| Hotline: 0983.970.780

Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 2] Lời khuyên của chuyên gia Nhật

Thứ Sáu 20/09/2024 , 06:28 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, Đại Hợp không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt.

Anh Đặng Thanh Tùng bên hệ thống máy hạ thủy phần. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đặng Thanh Tùng bên hệ thống máy hạ thủy phần. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mấy năm tìm kiếm

Năm 2012 có phái đoàn Liên Hợp Quốc đến thăm cơ sở nuôi ong của anh Đặng Thanh Tùng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).

Vị chuyên gia Nhật Bản trong phái đoàn Liên Hợp Quốc có bảo anh rằng: “Cố gắng tách nước, hạ thủy phần mật ong để nâng cao chất lượng, bảo quản được lâu dài”. Anh Tùng hỏi lại nhưng vì ngôn ngữ bất đồng, người dịch lại không có chuyên môn sâu nên nghe rồi cũng chỉ để đấy.

Năm 2017 anh Tùng dự lớp tập huấn phát triển thương hiệu nông sản do Sở NN-PTNT Hải Phòng chủ trì, được GS Nguyễn Lân Dũng khuyên làm mật ong phải hạ thủy phần, hiện Việt Nam đã có công nghệ này rồi.

Nhưng suốt 2 năm sau đó anh tìm kiếm mà vẫn không ra manh mối. Tình cờ một lần sang Hải Dương xem nuôi ong, nghe nói ở Bắc Giang đã có máy hạ thủy phần, anh rất muốn đi nhưng chưa kịp thì dịch Covid-19 ập đến, cách ly cả xã hội. Mãi tới năm 2020 anh mới tìm mua được máy hạ thủy phần mật ong của một công ty nội dựa trên nguyên lý của máy Nhật nhưng công suất nhỏ hơn, thay vì có giá vài tỉ đồng, mỗi mẻ cả ngàn lít thì chỉ còn 360 triệu đồng, mỗi mẻ 300 lít, rút thủy phần từ 27 - 28% xuống còn 21% theo chuẩn quốc tế.

Anh Đặng Thanh Tùng đang kiểm tra thủy phần của mật ong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đặng Thanh Tùng đang kiểm tra thủy phần của mật ong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mẻ đầu anh thử nghiệm 100 lít mật ong, thủy phần rút xuống được 23% nhưng để 2 tháng sau đã xỉn màu, có vị chua, đặc biệt cổ chai vẫn còn một vành bọt khí trông rất phản cảm. Dù khách hàng khen nhưng anh vẫn không hài lòng, lại mày mò thử nghiệm tiếp. Mất 2 năm và khoảng 40 mẻ mật ong thử nghiệm, cuối cùng anh cũng hoàn thiện được quy trình chuẩn.

Thứ nhất là mật ong muốn có chất lượng tốt phải hạ thủy phần ngay sau thu hoạch không quá 6 giờ bởi trong tổ mật có môi trường bảo quản không lên men nhưng ra ngoài không khí là bắt đầu lên men ngay. Thứ hai là sau khi tách phải có téc bảo quản loại cao cỡ 2m để tạo áp suất cho mật tốt lắng xuống, bọt khí nổi lên trên và bị tan dần...

Những thùng nuôi ong được che bằng xốp để chống nóng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thùng nuôi ong được che bằng xốp để chống nóng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi một mình không xa được

Trước anh Tùng là trưởng ban kiểm soát HTX Nông nghiệp Đại Hợp trong 5 năm liền nhưng do không đồng ý với phương án sản xuất, kinh doanh của lãnh đạo nên xin nghỉ. Khi Luật HTX mới ra đời, xã kêu gọi quay trở lại giúp HTX nhưng anh từ chối. Mãi tới năm 2020, sau khi nghiên cứu kỹ Luật HTX mới anh đã đứng lên xin thành lập HTX Sản xuất Mật ong Tùng Hằng nhằm phát triển kinh tế cho bản thân và địa phương bởi anh nghĩ chỉ có một mình thì không đi xa được.

Thứ hai là có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với các siêu thị, cửa hàng. Thứ ba là có các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Khi biết được ý định đó, có người chân tình khuyên nhiều HTX đang giải thể không được, anh đã từng phải bỏ ra ngoài, nay thành lập HTX mới làm gì?

Anh giải thích, trước mình bỏ HTX vì không đồng ý với Luật HTX cũ với phương án sản xuất kinh doanh kiểu “cha chung không ai khóc”, nhưng nay có Luật HTX mới thì rất tán thành bởi nó sẽ phát huy quyền của các thành viên và sự chủ động của lãnh đạo HTX.

HTX Sản xuất Mật ong Tùng Hằng ra đời với 7 thành viên, sản lượng năm 2020 khiêm tốn chỉ 1.000 lít. Năm 2021 sản lượng mật tăng lên 2.800 lít. Năm 2022 sản lượng tăng lên hơn 6.000 lít, đồng thời liên kết với các hộ bên ngoài thêm được 2.000 lít nữa. Năm 2023 sản lượng tăng lên 10.000 lít. Giá bán buôn HTX vẫn giữ ổn định ở mức 250.000đ/lít.

Anh Đặng Thanh Tùng kiểm tra đàn ong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đặng Thanh Tùng kiểm tra đàn ong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình nuôi, 2 tháng mùa đông và 1 tháng mùa hè rừng không có hoa, bắt buộc phải cho ăn đường nếu không ong sẽ đói mà chết. Lúc đó mật ong bị lẫn đường, ít thơm dù vẫn sánh vàng, đẹp, HTX chỉ bán cho dân nuôi trâu chọi Đồ Sơn hay các hàng thuốc Bắc để hoàn thuốc chứ không bán cho người tiêu dùng nhằm giữ thương hiệu. Cũng bởi giữ thương hiệu, HTX quy định thành viên không được tự quay mật mà phải do tổ thu hoạch gồm 3 người quay để tránh tình trạng trà trộn này nọ.  

“Tổ tam tam” ấy căn cứ vào nguồn hoa, thế ong (đông quân và độ sung sức) để quay mật. Trung bình mật ong rừng ngập mặn 15 - 20 ngày mới vít nắp, còn mật ong hoa táo Bàng La thì thời gian ngắn hơn. Mới đây 1 thành viên của HTX bị cảnh cáo vì đã không tuân thủ theo quy định này.

“Trong tự nhiên có hai loại mật gồm mật hoa và mật lá (sinh ra từ kẽ chồi non của cây keo, cây cao su…). Giống ong nội dù cho chết đói cũng không ăn mật lá, dù chết đói cũng vẫn nuôi ấu trùng nhưng giống ong ngoại dù không đói nhưng cứ thấy ngọt là ăn, đói bụng tí là lôi ấu trùng ra ăn hoặc tha ấu trùng vứt đi.

Lợi dụng đặc tính ham ăn của ong ngoại, một số người vào mùa dù nguồn hoa nhiều, ban ngày ong ăn no rồi nhưng tối vẫn hòa đường vào khay cho ăn tiếp để có năng suất cao nên mật ít thơm ngon. Ở phường Bàng La có một trại ong ngoại chừng 500 đàn.

Để bảo vệ thương hiệu cũng như bảo vệ đàn ong nội trước tình trạng ong ngoại lớn hơn xông vào cắn chết chúa, phá tổ, cướp mật, tôi đã nhiều lần kiến nghị không được cho ong ngoại vào vùng rừng ngập mặn ở xã Đại Hợp. Trong Luật Chăn nuôi cũng có quy định trại ong ngoại phải cách trại ong nội tối thiểu 2km nhưng thực tế khi xảy ra chuyện thì chính quyền cũng khó can thiệp”, anh Tùng trăn trở.

Một góc rừng ngập mặn Đại Hợp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc rừng ngập mặn Đại Hợp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện trên địa bàn xã Đại Hợp và phường Bàng La có khoảng 100 hộ nuôi ong, riêng HTX Sản xuất Mật ong Tùng Hằng có khoảng 1.000 đàn, trong đó cá nhân anh Tùng có 300 đàn, các hộ khác từ vài chục đến cả trăm đàn như anh Hoàng Văn Sỹ, Nguyễn Minh Trá, Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Văn Khánh...

Theo anh Tùng, nuôi ong mật để phát triển kinh tế tối thiểu phải có 20 đàn bởi mỗi đàn nuôi tốt cho 15 lít mật/năm, trung bình cho 7 - 8 lít/năm sẽ thu được 30 triệu đồng, đủ để nuôi sống được một người hết tuổi lao động. Như bản thân gia đình anh với 300 đàn, mỗi năm thu khoảng 1 tỉ đồng, trong đó lãi 600 triệu đồng.

Năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX được công nhận OCOP 3 sao, tới năm 2023 thì nâng cấp lên OCOP 4 sao. Để có được điều đó là những chuỗi ngày anh Tùng phải chạy đi chạy lại như con thoi lên huyện, lên Thành phố lo các thủ tục, lo khiểm nghiệm chất lượng mật ong, người cứ rộc rạc đi, sút mất 5 - 6kg. Vợ anh xót quá mới bảo: “Mật ong nhà tôi không thiu, không ế, làm vất thế thì chẳng OCOP gì hết, anh ốm ra đấy tôi không chăm được”. Anh phải ngọt nhạt rằng: “Mình muốn sản phẩm của HTX đi xa được thì bắt buộc phải thế”.  

Ông Đặng Văn Thủy - Bí thư thôn Đông Tác (xã Đại Hợp) cho biết từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, xã không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt, mỗi buổi kiếm được vài ba trăm ngàn đến cả triệu đồng. Rừng còn là nguồn hoa để những đàn ong đến lấy mật, tạo sinh kế cho cả trăm hộ nuôi.

Trước, Đại Hợp nghèo khó, giờ kinh tế khấm khá, cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, dự kiến năm 2025 là xóa hết.

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.