đến 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg, tôm xanh gần 1 triệu đồng/kg. Năm ấy tôi nuôi 20 lồng, tôm chết đến 90%, kể như trắng tay”, anh Trung ngậm ngùi nhớ lại.

Lắc thúng chai ra bè cho tôm ăn xong, rồi lặn xuống các lồng thăm chừng tôm, lát sau ngoi lên, anh Trung trút từ trong cái vợt ra mấy con tôm hùm to bằng cổ tay phân trần: "Đây là những con tôm đã bị bệnh, lừ đừ, ít di chuyển nên bị hàu chỉ bám, bó con tôm lại khiến chúng không thay vỏ được, loại này nếu tiếp tục nuôi thì cũng chết dần chết mòn. Tôm không bị bệnh thì rất nhanh nhẹn, càng que của nó lúc nào cũng có thể gãi mình mẩy (làm vệ sinh quanh vỏ) nên không có vi sinh vật nào bám được.

Ngồi nghỉ mệt, anh Trung nói ngày nào cũng mua mồi cho tôm ăn, mỗi bịch mồi là mười ngàn. Người nuôi tôm vùng này ai cũng đọc thuộc lòng câu: "Chiều chiều gió thổi hiu hiu, vì mê hai tỉ mất tiêu mười ngàn". Nếu nuôi số lượng lớn tôm hùm bông, mỗi vụ nuôi kéo dài 12 tháng, người nuôi chi phí tiền tỉ mua mồi, mà vụ nuôi đó tôm chết là ôm nợ tiền mồi cả tỉ đồng chớ không phải ít. Còn năm nuôi hoàn hảo, bán tôm hùm thu trên 2 tỉ đồng, chi phí tiền mồi cũng đã trên 1 tỉ đồng, chưa nói đến mua con giống, rồi công sá đủ thứ. "Hồi giờ không ai thấy răng con tôm hùm thế nào nhưng mỗi vụ nuôi, mỗi lồng tôm ăn cả tấn mồi", anh Trung dí dỏm.

Thu hoạch tôm ở vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Thu hoạch tôm ở vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Anh Bùi Văn Phong đang nuôi 40 lồng tôm hùm ở Giành Đỏn thuộc phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu). Năm nay anh Phong đã có hơn 15 năm nuôi tôm hùm. Quê anh ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), bên đó ở Bãi Trước hướng ra biển không có chỗ nuôi nên anh phải qua bên Giành Đỏn có người quen để nuôi tôm hùm.

Trước đây, khi nguồn nước nuôi ở vịnh Xuân Đài chưa bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm hùm còn ít rủi ro, thị trường tiêu thụ còn ổn định nên anh Phong nuôi đến 60 lồng. Khi ấy, anh phải thuê cả nhân công để cho tôm hùm ăn và lặn kiểm tra lồng bè.

Theo lời kể của anh Phong, nghề nuôi tôm hùm ở vùng này lo nhất là mưa lớn bất thình lình, nước sông Bình Bá đổ về đây khiến tôm sốc nước ngọt. Vào tháng đầu mùa mưa, tôm hùm “rớt” rất nhiều, có bữa bè nuôi có tới chục con tôm hùm ngắc ngư trồi đầu lên vì bệnh. Tôm thành phẩm bán tiền triệu mỗi kg thì tôm hùm bệnh phải bán đổ bán tháo với giá chỉ nửa tiền. Người nuôi tôm hùm bằng lồng bè trên sóng nước như ngồi trên đống lửa…

Cắm chiếc ấm nước siêu tốc, anh Phong tâm sự: Ngày nào anh cũng lo cho tôm hùm ăn mà lại quên, bỏ đói mình, cái nồi chiên cơm nguội ăn xong ngâm ba ngày chưa rửa. Nuôi tôm hùm tiển tỉ mà suốt ngày ăn mì tôm. Nuôi tôm hùm, năm trúng năm trật, bù qua sớt lại chưa thấy dư.

Lo âu thị trường, đối mặt rủi ro

Vịnh Xuân Đài trải dài qua các phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu). Nơi đây được nhiều người biết đến là “thủ phủ tôm hùm” của tỉnh Phú Yên và của cả nước. Theo các chủ vựa thu mua, tôm hùm nuôi chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, năm nào thị trường Trung Quốc ăn mạnh, giá tôm tăng cao thì người nuôi ấm túi, còn đường xuất khẩu bị nghẹt thì người nuôi chỉ biết than ngắn thở dài. Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu, toàn Thị xã có 55.000 lồng tôm hùm, chủ yếu loại tôm hùm xanh. 

Đưa thức ăn nuôi tôm ra bè nuôi ở vịnh Xuân Đài. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Mỗi ngày, một lượng thức ăn khổng lồ được chuyển ra vinh Xuân Đài để nuôi tôm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Hiện tại, giá tôm hùm bông dao động chỉ có từ 930.000 đến 950.000 đồng/kg, tôm hùm xanh trên dưới 750.000 đồng/kg. Những năm trước đây, vào thời điểm này giá tôm cao lắm, tôm hùm xanh có giá đến 800.000đ - 1 triệu đồng/kg. Còn tôm hùm bông giá 1,5 đến 1,9 triệu đồng/kg.

“Nuôi tôm hùm bây giờ chấp nhận chờ thời, nếu nuôi 20 lồng tôm mà giá không tăng, còn hạ thấp thêm thì tôi đành bấm bụng chịu, còn tăng thì kiếm lời”, anh Nguyễn Văn Tiến, người đang nuôi 20 lồng tôm hùm xanh ở Vũng Chào, xã Xuân Phương (thị Sông Cầu) chia sẻ.

Hiện khu vực Vũng Chào khá thuận lợi nuôi tôm hùm vì phía ngoài có núi chắn sóng, vì vậy khu vực Vũng Chào có “sức chứa” hàng ngàn lồng nuôi tôm, với số lồng nuôi như vậy, người nuôi tôm ngày càng ngay ngáy nỗi lo ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát.

Bà Trần Thị Xinh, người nuôi tôm hùm ở đây cho hay: "Nhà tôi ở ven Vũng Chào, hàng ngày tôi để ý có hàng ngàn tấn thức ăn tôm hùm trút xuống. Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, mỗi ngày cho ăn lúc tôm còn nhỏ cũng hết 6kg mồi.

Bè nuôi 50 lồng thì mỗi ngày người nuôi tôm “đi chợ 3 tạ”. Đó là cho tôm ăn cá giã (nhiều loại cá trộn chung lại), còn ăn cua, ốc thì đi chợ mua trừ hao vỏ, nếu ăn cua ốc thì 50 lồng nuôi, từ cho ăn 3 tạ trừ hao lên thành khối lượng thực tế 5 tạ, có người “ép” tôm hùm ăn lên đến 7 tạ.

Tôm ăn không hết bỏ mứa thức ăn dưới đầm hôi thối, còn phần vỏ cua ốc chìm xuống nước thành núi rác, lồng nuôi tôm mắc cạn giữa bãi rác, ô nhiễm nguồn nước ngày càng làm cho tôm bị dịch bệnh nhiều hơn.

EmptĐưa tôm nuôi từ bè nuôi ở vịnh Xuân Đài vào bờ bán cho thương lái. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Đưa tôm nuôi từ bè nuôi ở vịnh Xuân Đài vào bờ bán cho thương lái. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, thời gian qua, bệnh sữa, đen mang xảy ra trên tôm hùm nuôi lồng ở Sông Cầu ở tất cả các loại tôm. Qua kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh do mật độ lồng nuôi quá dày đặc đã làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Sở đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm hùm kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết phải giảm 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa. Việc sử dụng thức ăn tươi cần đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi để tôm chống chịu tốt hơn với các tác nhân gây bệnh.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm