| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại Intracom làm thủy điện, bức tử thác Rồng

Thứ Bảy 22/04/2023 , 08:37 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) sẽ đầu tư xây dựng dự án thủy điện Tà Lơi 1 khiến thác Rồng đối mặt nguy cơ cạn nước.

Thác Rồng, nơi cung cấp nguồn nước quý cho bà con dân tộc Mông canh tác nay tạo thêm cơ hội cho bà con làm du lịch. ảnh: Hải Đăng.

Thác Rồng, nơi cung cấp nguồn nước quý cho bà con dân tộc Mông canh tác nay tạo thêm cơ hội cho bà con làm du lịch. ảnh: Hải Đăng.

Intracom đầu tư thủy điện thứ 3 ở mảnh đất nghèo

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) có trụ sở chính tại toà nhà Intracom 2 thuộc phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Ông Nguyễn Thanh Việt là người đại diện công ty, đồng thời cũng làm chủ đầu tư dự án thủy điện Tà Lơi 1. Công trình thủy điện Tà Lơi 1 nằm ở xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai), chiếm dụng tới 47,4ha đất và rừng.

Công trình thủy điện Tà Lơi 1 có công suất 15MW với tổng mức đầu tư lên tới 561 tỷ đồng.

Cũng tại khu vực này, Intracom đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy thủy điện khác gồm thủy điện Tà Lơi 3 và thủy điện Tà Lơi 2.

Công trình thủy điện Tà Lơi 3 được xây dựng vắt qua xã Mường Hum và xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Thủy điện này có công suất chỉ 7,5MW, vốn đầu tư 176 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 3/2010 và hoàn thành tháng 11/2012.

Sau đó, Intracom tiếp tục đầu tư xây dựng thủy điện Tà Lơi 2 trên ngòi Tà Lơi tại xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai). Thủy điện có công suất lắp máy 12MW với 2 tổ máy, tổng mức đầu tư 262 tỷ đồng. Cho đến năm 2016, Thủy điện Tà Lơi 2 hoàn công và mới được đưa vào sử dụng.

Chưa dừng lại tại đây, hiện nay, Intracom tiếp tục đầu tư dự án thủy điện Tà Lơi 1 cũng tại xã Trung Lèng Hồ; đưa tổng số nhà máy thủy điện của Intracom trên mảnh đất nghèo khó này lên con số 3.

Điều đáng nói, việc xây dựng dự án thủy điện Tà Lơi 1 có hồ chứa được xây dựng và sử dụng những nguồn nước ngay phía trên của thác Rồng - một địa danh du lịch mới nổi gần đây của huyện Bát Xát.

Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế mà thủy điện mang lại thì cũng sẽ có nguy cơ cao tác động tới cảnh quan môi trường, lưu lượng nước, đa dạng sinh học ở đây này.

Đặc biệt, thủy điện Tà Lơi 1 chắc chắn sẽ tác động, làm ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch của Lào Cai nói chung và của bà con dân tộc thiểu số ở Trung Lèng Hồ nói riêng.

Thác Rồng được tạo bởi 3 dòng suối chính là suối Li Lử Hồ, Trung Hồ và Tà Lai. Trong đó, dòng suối Li Lử Hồ là dòng chính chảy từ trên đỉnh thác xuống tạo thành thác Rồng, 2 dòng suối Trung Hồ và Tả Lai thấp hơn, đổ trực tiếp vào hồ nước của thác Rồng.

Các con suối này kết hợp mang lại cho thác Rồng vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ; phương án đắp đập, ngăn nước từ hai dòng suối Li Lử Hồ và Tà Lai sẽ không phù hợp, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tự nhiên chảy vào thác Rồng. Từ đó, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái xung quanh khu vực thác.

Cuộc sống dưới một nếp nhà ở thôn Trung Hồ thuộc xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng

Cuộc sống dưới một nếp nhà ở thôn Trung Hồ thuộc xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng

Thác thiêng của bà con dân tộc Mông

Những năm gần đây thác Rồng bắt đầu được nhiều du khách biết và đến khám phá. Thác này đã mở ra cơ hội cho người dân bản địa làm du lịch. Thế nên việc cắt bớt nguồn nước của thác cũng coi như lấy mất cơ hội phát triển kinh tế du lịch của bà con nơi này.

Thủy điện Tà Lơi 1 sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống của bà con thôn Trung Hồ và thôn Pờ Hồ thuộc xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) cũng như ảnh hưởng đến thủy lợi, sản xuất nông nghiệp…

Thôn Trung Hồ nằm chót vót trên đỉnh núi, đường lên khúc khủy, qua nhiều con dốc dựng đứng. Từ hàng trăm năm trước bà con dân tộc Mông đã sinh sống ở đây.

Theo người dân bản địa, trước đây, ở Trung Hồ cao có rất nhiều hộ sinh sống sau họ di chuyển dần xuống Trung Hồ thấp. Tuy nhiên, hiện nay cả hai được gọi chung là thôn Trung Hồ.

Thác Rồng cách trung tâm thôn không quá xa và được ví như tiên cảnh giữa núi rừng Tây Bắc. Mặc dù, thác Rồng chưa được công nhận là điểm du lịch chính thức nhưng không ngăn nổi bước chân của du khách ưa thích khám phá vùng đất mới.

Ông Vừ A Ly, người dẫn đường cho biết, “từ xa xưa, trái đất sinh thành đã có thác này và được được các cụ đặt tên là thác Rồng. Thế hệ này, chúng tôi vẫn giữ lại tên cũ để giới thiệu cho du khách. Thác Rồng rất hùng vĩ, nhưng xưa kia những người ông, người cha không dám vào đây vì nước của thác là để uống, để tưới cho cây ngô, cây lúa… nên rất thiêng liêng. Gần đây, thác Rồng mới được khai thác du lịch, là điểm rất thú vị cho du khách khắp nơi đến khám phá”.

Có du khách, thôn bản cũng vui hơn, bà con bán được sản vật địa phương hoặc do mình làm ra như con gà, con lợn, mớ rau… Cùng với thóc, ngô, thảo quả, thì nay mở ra thêm cơ hội làm du lịch cho bà con dân tộc thiểu số ở đây.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, chưa được thụ hưởng gì thiên nhiên ban tặng mà bà con giữ gìn bấy lây thì dự án thủy điện Tà Lơi 1 được mang ra bàn thảo. Không ít ý kiến lo ngại của bà con, thủy điện lấy nước đầu nguồn, rồi mất nước, mất cả kế sinh nhai và cơ hội thoát nghèo của họ.

“Tôi rất băn khoăn nếu để thủy điện chặn mất dòng thác này thì chắc chắn sẽ mất đi cảnh đẹp và không thuận lợi cho bà con cũng như du khách đến thưởng ngoạn. Tâm nguyện của tôi cũng như của bà con là nếu được chọn thì đầu tư cho du lịch sẽ mang lại hiệu quả rộng lớn hơn. Còn đầu tư cho thủy điện thì chỉ mang lại lợi ích cho một công ty, tổ chức… là nhiều. Bà con nhân dân ở đây vẫn phải có tiền mới được sử dụng điện”, ông Vừ A Ly nói.

Ông Nguyễn Thanh Việt được biết đến nhiều với vai trò “cá mập” trong chương trình Shark Tank Việt Nam với những thương vụ đầu tư khủng dành cho startup. Hiện ông đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom).

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.