| Hotline: 0983.970.780

Lộ trình cho quả thanh long 'cất cánh'

Thứ Năm 06/06/2019 , 13:49 (GMT+7)

Ngày 5/6 tại TP.HCM diễn ra hội thảo quốc gia về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp...

Hội thảo nằm trong nội dung hợp tác song phương giữa Việt Nam và New Zealand trong việc phát triển giống thanh long chất lượng cao, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Đại sứ New Zealand tại Việt Nam tổ chức.

17-46-53_1
Thu hoạch thanh long. Ảnh: Phương Chi.

Đây là dự án phát triển giống trái cây cao cấp cùng nhiều chương trình đã được triển khai hiệu quả. Đây cũng là những lộ trình nhằm giúp cho trái thanh long cũng như nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam hướng tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính…
 

Đẩy mạnh bảo hộ giống

Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Thanh long cũng được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc và tập trung chủ yếu tại tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Với diện tích trồng khoảng 53.000 ha, trong đó Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất khoảng 27.000 ha.

Theo thống kê, rau quả Việt Nam được xuất khẩu trên 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Úc… với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD năm 2018. Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu đến 2020 kim ngạch xuất khẩu riêng ngành trái cây Việt Nam sẽ đạt 3,6 tỷ đô la Mỹ. Để đạt được điều đó thì nhiều chương trinh giải pháp cấp bách được tiến hành trong đó có việc tổ chức lại sản xuất và phát triển thị trường, tập trung vào những thị trường lớn.

TS.Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết: Cây thanh long trong những năm gần đây phát triển diện tích rất nhanh và giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh. Thực tế, trong vòng 13 năm qua, diện tích cây thanh long của Việt Nam đã gấp 5 lần và cũng là quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu thanh long trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay đang phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu cho nên cần phải có những giống mới phù hợp.

Ông Andrew Mackenzie, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand chia sẻ: “Việc đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao. Tuy nhiên, để thành công trong việc đầu tư các giống cây trồng mới thì cần phải biết cách bảo vệ và khai thác hiệu quả”.

Ông Andrew Mackenzie dẫn chứng cụ thể: Trước đây, mới đầu giống táo Kiwi Hayvard được phát triển mạnh ở New Zealand và sau đó giống này đã được nhân rộng trên toàn cầu. Năm 2018, lợi nhuận cho mỗi sản phẩm giống Kiwi ZESPRI Gold của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand cao hơn giống Kiwi Hayward khoảng 27% còn lợi nhuận cho nông dân cũng cao hơn tới 90%.

Theo bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, mục tiêu của Chương trình Viện trợ New Zealand nhằm nhằm phát triển sự thịnh vượng và ổn định chung thông qua việc sử dụng những kiến thức và kĩ năng tốt nhất của New Zealand. Tại Việt Nam, New Zealand hỗ trợ trong các lĩnh vực như nông nghiệp; phát triển giáo dục và kĩ năng; quản lý rủi ro thiên tai. Tổng số tiền tài trợ trong từ 2015 đến 2018 cho Việt Nam là 26,6 triệu đô la New Zealand.

TS.Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cũng cho rằng: “Đây là dự án lần đầu tiên triển khai để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về công nghệ thiết bị sơ chế thanh long và nhà đóng góp đúng tiêu chuẩn để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Đây chính là một tiền đề và là lộ trình để khi kết thúc dự án này thì sẽ xây dựng dự án mới để đầu tư công nghệ thiết bị một cách bài bản, hoàn chỉnh hơn”.
 

Kinh nghiệm từ New Zealand

Theo Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand, bí quyết thành công của New Zealand với các giống cây mới đó là từ kết quả của việc triển khai đồng bộ những yếu tốt quan trọng như giống chất lượng cao vượt bậc so với những giống hiện có, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và công nghệ sau thu hoạch cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, triển khai các hệ thống sản xuất và sau thu hoạch bền vững; áp dụng kiểm soát chất lượng có truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và bảo hộ bản quyền giống cây trồng mới…

Ông Peter Landon – Lane, Giám đốc điều hành Công ty T&G Global cho biết: “Công ty T&G của chúng tôi đang bán nông sản, trái cây tươi tại 60 quốc gia trên thế giới. 3 giống táo cao cấp và độc quyền của T&G như Scifresh, Scilate và Sciros, hiện đang được trồng trên toàn cầu diện tích khoảng 5.500 ha, với tổng sản lượng khoảng 70 triệu tấn. Diện tích tuy không nhiều nhưng đã mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất trên thị trường với các loại táo khác”.

Theo ông Peter Landon – Lane, các giống táo này đều có bản quyền và sở hữu trí tuệ riêng trên từng nước đang trồng những giống táo và với mô hình thương mại hóa này cũng có thể áp dụng tốt cho giống thanh long của Việt Nam.

"Trái thanh long Việt Nam hoàn toàn phát triển theo hướng thương mại hóa như vậy. Việt Nam nên tập trung xây dựng thương hiệu tốt cho trái thanh long với chất lượng và mẫu mã riêng biệt sẽ khiến cho thị trường tiêu thụ tốt hơn", ông Peter Landon – Lane chia sẻ.

17-46-53_2
Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Phương Chi.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt: Mặt hàng trái cây Việt Nam rất có lợi thế và có khả năng cạnh tranh tốt, lành mạnh với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc tuyên truyền để mọi người hiểu được về trách nhiệm sản xuất giống và xây dựng bản quyền bảo hộ giống cây trồng, cây ăn trái còn rất hạn chế.

Ngoài thanh long thì cây xoài cũng đang rất có lợi thế cạnh trang và hiện đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Quốc tế đánh giá chất lượng quả xoài Việt Nam rất tốt và người tiêu dùng quốc tế rất ưa chuộng. Tuy nhiên, về công nghệ sau thu hoạch phải được đẩy mạnh và trong sản xuất cần phải có kiểm soát để giúp trái xoài kéo dài thời gian xuất khẩu sang các thị trường khó tính nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt: Với việc giúp đỡ của Chính phủ New Zealand triển khai dự án này đã giúp cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức được thị trường và tiếp cận được KHCN mới.

Cục Trồng trọt cũng sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT có định hướng dài hơi hơn về KHCN và định hướng tốt hơn về vấn đề chế biến, thị trường để phát huy được lợi thế của ngành trái cây Việt Nam để không chỉ dừng lại ở mốc 4,5 tỷ USD năm 2020 mà còn vượt xa hơn nữa…

  • Tags:
Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.