| Hotline: 0983.970.780

Loạt dự án trăm tỷ phòng chống thiên tai cấp bách, triển khai ì ạch

Thứ Năm 11/07/2024 , 08:59 (GMT+7)

Loạt dự án ổn định dân di cư tự do và thiên tai cấp bách ở tỉnh Hòa Bình với hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phải rà soát lại.

Tổng rà soát loạt dự án trăm tỷ

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành văn bản về việc thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do và dự án vùng thiên tai cấp bách.

Cụ thể, căn cứ Công văn của Văn phòng Chính phủ về việc vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do và dự án vùng thiên tai cấp bách, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã có loạt chỉ đạo liên quan đến các dự án trên địa bàn.

Đối với Dự án xây dựng khu tái định cư khẩn cấp, tập trung tại xóm Suối Nhúng, xã Phúc Sạn (nay là xã Sơn Thủy), Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu UBND huyện Mai Châu rà soát lại các thủ tục, hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, để xảy ra chậm tiến độ thực hiện dự án. Cân đối nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại để di chuyển dân đến khu tái định cư. Được biết, dự án này nhằm đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ di chuyển 43 hộ dân vùng sạt lở do thiên tai nhằm ổn định đời sống nhân dân ở tỉnh Hòa Bình với tổng mức đầu tư của dự án là 35 tỷ đồng.

Dự án cấp bách chống sạt lở sông Bôi, Hòa Bình. Ảnh: Bảo Khang.

Dự án cấp bách chống sạt lở sông Bôi, Hòa Bình. Ảnh: Bảo Khang.

Đối với Dự án xây dựng khu tái định cư tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, nguồn vốn thực hiện chưa đúng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã phê duyệt từ năm 2020-2023. Tổng mức đầu tư hơn 61,93 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hơn 50 tỷ đồng, tuy nhiên kết quả giải ngân đến thời điểm hiện tại là hơn 52,455 tỷ đồng, vượt quá số kinh phí đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu UBND huyện Mai Châu làm rõ nguồn kinh phí nêu trên. Phân tích rõ lý do điều chỉnh nguồn nước là nguồn nước tự chảy sang nguồn nước giếng khoan, quá trình vận hành khai thác nguồn nước giếng khoan sẽ giao cho đơn vị nào vận hành, duy tu, bảo dưỡng, nguồn nước có đủ cung cấp cho các hộ dân không, khảo sát đánh giá thật kỹ khả năng các hộ dân có di chuyển về khu tái định cư...

“Yêu cầu UBND huyện Mai Châu rà soát lại các thủ tục, hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan để xảy ra chậm tiến độ thực hiện dự án. Cân đối nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại để di chuyển dân đến khu tái định cư trong thời gian sớm nhất”, ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Dự án Xây dựng khu tái định cư tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 61,93 tỷ đồng và do UBND huyện Mai Châu làm chủ đầu tư. Dự án này được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 29,77 tỷ đồng, giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư 32,16 tỷ đồng, được nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo việc quy hoạch sử dụng đất, bố trí đất ở, đất sản xuất và hạ tầng thiết yếu phục vụ ổn định cuộc sống của 53 hộ dân xâm canh, xâm cư tại khu vực Suối Rằm và xung quanh xóm Táu Nà, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tương tự tại Dự án xây dựng hạ tầng bố trí ổn định dân cư khu vực sạt lở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn rà soát lại các thủ tục, hồ sơ cấp kinh phí đã thu hồi theo Quyết định số 583/QĐ-UBND ngày 2/4/2024 của UBND tỉnh Hòa Bình là 435,515 triệu đồng.

Ngoài ra huyện Lạc Sơn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại để sớm di chuyển các hộ dân đến khu tái định cư. Được biết, Dự án xây dựng hạ tầng bố trí ổn định dân cư khu vực sạt lở xã Miền Đồi có tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Đây là dự án di dân vùng thiên tai cấp bách nhằm di dời, bố trí ổn định cho 63 hộ dân đang sinh sống ở khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của nhân dân và góp phần ổn định đời sống và sinh hoạt của người dân và yên tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Đối với Dự án Khu tái định cư tập trung xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu UBND huyện Cao Phong xem xét, đánh giá tính cấp thiết của dự án và phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính của tỉnh Hòa Bình xây dựng phương án bố trí, cấp kinh phí trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. 

Các tài liệu liên quan thể hiện, dự án nhằm đáp ứng cho khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng hiện đang sinh sống trong vùng thiên tai, bão lũ đến điểm dân cư đảm bảo an toàn. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 34,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng. Do gặp phải một số khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh Hòa Bình từng phải đề xuất Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư giao đến hết quý IV năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Bảo Khang. 

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Bảo Khang. 

25 địa phương "vào tầm ngắm"

Liên quan đến nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do và dự án vùng thiên tai cấp bách, đầu tháng 5/2024 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng lê Minh Khái gửi các bộ ngành liên quan và Chủ tịch UBND của 25 tỉnh thành.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm sử dụng ngân sách địa phương theo quy định để bố trí đủ số vốn còn thiếu đối với các dự án ổn định dân di cư tự do và dự án vùng thiên tai cấp bách đã được hỗ trợ, sớm hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Các địa phương phải thực hiện bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Hậu Giang.

Trong văn bản chỉ đạo, Chủ tịch UBDN tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở NN-PTNT Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Cao Phong khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trên, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất