Giảm mạnh phân bón, thuốc BVTV nhờ IPM
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, chỉ tính từ 2015 đến nay, trên địa bàn Hải Phòng, việc đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng đã góp phần tăng việc sử dụng phân bón hữu cơ tăng từ 10 - 30%, giảm phân bón vô cơ từ 10 - 20%, tăng mạnh về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học thảo dược, giảm thuốc BVTV hóa học từ 10 - 35%, giảm được lượng giống từ 10 - 30% cho nông dân.
Bên cạnh đó, đã tăng năng suất cây trồng từ 5 - 15%, gia tăng giá trị canh tác, nâng cao hiểu biết của người dân về chương trình IPM, góp phần vừa đảm bảo nông sản an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.
Bằng nguồn kinh phí được cấp, ngành nông nghiệp ở Hải Phòng đã mở được lớp T.o.T cho văn phòng Chi cục Trồng trọt - BVTV và Trạm Trồng trọt - BVTV của 6 huyện, quận. Các học viên được đào tạo giảng dạy, tổ chức lớp học huấn luyện IPM là nòng cốt để tổ chức triển khai các nội dung chương trình IPM cho người dân.
Giai đoạn 2015 - 2020, đã tổ chức được 16 lớn tập huấn, huấn luyện cho người nông dân thực hiện chương trình IPM trên cây rau màu, đào tạo được 480 học viên nông dân, thực hiện 26 mô hình IPM trên cây rau và cây hoa với diện tích là 130ha và 15 mô hình áp dụng trên cây lúa với diện tích 150ha.
Những nông dân được tham gia các lớp đào tạo IPM đã giúp lan tỏa, phổ biến rộng rãi IPM, chuyển giao ra sản xuất trên diện rộng với các mô hình áp dụng IPM tại các địa phương.
Bên cạnh IPM, ngành nông nghiệp Hải Phòng cũng lồng ghép thực hiện các chương trình như “3 giảm, 3 tăng”, SRI (canh tác lúa cải tiến) trong sản xuất lúa hữu cơ cũng như sản xuất rau an toàn…, đảm bảo nông sản an toàn, chất lượng và giảm thiểu thấp nhất nguy cơ tồn dư hóa chất do thuốc BVTV ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, IPM là chương trình hết sức quan trọng với Hải Phòng nên luôn được quan tâm sát sao trong từng mùa vụ sản xuất.
Do vậy, trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực trồng trọt thực hiện tốt các nguyên tắc của chương trình IPM và đã thu được những kết quả ấn tượng trong việc quản lý dịch hại trên cây trồng.
Ngành NN-PTNT Hải Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Thành phố xây dựng các kế hoạch cụ thể và lồng ghép vào các chương trình trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có quan tâm thực hiện chương trình IPM.
Cũng theo ông Tùng, Hải Phòng không xây dựng đề án riêng về IPM trong 5 năm qua, bởi việc thực hiện các kế hoạch về IPM là một quá trình dài hơi, xuyên suốt, cần linh động và nhanh hơn so với việc thực hiện các chương trình đề án.
Thay vào đó, Hải Phòng ưu tiên cho việc xây dựng các đề án cho những vấn đề mới, những vấn đề khó khăn cần phải có chính sách đột phá để thúc đẩy ứng dụng vào sản xuất.
“IPM không phải là chương trình mới, không phải là chương trình khó mà đây là chương trình quan trọng để quản lý dịch hại tổng hợp. Do vậy, cần những biện pháp linh hoạt hơn, đó là cần lập các kế hoạch cụ thể từng năm để phù hợp với từng thời điểm, thời kỳ, phù hợp với sự chỉ đạo của Thành phố trong phát triển nông nghiệp”, ông Tùng nói.
Nhờ linh hoạt trong triển khai chương trình IPM, Hải Phòng là địa phương làm tốt chương trình này ở vùng ĐBSH. Nếu như bình quân vùng ĐBSH dùng khoảng 1,5 – 1,8 kg thuốc bảo vệ thực vật cho 1 ha canh tác, nhưng riêng Hải Phòng chỉ ở mức 1,2 kg/ha.
Số liệu tổng hợp mới nhất, có đến 44/48 nghìn ha đất trồng lúa trong 1 năm ở Hải Phòng được áp dụng IPM. Điều này giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng nông sản và bảo tồn thiên địch tự nhiên theo đúng nguyên tắc của chương trình IPM.
Không thiếu kinh phí
Việc thực hiện chương trình IPM dựa trên 4 nguyên tắc chính là cây khỏe, bảo vệ thiên địch, nông dân trở thành chuyên gia và thăm đồng thường xuyên. Trong những năm qua, Hải Phòng luôn quan tâm và có nguồn kinh phí đảm bảo để chương trình IPM phát huy tốt hiệu quả.
Bằng nguồn vốn lồng nghép của chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn, các mô hình khuyến nông, các chương trình tập huấn chuyên sâu của ngành BVTV... đã được chú trọng chỉ đạo triển khai.
Thời gian tới, trong lĩnh vực trồng trọt, Hải Phòng sẽ tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu và hoa cây cảnh… Theo đó, tiếp tục xem IPM là một trong những mục tiêu chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Thành phố.
Chương trình IPM được triển khai ở Hải Phòng từ năm 1993, đến nay, chương trình đã giúp nâng cao trình độ canh tác của nông dân trong việc thâm canh lúa như sử dụng giống, phân bón và thuốc BVTV hợp lý, có hiệu quả.
Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, đã giúp nông dân nhận biết được các đối tượng sâu bệnh hại, loài thiên địch có ích trên đồng ruộng và giúp nông dân lựa chọn, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, ít độc hại với môi trường, đồng thời giúp nông dân loại bỏ việc sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục trong sản xuất rau.
Sau các đào tạo kiến thức IPM cho những nông dân nòng cốt tại các địa phương, lực lượng này đã tích cực tuyên truyền và phổ biến cho cộng đồng, làng xóm cùng thực hiện.
Thông qua IPM, nông dân đã biết chọn giống tốt phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, cấy thưa hơn, sử dụng phân cân đối hợp lý hơn, giảm số lần dùng thuốc trừ sâu bệnh. Qua đó, đã giúp nông dân chủ động, tự tin hơn trong việc quản lý đồng ruộng, tăng thêm thu nhập.
Những năm gần đây, cơ cấu giá trị sản xuất trồng trọt của Hải Phòng giảm, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi để sử dụng sang các mục đích khác, đặc biệt là những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, giá trị sản xuất những năm gần đây vẫn ổn định, đạt trên 4.000 tỷ đồng, an ninh lương thực được đảm bảo.
Bên cạnh đó, công tác phòng trừ sâu bệnh hàng năm tại Hải Phòng được các cơ quan chuyên môn quan tâm thực hiện. Công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sâu bệnh hại được triển khai ngay từ đầu vụ sản xuất, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời và thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới
Các địa phương triển khai áp dụng IPM, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Trong chăm sóc lúa, ngành nông nghiệp Hải Phòng tiếp tục nâng cao các ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, sử dụng các các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phát triển các loại phân bón thế hệ mới đa chủng, đa chức năng thay thế phân đơn giúp nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất để có năng suất, hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.
“Bất cứ nguồn kinh phí nào, từ các sở, ngành, địa phương được sử dụng cho chương trình IPM đều hướng tới mục tiêu lan tỏa, phát huy hiệu quả tốt nhất của chương trình này trong sản xuất. Dù không có đề án riêng, nhưng Hải Phòng luôn chú trọng huy động tối đa nguồn lực cho chương trình IPM trên cơ sở các chương trình, dự án, đề án khác. Vì vậy, có thể nói nguồn lực giành cho IPM của Hải Phòng là không thiếu, và cũng không hề nhỏ. Nếu tính cả Thành phố, nguồn chi cho chương trình IPM hàng năm lên tới nhiều tỉ đồng”, ông Bùi Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng khẳng định.