| Hotline: 0983.970.780

Bà con dân tộc thiểu số có 'của ăn, của để' nhờ kinh tế rừng

Thứ Năm 04/05/2023 , 15:40 (GMT+7)

Hàng nghìn hécta quế đã được trồng và đang mang lại nguồn thu nhập, thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Phú Thọ.

Cán bộ kiểm lâm cùng bà con kiểm tra đồi rừng sản xuất ở khu Nhồi, xã Trung Sơn (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Hải Đăng

Cán bộ kiểm lâm cùng bà con kiểm tra đồi rừng sản xuất ở khu Nhồi, xã Trung Sơn (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Hải Đăng

Thu hàng trăm triệu từ cây quế

Cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái của những khu vực vùng núi huyện Yên Lập (Phú Thọ). Hiện cây trồng này đang được nhiều người dân nơi đây lựa chọn là cây lâm nghiệp trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế đồi rừng. 

Xã Trung Sơn của huyện Yên Lập có diện tích tự nhiên hơn 9.700ha trong đó 90% là đất quy hoạch lâm nghiệp. Xã này cũng là địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn nhất tỉnh Phú Thọ với hơn 6.000ha và gần 2.600 ha rừng phòng hộ.

Thôn Nhồi thuộc xã Trung Sơn có 96 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Mường, Dao… Kể từ khi cây quế được đưa về vùng đất này, nó đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con.

Bà Đinh Thị Linh, người dân tộc Mường, Bí thư chi bộ thôn Nhồi, xã Trung Sơn cho biết, từ năm 1988-1989 gia đình bà sinh sống ở đây, bước đầu tiên được Nhà nước vận động trồng quế và được cho 300 cây giống. Sau đó, gia đình bà đem về trồng xen canh cùng cây sắn. Tới năm 1991-1992, xã Trung Sơn mới phát triển cây quế trên diện rộng. Khi cây quế đến tuổi khai thác chặt tỉa rồi bán được giá cao, bà con thấy hiệu quả hơn cây bồ đề, cây keo thì họ chuyển dần sang trồng quế. 

“Năm 2014-2015, gia đình tôi có bãi quế 14-15 năm tuổi nên bán đi và thu được tiền trăm triệu. Từ đấy, bà con thấy cây quế có giá trị kinh tế cao nên đã làm theo. Lúc đó, gia đình tôi có một vài cây quế lâu năm để được hạt giống trong vườn nhà thì nhặt hạt bán còn cây xa xa thì cho bà con đến nhặt ươm đem về trồng”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh, trước đây người dân chỉ biết nhổ cây con rồi mang về trồng chứ chưa biết ươm quế trong bầu. Tuy nhiên, sau này được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, bà con đã học được cách trồng quế sao cho sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây chết rất thấp.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân phát dọn thực bì, phòng chống cháy rừng, giúp cây quế phát triển tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân phát dọn thực bì, phòng chống cháy rừng, giúp cây quế phát triển tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Bà Dương Thị Huế là người dân tộc Dao ở khu Nhồi, lấy chồng về đây khoảng hơn chục năm. Cũng từ khi ấy, gia đình bà bắt đầu trồng quế đến nay quế bắt đầu được khai thác. 

“Khi ấy, quế mới có mấy nghìn đồng một cân giờ hơn 20 nghìn đồng rồi. Gia đình tôi được khoảng 4-5ha lâu năm. Mỗi cây quế cũng phải thu được 400-500 nghìn đồng. Mặc dù thời điểm này giá quế không cao như trước nhưng tiền thu được từ bán quế mình mua được xe máy đẹp để đi lại, sắm sửa vật dụng trong gia đình”, bà Dương Thị Huế nói. 

Giữ rừng để có cuộc sống ấm no

Từ ngày ở đây trồng quế, bà con đã có ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Bởi rừng đã mang lại những nguồn thu nhập chính đáng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 

“Công tác quản lý rừng hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, trước đây bà con dân tộc Mông, Dao, Mường cứ đi khai phá đất rừng trồng lúa, ngô để lấy cái ăn. Kể từ khi công tác quản lý, bảo vệ rừng được đưa vào các nhóm hộ và làm công tác tuyên truyền tốt thì bà con nhận thấy trồng quế ở những khu vực được giao, đất canh tác từ lâu hiệu quả hơn và một phần rừng được khoanh khoán bảo vệ thì bà con được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng”, bà Đinh Thị Linh nói.

“Giữ được rừng là giữ được nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt hằng ngày và giúp cho cây quế phát triển tốt. Cây quế “ăn” được từ lúc tỉa cành lá cho đến 15-20 năm sau. Giữ được cây quế càng lâu năm càng mang lại giá trị kinh tế cao”, bà Linh nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Đức Thuận, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trung Sơn (huyện Yên Lạc, Phú Thọ) cho biết, trạm kiểm lâm chúng tôi nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn.

Về công tác phát triển rừng, bà con chủ yếu phát triển cây quế và một số cây dược liệu dưới tán rừng. Bà con trên địa bàn chủ yếu là đồng bào thiểu số nên công tác tuyên truyền luôn được chú trọng và thường xuyên phối hợp với tổ bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát không để xảy ra cháy rừng. Về mô hình trồng quế, chúng tôi hướng dẫn bà con chọn cây giống tốt, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để quế có nguồn tinh dầu chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập Nguyễn Kim Ngọc, phát triển cây quế là hướng đi đúng trong việc phát huy lợi thế của kinh tế đồi rừng. Đã tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân nhất là các xã Trung Sơn, Thượng Long, Xuân An… hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đảm bảo quy mô diện tích theo chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ quế (tinh dầu, dược liệu, đồ gia dụng...) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Cán bộ kiểm lâm huyện Yên Lập thực hiện tuần tra, kiểm soát rừng khu vực rừng tại hồ thủy lợi Ngòi Giành (huyện Yên Lập, Phú Thọ). Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Yên Lập thực hiện tuần tra, kiểm soát rừng khu vực rừng tại hồ thủy lợi Ngòi Giành (huyện Yên Lập, Phú Thọ). Ảnh: Hải Đăng.

Năm 2021, toàn huyện Yên Lập (Phú Thọ) có 2.110 ha quế; trong đó diện tích từ 1-5 năm tuổi là 1.020 ha, từ 6-10 năm tuổi là 668 ha, từ 11-15 năm tuổi là 344 ha; trên 15 năm tuổi là 78 ha. Năm 2022 toàn huyện trồng mới 406,5ha quế vượt 176,7% kế hoạch. Diện tích trồng quế trồng tập trung nhiều tại các xã Trung Sơn, Thượng Long, Xuân Thủy, Xuân An…

Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị chế biến gồm: Công ty TNHH Đức Vương ở xã Xuân An và hộ kinh doanh cá thể Triệu Như Lợi ở xã Thượng Long thu mua cành, lá chế biến tinh dầu quế; tổng công suất chế biến tinh dầu đạt trên 22,5 tấn/năm, giá bán tinh dầu dao động từ 500-550 triệu đồng/tấn (lá khô 2.100 đồng/kg; lá tươi 1.100 đồng/kg). Ngoài ra còn một số điểm thu mua nhỏ lẻ vỏ (vỏ tươi 22.000 đồng/kg), lá, cành quế từ các hộ dân tại địa phương đưa về tiêu thụ tại thị trường tỉnh Yên Bái.

Hiện nay Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chức năng và UBND các xã, thị trấn tiến hành tổ chức kiểm tra, nghiệm thu; nhằm cấp phát kinh phí hỗ trợ đảm bảo theo đúng Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Phú Thọ.  

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, trong năm qua, Chi cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát huy vai trò tham mưu, tích cực chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng phát triển rừng và quản lý lâm sản tại địa phương, nâng cao chất lượng rừng. Không để xảy ra các tụ điểm phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn. Trong đó, chú trọng địa bàn các khu rừng tự nhiên, vùng giáp ranh 6 tỉnh; nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Đặc biệt, kế hoạch trồng rừng năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp UBND các huyện đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo trồng rừng vụ xuân trước ngày 31/5/2023. Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh Phú Thọ đối với chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng bền vững và chính sách hỗ trợ trồng quế.

Tham mưu thông tin dự báo khí tượng thủy văn và khuyến cáo mùa vụ trồng rừng vụ xuân hè năm 2023. Xây dựng dự toán thực hiện công tác trồng phân tán; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng cảnh quan...

Ngoài ra, đôn đốc Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng cây giống, tăng cường kiểm tra nguồn gốc lô vật liệu giống (hạt giống, hom giống, bình mô...).

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.