| Hotline: 0983.970.780

Liên kết đưa đặc sản lợn đen Hòa Bình về đất Cảng tiêu thụ

Chủ Nhật 23/07/2023 , 14:31 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng và Liên minh hợp tác xã tỉnh Hòa Bình phối hợp đưa đặc sản lợn đen về tiêu thụ tại đất Cảng, mở rộng thị trường cho nông dân.

Khai trương điểm bán nông sản Hoà Bình tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Khai trương điểm bán nông sản Hoà Bình tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tiềm năng lớn

Hòa Bình là tỉnh miền núi, có lợi thế và tiềm năng trong phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền, đặc biệt hiện nay đang được người tiêu dùng trong nước quan tâm tới sản phẩm lợn đen bản địa.

Dù vậy, hiện nay, đa phần quy mô chăn nuôi của các HTX và các hộ còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, còn tình trạng rời rạc trong các công đoạn từ sản xuất, thu gom, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Lợn đen Hòa Bình được đánh giá cao về chất lượng thịt. Ảnh: Đinh Mười.

Lợn đen Hòa Bình được đánh giá cao về chất lượng thịt. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, sản phẩm lợn đen bản địa Hòa Bình hiện phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm lợn bản địa, lợn rừng của các tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... khiến người dân ngày càng khó khăn hơn trong đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình, hiện tại trên địa bàn, các HTX và các hộ chăn nuôi tự do tại huyện Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc có quy mô đàn lợn trung bình từ 120 - 200 con/chu kỳ sản xuất, 1 chu kỳ sản xuất kéo dài từ 7 - 9 tháng, giá bán lợn từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ.

Về cơ bản các hộ đã có kinh nghiệm chăn nuôi lợn bản địa từ lâu, tại địa phương có sẵn nguồn thức ăn sẵn từ rau xanh và thức ăn đạm, thức ăn tinh bột như: bột ngô, bột khoai, bột sắn,...

Bên cạnh đó, giống lợn bản địa khỏe, có sức đề kháng cao hơn giống lợn nhập nội, do vậy tỷ lệ rủi ro thấp và các hộ có sẵn chuồng trại, bãi chăn thả lợn và thịt lợn bản địa hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thịt lợn đen Hòa Bình bắt đầu được bán tại một số siêu thị nhỏ. Ảnh: Đinh Mười.

Thịt lợn đen Hòa Bình bắt đầu được bán tại một số siêu thị nhỏ. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chưa có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa tạo thành chuỗi, do vậy giá bán sản phẩm còn thấp và thường bị tư thương ép giá.

Mặt khác, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong quá trình nuôi, vì vậy năng suất, chất lượng chăn nuôi còn thấp và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Và điều đáng nói là ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi cao nếu không áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

“Ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi cao nếu không áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Chăn nuôi lợn sẽ làm môi trường bị ô nhiễm nếu hộ chăn nuôi không biết cách xử lý vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân”, chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT - GĐ HTX Đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xóm Ênh, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Việc nuôi lợn đen tự phát, manh mún có nhiều rủi ro, hiệu quả không cao. Ảnh: Đinh Mười.

Việc nuôi lợn đen tự phát, manh mún có nhiều rủi ro, hiệu quả không cao. Ảnh: Đinh Mười.

Thực tiễn cho thấy sản phẩm thịt lợn đen bản địa của các HTX rất được thị trường ưa chuộng và có nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, hiện nay các thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với chất lượng thịt, đặc biệt là phải đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAHP - điều này còn một số HTX chưa đạt được do chưa sản xuất theo quy trình VietGAHP.

Bên cạnh đó, các HTX vẫn chưa liên kết trong sản xuất để tăng quy mô đàn lợn, tăng sản lượng để cung cấp đủ ra thị trường, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của thị trường hiện nay.

Theo Liên minh hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, khắc phục những hạn chế nói trên, Công ty TNHH CooPlus và các hợp tác xã ở huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu,… đã thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lợn đen bản địa VietGAHP theo chuỗi giá trị thông qua một dự án được triển khai giai đoạn 2023 - 2025.

Đây là liên kết giữa Công ty TNHH CooPlus với các HTX và các hộ chăn nuôi trong thu mua sản phẩm lợn bản địa, sau quy trình sản xuất (từ 7 - 9 tháng), lợn bản địa do các HTX và các hộ chăn nuôi tại các huyện cùng được xuất chuồng để thực hiện hợp đồng đã ký kết từ đầu vụ.

Người tiêu dùng Hải Phòng tham quan mua thịt lợn đen xứ Mường tại gian hàng của CooPlus. Ảnh: Đinh Mười.

Người tiêu dùng Hải Phòng tham quan mua thịt lợn đen xứ Mường tại gian hàng của CooPlus. Ảnh: Đinh Mười.

Mục tiêu dự án là ổn định sản xuất, liên kết chăn nuôi lợn đen bản địa với quy mô 4.000 con, sản lượng tiêu thụ năm 2023 dự kiến đạt: 80 tấn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.

Dự kiến năm 2024, 2025 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện liên kết, nâng quy mô chăn nuôi, năm 2024 là 5.000 con, sản lượng đạt 110 tấn (tăng 12,5% so với năm 2023) và đến năm 2025 là 6.500 con, sản lượng đạt 108 tấn (tăng 35% so với năm 2024).

Đến năm 2025, 100% sản phẩm của liên kết được tiêu thụ thông qua hợp đồng, giá trị sản phẩm tăng 20% so với giá thị trường.

Liên kết, mở rộng thị trường

Đây là lần đầu tiên 2 bên phối hợp cụ thể thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác với các chương trình phối hợp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại Hải Phòng và các tỉnh, thành lân cận.

Mục đích của sự phối hợp này nhằm tăng quy mô, sức lan tỏa, công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm có quy mô của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được tiêu thụ trực tiếp tại thị trường Hải Phòng.

Thịt lợn đen Mai Châu đã có mặt bày bán tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Thịt lợn đen Mai Châu đã có mặt bày bán tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Thông qua sự hợp tác này, các hợp tác xã có thêm cơ hội kết nối bền vững trong việc liên kết kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với các doanh nghiệp thương mại cũng như tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã tỉnh Hòa Bình theo phân khúc khách hàng tại những khu đô thị cao cấp.

Mặt khác, việc định kỳ tổ chức tuần lễ nông sản thực phẩm Hòa Bình tại Hải Phòng diễn ra hàng năm, sẽ góp phần giới thiệu, tạo diễn đàn quảng bá hình ảnh và truyền thông về các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Bà Đinh Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hòa Bình cho biết, thông qua chương trình, các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đạt tiêu chuẩn chất lượng, truy suất nguồn gốc, mang tính đặc trưng của địa phương.

Mặt khác, sẽ xây dựng mạng lưới liên kết giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa, chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp,… tại các tỉnh thành trên cả nước. Góp phần xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.

Đông đảo người dân Hải Phòng thích thú tìm đến mua thịt lợn đen về sử dụng. Ảnh: Đinh Mười.

Đông đảo người dân Hải Phòng thích thú tìm đến mua thịt lợn đen về sử dụng. Ảnh: Đinh Mười.

Cụ thể hóa cho sự hợp tác này, Liên minh hợp tác xã Hòa Bình đã khai trương cửa hàng nông sản thực phẩm và tổ chức tuần lễ nông sản thực phẩm Hòa Bình kéo dài 5 ngày tại khu đô thị Vinhome Marina, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.

Các mặt hàng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tuần lễ nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX có uy tín, thương hiệu với sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng cao, chủ lực là sản phẩm thịt lợn đen.

Chị Nguyễn Minh Thu, trú tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân chia sẻ: Từ lâu đã biết đến lợn đen, gà bản,… và các đặc sản của Tây Bắc nhưng ít có cơ hội được thưởng thức do không biết mua ở đâu. Nếu các mặt hàng đặc sản Tây Bắc được bà bán thường xuyên là cơ hội tốt cho người dân Đất Cảng có thêm lựa chọn cho mâm cơm hằng ngày.

“Gia đình tôi rất thích ăn đồ Tây Bắc nhưng không biết mua ở đâu, nhất là thịt lợn bản và gà đồi. Nay chỉ mất 5 phút là tôi có thể tự tay chọn lựa để nấu bữa ăn cho gia đình. Tiện lắm”, chị Thu bộc bạch.

Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Âu Việt (CLB Doanh nhân trẻ Hải Phòng) cho biết: Đây là cú hích quan trọng trong giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, không chỉ riêng Hải Phòng, Hòa Bình mà toàn bộ các sản phẩm của các tỉnh, thành. Thông qua đây, giúp cho người nông dân có thêm cơ hội để xúc tiến thương mại ra thị trường, kết nối với khách hàng nhanh nhất, không phải trải qua quá nhiều các khâu trung gian.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.