| Hotline: 0983.970.780

Loại bỏ phân bón rởm, cách nào?

Thứ Hai 23/09/2013 , 10:11 (GMT+7)

Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ NN-PTNT đã cùng tổ chức một hội nghị bàn về thực trạng và những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh lại thị trường phân bón.

* Đại lý, nông dân cũng làm, bán phân bón rởm

Trước thực trạng phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác, kém chất lượng, phân bón nhập lậu… đang hoành hành, cuối tuần qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ NN-PTNT đã cùng tổ chức một hội nghị bàn về thực trạng và những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh lại thị trường phân bón.

Chẳng hơn gì đất!

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón giả, nhái nhãn mác, kém chất lượng (gọi chung là phân bón rởm), đang “nở rộ như hoa mùa xuân”. Hiện có nhiều kiểu sản xuất, kinh doanh phân bón rởm. Thứ nhất là tình trạng nhiều công ty, cơ sở nhỏ làm phân bón nhái nhãn mác của công ty lớn. Có hơn 100 cơ sở nhỏ và trên 30 doanh nghiệp đang làm ăn kiểu này.

Điển hình như các công ty Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang… đã làm nhãn mác của các công ty, tập đoàn Bình Điền, Super Phốt phát Lâm Thao, Phân bón Miền Nam, Quế Lâm, Năm Sao… Những loại phân bón nhái nhãn hiệu này có chất lượng rất thấp. Có lô hàng ngoài bao bì ghi NPK 16-16-8-13, tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%. Nhưng khi cơ quan chức năng thu giữ và đem kiểm định thì chất lượng thực tế chỉ là N 1,4%, P2O5 0,6%, K2O 0,03% và S 1,5%, tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,99%. Với chất lượng quá thấp như trên, thì thứ phân bón này chẳng hơn gì đất.


Một vụ phân bón giả bị phát hiện ở TP.HCM

Thứ hai là một số loại urê nước mà thực chất là phân rởm. Cty Miwon sản xuất phân bón MVL dạng lỏng (gọi là urê nước) rồi tung ra thị trường. Loại phân bón này đã làm cho một số cây trồng bị chết, số khác không phát triển được. Hay một số cơ sở đã lấy vài thìa canh urê bột pha vào can 5 lít nước rồi đem chào bán với giá 50.000 đ/can. Họ giới thiệu với nông dân rằng đây là urê nước đậm đặc, vừa tốt cho cây phát triển, vừa góp phần chống hạn ở vùng Tây Nguyên, Phú Yên, Yên Bái… Thứ 3 là giả nhãn mác phân bón nhập khẩu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp không có tên trong hệ thống kinh doanh phân bón, đã nhái nhãn mác, bao bì các loại phân bón nhập khẩu như DAP, kali, SA của các Cty Vinacam, CP Vật tư nông sản, XNK Hà Anh, TSC Cần Thơ... Khi thu giữ những loại phân bón giả nhãn mác phân nhập khẩu này, cơ quan chức năng đem kiểm nghiệm thì thấy toàn là bột gạch, bột đá, đất sét, bột cao lanh…

Một số công ty sản xuất phân bón rởm tiếp cận bán hàng tới nông dân thông qua hình thức hội thảo, Hội Nông dân. Cty VD (TP.HCM) thuê một quán cà phê ở Tiền Giang mời nông dân đến uống cà phê rồi mang một loại phân bón ra thuyết trình rằng đây là thứ phân bón đặc hiệu. Nông dân tưởng thật, mua về bón cho hoa khiến cho hơn 5.200 giỏ hoa bị chết. Hay Cty Thabico (Tây Ninh) liên hệ với Hội Nông dân huyện Cư Jut (Đăk Nông) nhờ tập hợp nông dân để hội thảo. Sau khi nghe Cty này “nổ” về chất lượng phân bón của mình, nhiều nông dân đã mua về dùng khiến cho cà phê, ngô bị rụng lá, chết hàng loạt...

6 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý Thị trường trong cả nước đã phát hiện 258 vụ vi phạm phân bón các loại (nhãn mác, chất lượng, nhập lậu, phân giả...); tịch thu trên 705 tấn, 73 chai và 43 gói phân bón các loại... Nhưng ông Đỗ Thanh Lam thừa nhận kết quả trên chưa phản ánh đúng thực tế thị trường phân bón rởm hiện nay.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, phân bón rởm không chỉ còn ở mức những vụ nhỏ lẻ mà đã có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn. Đặc biệt đã có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón rởm Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam. Lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, nhiều đối tượng đã nhập lậu phân bón rởm Trung Quốc rồi bỏ bao bì cũ, dùng bao bì mới có màu sắc khác, có ghi tiếng Anh, để dễ vận chuyển, hợp thức hóa đơn, chứng từ, đưa vào nội địa tiêu thụ. Phân bón rởm Trung Quốc đã được tiêu thụ từ các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai, đến các tỉnh trên tuyến đường vận chuyển như Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, tới các tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm từ Bắc vào Nam như Thái Bình, Nam Định, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang... Ngay cả vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... cũng đã có mặt phân rởm từ Trung Quốc.

Đối tượng vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón rởm cũng đã đa dạng hơn nhiều so với trước đây, từ các doanh nghiệp tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư thương, hộ buôn bán nhỏ, lẻ... Thậm chí có cả những hộ nông dân cũng mua tích trữ phân bón rởm với giá rẻ rồi bán lại cho các hộ nông dân khác. Nổi cộm nhất hiện nay là tình trạng nhiều đại lý cũng tự sản xuất phân bón. Ông Nguyễn Tấn Đạt, GĐ Cty CP Phân bón Miền Nam, cho hay, có những đại lý mà cơ sở sản xuất rất nhỏ hẹp, vậy mà cũng đang làm tới 6 loại phân bón.

Phải xiết chặt ngay từ khâu cấp phép

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) chỉ ra một bất cập lớn trong cấp phép sản xuất phân bón hiện nay. Đó là những doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, thiết bị đàng hoàng để sản xuất phân bón đúng chất lượng thì phải trải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau, và phải tốn ít nhất 2 năm mới có thể đưa một sản phẩm phân bón ra thị trường. Còn những cơ sở làm phân bón rởm chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng mua mấy thứ thiết bị dạng “cuốc xẻng”, hoặc thậm chí không cần sắm nhà xưởng, thiết bị mà đi thuê một cơ sở nào đó làm gia công phân bón cho mình, là đã có thể nhanh chóng tung ra thị trường hàng chục loại phân bón rởm với nhãn mác bắt mắt.

Với những hạn chế, bất cập lớn như trên, rõ ràng những quy định hiện nay đều đã không còn hợp thời, không đủ sức để ngăn chặn, đẩy lùi và triệt tiêu hoàn toàn phân bón rởm. Vì thế, cần sớm phải có những quy định, chế tài mới. Ông Hoàng Văn Tại, TGĐ Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, cho rằng, trước hết phải xiết chặt ngay từ khâu cấp giấy phép sản xuất phân bón. Ở nhiều nước, số lượng doanh nghiệp sản xuất phân bón rất ít vì điều kiện để được sản xuất phân bón rất khắt khe. Trong đó có yêu cầu doanh nghiệp phải tự nghiên cứu hay liên kết với một cơ quan khoa học để nghiên cứu ra sản phẩm phân bón của riêng mình. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, các cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm tra sản xuất phân bón từ gốc, tức là ở ngay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón. Chẳng hạn, nếu cơ sở nào quảng bá phân bón của mình là công nghệ Mỹ hay Nhật thì cơ sở đó phải chứng minh có hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay nếu sản xuất loại phân bón có chất lượng, sản lượng thế này thì các thiết bị của cơ sở đó có đáp ứng được hay không...

Còn theo ông Đỗ Thanh Lam, cần xem xét, rút kinh nghiệm từ bài học chống gia cầm nhập lậu để có thể áp dụng vào việc triệt phá, ngăn chặn phân bón rởm nhập lậu từ Trung Quốc. Đó là có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ; sự ra quân quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành từ biên giới cho tới nội địa; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ủng hộ; tổ chức đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Kim Liên cho biết, Nghị định mới về quản lý phân bón đã được trình lên Chính phủ trong tháng 9 này. Theo đó, phân bón phải là ngành sản xuất có điều kiện. Doanh nghiệp nào muốn sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng... Khi Nghị định này được ban hành và có hiệu lực, chắc chắn sẽ loại bỏ được rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón yếu kém, qua đó hạn chế được tình trạng phân bón rởm tràn lan như hiện nay.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.