Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) và Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình triển khai mô hình liên kết với các hộ dân chuyển hóa rừng trồng keo sang rừng gỗ lớn ở thôn Cồn Cùng, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).
Theo bà Phạm Thị Mai Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt tại Quảng Bình, đây là một trong những kết quả của sự hợp tác xây dựng hợp tác xã lâm nghiệp bền vững gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC tại huyện Lệ Thủy.
![Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt tổ chức hội thảo rừng keo gỗ lớn tại xã Kim Thủy cho đối tượng là người trồng rừng. Ảnh: V. M.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/z6313708411683_ebc5c29a59aca63e091d9c7c8c67a5c7-143702_477-155231.jpg)
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt tổ chức hội thảo rừng keo gỗ lớn tại xã Kim Thủy cho đối tượng là người trồng rừng. Ảnh: V. M.
“Mong muốn của chúng tôi là thông qua hiệu quả của mô hình để tăng thu nhập cho người dân và làm nền tảng cho việc xây dựng hệ thống bảo vệ rừng bền vững”, bà Hương nói.
Tại xã Kim Thủy, hộ gia đình ông Hồ A Lai được mọi người biết đến là hộ làm ăn giỏi điển hình. Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt đã cùng hộ ông Hồ A Lai và bà Hồ Thị Huề (vợ ông Lai) (ở thôn Cồn Cùng, xã Kim Thủy), liên kết thực hiện mô hình với tổng diện tích gần 7ha.
Theo đó, vào tháng 8/2020, lô rừng keo của gia đình ông Hồ A Lai đã gần 4 năm tuổi và chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi liên kết với Trung tâm, ông Hồ A Lai đã quyết định kéo dài thời gian trồng đủ 8 năm để chuyển hoá mô hình rừng keo gỗ nhỏ thành gỗ lớn.
Ông Hồ A Lai cho hay, diện tích rừng của gia đình có hàng chục ha. “Hiện, gia đình và một số chủ rừng có diện tích nhiều đang thực hiện chuyển hóa hoặc thực hiện trồng rừng gỗ lớn từ giai đoạn đầu. Rất mong được Trung tâm, chính quyền hỗ trợ về cây giống để rừng có chất lượng tốt hơn”, ông Hồ A Lai bộc bạch.
Đến giữa tháng 2/2025, khi mô hình rừng nói trên đã đủ 8 năm tuổi, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt hỗ trợ gia đình ông Hồ A Lai thu hoạch.
![Rừng keo gỗ lớn 8 năm tuổi khai thác cho thu nhập khoảngg 180 triệu đồng/ha. Ảnh: M. H.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/z6313708745462_232267d4faceddeceece1f71a60a9a67-143724_341-155232.jpg)
Rừng keo gỗ lớn 8 năm tuổi khai thác cho thu nhập khoảngg 180 triệu đồng/ha. Ảnh: M. H.
Ông Hồ A Lai hồ hởi cho chúng tôi hay, nhờ Trung tâm đánh giá trữ lượng nên biết tổng trữ lượng của lô rừng hiện đã đạt gần 1.500m3, bình quân đạt hơn 222m3/ha; năng suất tăng trữ lượng đạt hơn 27,7 m3/ha/năm.
“Hiệu quả kinh tế của lô rừng cao hơn hẳn so với khai thác rừng keo ở 4 - 5 năm tuổi. Theo giá thị trường, lợi nhuận của lô rừng trong chu kỳ 8 năm đạt khoảng 180 triệu/ha”, ông Hồ A Lai cho hay.
Cũng theo ông Hồ A Lai, mức thu nhập bình quân mỗi năm của rừng keo gỗ nhỏ (4 - 5 năm khai thác) đạt ở mức 10 triệu đồng. Trong khi đó, mức bình quân của rừng keo gỗ lớn là 22 triệu đồng. “Thu nhập bình quân cao hơn nhiều nên bà con rất phấn khởi”, ông Hồ A lai chia sẻ.
Cũng đi khảo sát, thực tế mô hình liên kết chuyển hóa rừng keo gỗ lớn tại xã Kim Thủy, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình đánh giá cao mô hình liên kết chuyển hóa rừng keo gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở hướng đi mới cho rừng gỗ lớn tại Quảng Bình.
Hiện Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt đang tiếp tục kết nối với một số HTX Lâm nghiệp bền vững để giới thiệu liên kết chuyển hóa rừng gỗ lớn với 2 chủ rừng tại xã Trường Xuân với tổng diện tích trên 11ha.