| Hotline: 0983.970.780

Liên kết 'bó đũa' sản xuất ngô lai

Thứ Sáu 10/07/2015 , 10:14 (GMT+7)

Lần đầu tiên nông dân huyện Mường Khương biết tổ chức liên kết với nhau cùng trồng một giống ngô với quy mô lớn để kết hợp với doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Hầu như người Việt nào cũng từng nghe truyện ngụ ngôn về người bố dạy các con mình phải đoàn kết thông qua hình ảnh bẻ đũa từng chiếc và bẻ đũa cả bó nó khác nhau như thế nào.

Người nông dân nhỏ lẻ trong thời buổi kinh tế thị trường này cũng như từng chiếc đũa sẽ dễ dàng bị bẻ gẫy, nhưng một khi liên kết lại thì họ có thể có chỗ đứng tốt trên thị trường tiêu thụ nông sản, thu đồng lãi cao hơn…

Mường Khương được xem là một huyện trồng ngô trọng điểm của tỉnh Lào Cai, có sản lượng lớn nhưng thực tế nông dân nơi đây vẫn còn nghèo; nhiều diện tích ngô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa thiết lập được mối quan hệ cung cầu vững chắc, dẫn đến sự không ổn định về giá bán ngô thương phẩm trên thị trường.

Đó là một trong những rào cản lớn của SX nông nghiệp Lào Cai, trong đó có huyện Mường Khương; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay SX nông nghiệp phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được triển khai từ năm 2002 nhưng đến nay việc tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu nông sản hàng hóa cho nông dân, nhưng một số hợp đồng không thực hiện được.

Tùy từng trường hợp cụ thể về biến động giá cả, hợp đồng bị phá vỡ hoặc từ phía doanh nghiệp hay từ phía nông dân. Nhiều doanh nghiệp không thể ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với hàng ngàn nông dân và rất khó quản lý tất cả các hợp đồng này.

Thế nên khi lần đầu tiên nông dân huyện Mường Khương biết tổ chức liên kết với nhau cùng trồng một giống ngô với quy mô lớn để kết hợp với doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được đánh giá như là một bước tiến mới.

Nhằm thực hiện mục tiêu liên kết SX và tiêu thụ nông sản để tạo ra chuỗi SX bền vững nông dân canh tác ngô, từ năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cùng Cty Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto, Hoa Kỳ), Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) - nhà phân phối chính thức giống ngô lai Dekalb tại Việt Nam và Cty TNHH MTV An Nghiệp - đơn vị thu mua nông sản, đã phối hợp thực hiện chương trình Liên kết SX ngô bền vững thí điểm cho hơn 100 hộ nông dân tại huyện Mường Khương.

Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, đại diện của các đơn vị nêu trên cùng ký hợp đồng nguyên tắc, phân rõ trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai mô hình liên kết.

Qua đó, UBND tỉnh, huyện và Trung tâm Khuyến nông tổ chức liên kết các hộ nông dân SX nhỏ lẻ lại với nhau, cùng trồng một giống ngô với quy mô lớn làm cơ sở để liên kết với doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng cung ứng đầu vào, kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân tham gia mô hình nhận được 4 “bảo hiểm bền vững”: Được ứng giống ngô lai Dekalb vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ mà không phải trả bất kỳ một khoản lãi suất nào, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch.

Ông Phạm Bá Uyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: “Trong giai đoạn 2014 - 2015, huyện phối hợp với Cty Dekalb Việt Nam thực hiện chương trình liên kết SX ngô bền vững.

Thông qua chương trình này, Dekalb đã ứng toàn bộ giống cho bà con nông dân SX và phối hợp đơn vị thu mua (đối tác là Cty An Nghiệp) thu mua toàn bộ ngô bắp tươi ngay tại ruộng cho bà con với giá là 2,9 triệu đồng/tấn bắp tươi ngay tại ruộng. Ngày 6/7 vừa qua, chúng tôi đã tiến hành thu mua điểm ruộng đầu tiên trong số 40 ha thí điểm năm 2015, bà con cũng như địa phương hết sức phấn khởi”.

Bà Nguyễn Thị Thơm, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Lào Cai chia sẻ, năm qua, trung tâm đã phối hợp các doanh nghiệp triển khai mô hình SX ngô bền vững tại huyện Mường Khương, thí điểm trên 40 ha tại các xã Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Pha Long và thị trấn Mường Khương với 126 hộ tham gia. Giống ngô đưa vào SX là DK6919 và DK8868 đều có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu trồng dày, bộ rễ khỏe, cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng hạt thương phẩm tốt, năng suất cao và bán được giá.

"Là những người làm công tác khuyến nông, chúng tôi rất phấn khởi khi chứng kiến bà con đã thu được hơn 80 tấn ngô, được doanh nghiệp uy tín đến thu mua trực tiếp và nhận được hơn 230 triệu đồng từ điểm ruộng đầu tiên trong mô hình. Sau khi thu hoạch các điểm còn lại, chúng tôi sẽ tiến hành tổng kết và tiếp tục lên kế hoạch để nhận rộng mô hình này trên địa bàn cũng như các khu vực lân cận”, bà Thơm nói.

16-04-37_chuyen-hng-len-xe
Cty An Nghiệp thu mua ngô thương phẩm cho nông dân

Chuyện liên kết SX ngô ở Mường Khương là cơ sở để tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chương trình liên kết SX, đặc biệt là khâu tổ chức lại loại hình SX đối với một số đối tượng cây trồng, vật nuôi đã là sản phẩm hàng hóa.

Còn ông Nguyễn Tiến Hưng, quản lý kinh doanh khu vực Đông Bắc, Cty Dekalb Việt Nam chia sẻ: “Tập đoàn Monsanto chúng tôi luôn cho rằng cải thiện nông nghiệp là cải thiện đời sống của nông dân. Từ đó giúp bà con, đặc biệt là người dân tộc ở vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận với các nguồn lực SX.

Những năm qua, chúng tôi không ngừng tìm kiếm các cơ hội và đối tác để thực hiện các chương trình hợp tác công - tư nhằm cải thiện đời sống cho bà con.

Chúng tôi thực sự vui mừng khi được là đối tác của những đơn vị tâm huyết, trách nhiệm trong ngành để đem lại những hiệu quả bước đầu cho bà con và sẽ tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới để có thể giúp nhiều nông dân được tiếp cận với chương trình liên kết này hơn nữa”.

Ông Nguyễn Duy Nghiệp, PGĐ Cty TNHH MTV An Nghiệp cho hay: “Doanh nghiệp chúng tôi là một trong những đơn vị thu mua nông sản lớn nhất ở Lào Cai, chủ yếu thu mua các sản phẩm sắn và ngô thương phẩm. Chúng tôi rất vui mừng được cùng đồng hành trong chương trình Liên kết SX ngô bền vững và là đơn vị thu mua sản phẩm đầu ra chính thức của chương trình.

Qua mô hình liên kết và buổi thu mua đầu tiên, có thể thấy bà con tham gia chương trình khi áp dụng giống ngô và kỹ thuật canh tác này đã đạt được năng suất cao và chất lượng ngô thương phẩm tốt.

Để chương trình phát triển ở quy mô lớn hơn và bền vững, chúng tôi sẽ tiến hành bàn bạc để lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng để thu mua để chế biến cho bà con ngay tại chỗ, từ đó giảm chi phí vận chuyển cũng như giúp họ chủ động sau thu hoạch”.  

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm