| Hotline: 0983.970.780

Lo nhất các địa phương không có tiền trả người trồng rừng

Thứ Sáu 12/08/2011 , 10:25 (GMT+7)

Ngân sách Chính phủ phân bổ cho trồng rừng cho đến thời điểm này mới vẻn vẹn 500 tỉ đồng, bằng 25% nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch. PV NNVN đã trao đổi với ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về vấn đề này.

 Hiện vốn để đầu tư phát triển rừng đang thiếu trầm trọng, vậy thông tin phản hồi từ các địa phương về thực trạng bảo vệ và phát triển rừng tính đến cuối tháng 7 năm 2011 như thế nào, thưa ông?

 Năm 2011 là năm có nhiều khó khăn về vốn đối với ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên do yêu cầu của công tác bảo vệ và phát triển rừng, Bộ đã luôn bám sát, đôn đốc các địa phương khắc phục khó khăn, huy động các nguồn vốn để phát triển rừng. Theo báo cáo của các tỉnh đến ngày 29/7, chúng ta đã trồng 86.035 ha rừng, bằng 70% so với cùng kì, khoanh nuôi tái sinh rừng 367.631 ha bằng 91,9% so với cùng kì, khoán bảo vệ 2.570.758 ha bằng 113% so với cùng kì, chuẩn bị cây giống 337 triệu cây, bằng 99% so với cùng kì. Số liệu trên cho thấy các địa phương đang nỗ lực rất lớn khắc phục khó khăn. 

Có ý kiến cho rằng, nguồn vốn năm nay bị tắc là do Bộ NN-PTNT đã không chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch gối đầu sau khi kết thúc chương trình 5 triệu ha rừng?

Không hẳn như vậy, vì chúng ta đã có hẳn một Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020. Và để chuẩn bị cho kế hoạch 2011, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương, từ tháng 9/2010 Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 2944/BNN-TCLN gửi Thủ tướng và các Bộ liên quan về nhiệm vụ kế hoạch và vốn cho công tác bảo vệ rừng và Thủ tướng đã có văn bản đồng ý tiếp tục bố trí vốn để thực hiện. Tiếp đó, Bộ NN - PTNT lại có văn bản gửi Bộ KH- ĐT, Bộ Tài chính và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chi tiết kế hoạch và vốn cho từng tỉnh.

Như vậy là Chính phủ phê duyệt kế hoạch, giao chỉ tiêu trồng rừng nhưng lại không cấp vốn để thực hiện?

Vướng mắc ở chỗ để tiếp tục một chương trình mới cho lâm nghiệp thì cần phải tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình 5 triệu ha rừng. Mà chương trình 5 triệu ha rừng thì 31/12/2010 kết thúc, trong khi xây dựng kế hoạch thực hiện và cơ cấu vốn thì phải thực hiện sớm hơn, vì vậy không thể nào có đánh giá tổng kết được. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vốn trong ngắn hạn như hiện nay.

 Nhu cầu vốn trồng rừng thực tế xấp xỉ 1.900 tỉ nhưng cho đến nay vốn Chính phủ mới cấp được 500 tỉ. Với số vốn này các tỉnh đã cố gắng bù đắp thêm để đạt kế hoạch 6 tháng đầu năm nhưng liệu các tỉnh có thể tiếp tục xoay xở nếu nửa cuối năm 2011 không có thêm vốn ngân sách rót về?

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn cho 62 huyện nghèo thuộc Nghị Quyết 30a. Nhu cầu vốn cho khoán bảo vệ rừng và trồng rừng của các huyện nghèo là 494 tỉ nhưng mới được cấp 116 tỉ, còn thiếu 378 tỉ. Đối tượng chính trong việc bảo vệ và phát triển rừng là người dân nghèo, là đồng bào dân tộc. Hiện các địa phương mới giao khoán hợp đồng cho dân nhưng chưa có tiền trả. Lo ngại nhất của chúng tôi là ở khâu này.

Sau khi có kế hoạch, từ đầu năm các địa phương đã triển khai trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Do vậy, nếu từ nay đến cuối năm, nếu không có tiền cấp cho các địa phương chi trả cho dân thì rất đáng ngại. Để đảm bảo an sinh xã hội, Bộ NN-PTNT vừa có ý kiến đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ để trả cho người dân thực hiện các nhiệm vụ trồng rừng 2011. Chi phí cấp bù ở mức tiết kiệm nhất cũng phải 920 tỉ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các huyện 30a. 

Trước mắt các địa phương cần phải làm gì để khắc phục khó khăn?

Như con số của các địa phương báo cáo, chúng ta đã chuẩn bị 337 triệu cây giống. Số cây giống này chắc chắn phải được đem trồng, không có cách nào khác. Vì vậy, các tỉnh nên cân đối số vốn đã được giao đồng thời huy động thêm các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp cho trồng rừng sản xuất, vốn từ quỹ bảo vệ và phát triển rừng, vốn từ nguồn hỗ trợ nước ngoài cho bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ để giải quyết khó khăn trước mắt. Nguồn vốn còn thiếu Chính phủ sẽ cân đối cấp bù vào năm 2012.

Ông chắc chắn rằng sang năm 2012, tình hình sẽ được cải thiện? 

Về vốn ngân sách nhà nước cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 -2020 Chính phủ đã cho chủ trương tại nghị quyết 83 rồi. Theo đó, mỗi năm ước sẽ có khoảng trên dưới 1.500 tỉ cho đầu tư phát triển rừng. Ngoài ra chúng ta có thể nhìn thấy nguồn vốn từ quỹ bảo vệ phát triển rừng hàng năm thu khoảng 1.000- 1.500 tỉ, rồi vốn hỗ trợ nước ngoài, vốn doanh nghiệp và của dân sản xuất cũng được khoảng 2.000 tỉ nữa. Như vậy có thể thấy trong tương lai người trồng rừng sẽ không quá lo về vốn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.