| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất thạch đen xuất khẩu chính ngạch

Thứ Hai 28/06/2021 , 15:38 (GMT+7)

LẠNG SƠN Thạch đen được coi là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn), giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Người dân xã Đội Cấn, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) trồng và chăm sóc cây thạch đen. Ảnh: Viết Cường.

Người dân xã Đội Cấn, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) trồng và chăm sóc cây thạch đen. Ảnh: Viết Cường.

Những năm qua, để nâng cao giá trị kinh tế của cây thạch đen, chính quyền huyện Tràng Định đã tìm các giải pháp giúp người nông dân xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung. Nhờ đó, hiện cây thạch đen trở thành cây chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Tràng Định được coi là thủ phủ của cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn, nhận thấy hiệu quả của giống cây này, ngay từ năm 2010, huyện đã quy hoạch vùng trồng thạch đen tại 8 xã phía Tây như: Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám…diện tích thạch đen duy trì hằng năm từ 1.500 - 2.000ha.

Để hình thành liên kết doanh nghiệp với người dân, UBND huyện Tràng Định đã kết nối, tạo điều kiện để Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ dân tại hầu hết các xã trồng thạch đen của huyện.

Đặc biệt, từ tháng 10/2020, UBND huyện Tràng Định đã phối hợp với Sở Công thương Lạng Sơn lựa chọn các xã: Cao Minh, Tân Tiến, để thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân trong tiêu thụ và cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Theo ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định: Địa phương đã và đang triển khai các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm nghiệp.

"Đồng thời, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm. Để tiến tới xây dựng chuỗi liên kết, huyện Tràng Định đã nâng diện tích, chất lượng vùng trồng, quảng bá thương hiệu đối với  cây thạch đen. Trên cơ sở chất lượng vùng trồng, thương hiệu của  sản phẩm chủ lực này, thời gian tới, huyện đã kết nối một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân" ông Thiện nói thêm.

Bên cạnh các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm, người dân còn được phổ biến các nội dung, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn đối với cây thạch, nâng cao chất lượng của sản phẩm, đảm bảo chất lượng, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch.

Cây thạch đen khô được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Viết Cường.

Cây thạch đen khô được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Viết Cường.

Để nâng cao chất lượng thạch, các xã có diện tích trồng chủ lực ở huyện Tràng Định đã thành lập các tổ hướng dẫn hội viên, người nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thạch đúng khoa học kỹ thuật; tham gia rà soát diện tích đất thuận lợi trồng thạch. Đồng thời, tuyên truyền và theo dõi việc diệt cỏ của người dân, không để người dân sử dụng thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Nhờ những việc làm quyết liệt đối với cây thạch đen, loại cây này ở Lạng Sơn chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ năm 2020, đây chính là cơ hội phát triển kinh tế lớn của Tràng Định.

Anh Chu Văn Huân, thôn Nà Noọng, xã Đề Thám cho biết: Sau khi biết thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gia đình chúng tôi đã tăng diện tích trồng thạch từ 3 sào lên 6 sào, chúng tôi thấy phấn khởi với việc trồng thạch và giá trị của nó mang lại. Gia đình tôi có thu nhập ổn định từ cây thạch để trang trải cho cuộc sống.

Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, giá trị cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đã tăng cả về quy mô và chất lượng. Năm 2021, diện tích cây thạch đen đã tăng gấp 2 lần năm trước, tương đương với khoảng 3.000 ha thạch đen. Bên cạnh đó, giá thu mua thạch đen từ đầu năm 2020 đã tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; tổng thu hằng năm trung bình được khoảng 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2017.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.