Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với UBND xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ xây dựng mô hình thâm canh ổi theo quy trình sạch (VietGAP) gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Mô hình được triển khai trên diện tích 30ha chuyên ổi Lê Đài Loan, của 2 thôn Hòa Mục và Ngân Hạnh thuộc xã.
Bước đầu, mô hình đã được người dân trên địa bàn đánh giá là thiết thực, hiệu quả, giúp nhà nông có thêm kinh nghiệm quí giá.
Ông Trần Văn Luyến (ở thôn Ngân Hạnh) thành thật chia sẻ: Sau được tập huấn qui trình thâm canh cây ăn trái VietGAP, tôi mới thấu hiểu, trong sử dụng thuốc BVTV, không nên phối trộn thuốc trừ sâu vi sinh (Map, Bt, Biocin, Comazol) với thuốc trừ bệnh, nhất là những loại thuốc có nguồn gốc kháng sinh như, Kasuran, Kasumin…; không pha chung dầu khoáng với thuốc có gốc đồng, gốc lưu huỳnh; không dùng chung thuốc phòng trừ sâu bệnh với thuốc gốc đồng (Bordeaux, Co 85, Coper-Zinc, Coper-B); không phối trộn thuốc trừ bệnh với phân bón lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng. Trước đó, do thiếu hiểu biết tôi vẫn sử dụng hỗn hợp các loại thuốc nói trên, vừa tốn tiền thuốc, tốn công phun, không hiệu quả, lại còn gây thêm ô nhiễm môi trường sinh thái.
Anh Trần Văn Sức (cùng thôn Ngân Hạnh) cho biết, trước đây cũng vẫn hay sử dụng phân bón lá cho cây trồng theo cảm tính. Nhưng sau khi được học hỏi kỹ thuật, anh đã ngộ ra: Không được phun bón lá cho cây trồng khi đất vườn khô hạn, lúc cây đang ra hoa, có gió tây hoặc thời tiết nắng nóng. Nhiệt độ ngoài trời dưới 13 độ C hoặc trên 30 độ C đều không phù hợp phun bón lá cho cây trồng. Với cây ổi nói riêng, cây ăn trái thân gỗ nói chung, phải chĩa vòi phun vào mặt dưới lá cây mới không bị lãng phí phân bón. Phun siêu kali cho vườn ổi trước thu hoạch 1 tháng, sẽ giúp quả chắc thịt, tăng độ ngọt, tăng giá trị kinh tế.
“Kể từ khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đúng lúc, đúng cách, đúng thuốc, đúng liều lượng, tôi đã giảm được 50% chi phí mua NPK tổng hợp bón cho vườn ổi, cây sinh trưởng cân đối hơn, ít sâu bệnh hơn. Dự kiến sản lượng quả sẽ đạt 55 tấn/ha, tăng 30% so cùng kỳ năm 2019”, anh Sức phấn khởi cho biết thêm.
Anh Nguyễn Hữu Đông (ở thôn Hòa Mục), đồng ý với những chia sẻ nêu trên và nhấn mạnh thêm: Thực hiện VietGAP trên cây ổi, nhà nông giảm được đáng kể công phun thuốc BVTV, giảm nguy cơ bị ngộ độc thuốc cho người lao động trực tiếp. Đồng thời, các hộ tham gia mô hình còn được sử dụng mã số chứng nhận VietGAP để giới thiệu quảng bá sản phẩm.
Theo anh Đông, trồng 1 sào (360m2) ổi lê Đài Loan, trừ hết chi phí vật tư, mỗi năm vẫn cho thu lãi bình quân 15 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 6-7 lần so với canh tác lúa cùng chân ruộng. Có thể coi là cây giảm nghèo, làm giàu bền vững cho các nhà nông. Ưu điểm của giống ổi lê Đài Loan là, không kén đất, dễ trồng, dễ thâm canh theo qui trình VietGAP hoặc GlobalGAP, đặc biệt là rất nhanh cho thu hoạch quả (sau trồng từ năm thứ 2 đã cho khai thác kinh doanh).
Do vậy, hiện nay địa phương không còn gieo cấy lúa nữa, hầu hết chuyển sang chuyên canh ổi, tổng diện tích ước đạt hơn 100ha, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5.500 tấn quả các loại. Tuy nhiên, đa số các nhà nông ở đây vẫn còn thâm canh ổi theo cảm tính hoặc học mót lẫn nhau, nên cây trồng rất nhanh cỗi (ngoài 6 năm đã phải đốn bỏ trồng cây ghép mới). Rất mong mô hình này được nhân rộng ra toàn xã, giúp cho những người làm vườn ở địa phương có thu nhập cao hơn, bền vững hơn.
“Mô hình thâm canh ổi VietGAP, đã được Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên kiểm tra, ghi nhớ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho chế biến nước trái cây xuất khẩu. Ngoài thu mua ổi quả, Tuệ Viên còn mua lá ổi tươi, để chiết xuất tinh dầu sản xuất nước rửa chén, bát…”, chị Lê Thị Đẹp, Trạm Khuyến nông huyện Yên Mỹ thông tin.