| Hotline: 0983.970.780

Nghìn tỷ đổ xuống sông Bôi

Sa lầy các dự án cấp bách của Hoàng Sơn

Thứ Tư 10/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Tìm đủ mọi cách để đưa dự án vào diện cấp bách nhằm chỉ định thầu nhưng các dự án nghìn tỷ trên sông Bôi lại thực hiện theo kiểu có tiền mới làm.

Hòa Bình đang 'sa lầy' ở các dự án cấp bách do doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện. Ảnh: HA.

Hòa Bình đang "sa lầy" ở các dự án cấp bách do doanh nghiệp Hoàng Sơn thực hiện. Ảnh: HA.

Chấp thuận mọi rủi ro để hoàn thành dự án

Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp Hoàng Sơn, thời gian thực hiện Dự án xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi là 360 ngày, tức trước 31/9/2019 phải hoàn thành các hạng mục thi công.

Tuy nhiên, với tiến độ rùa bò của nhà thầu, tỉnh Hòa Bình đã phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, đặc biệt là tại các gói thầu số 10, số 16 và số 22. Tối hậu thư của tỉnh này đến 31/8/2020 phải hoàn thành dự án, nhưng với thực tế hiện nay, yêu cầu của UBND tỉnh Hòa Bình gần như không thể.

Ngày 30/12/2019, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình với nội dung: Yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công hoàn thành các khối lượng còn lại của các gói thầu xong trước ngày 31/8/2020, không điều chỉnh chế độ do chậm tiến độ, chấp thuận mọi rủi ro nếu có trong thời gian thi công do chậm tiến độ hợp đồng.

Căn cứ hợp đồng đã ký xử lý trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên khi đã xảy ra việc chậm tiến độ hợp đồng mà không phải do các nguyên nhân bất khả kháng… Trường hợp không giải phóng được mặt bằng thì yêu cầu đề xuất ngay phương án cắt giảm quy mô dự án để kết thúc dự án trong năm 2020.

Điều này có nghĩa, UBND tỉnh Hòa Bình đang làm mọi cách để xử lý một dự án chậm tiến độ do chính cơ quan này đề xuất phương án cấp bách làm cơ sở chỉ định thầu cho doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp nông thôn tỉnh Hòa Bình, người ký các quyết định liên quan vấn đề chỉ định thầu cho doanh nghiệp Hoàng Sơn đã thừa nhận: Nói là dự án cấp bách nhưng thực tế đã không thực hiện theo dạng cấp bách được. Ví dụ hạng mục kè ở xã Mỵ Hòa còn chưa giải phóng xong mặt bằng, hay hạng mục xây dựng mới hồ Cùm Vẹn xã Kim Sơn (huyện Kim Bôi) chưa đắp được vì trời mưa…

Tất cả đều được ông Hồng đổ các lý do “khách quan”, tuy nhiên, theo tìm hiểu của NNVN, tại xã Mỵ Hòa, người dân tố cáo, sở dĩ dự án chưa thực hiện được là do phía nhà thầu thực hiện dự án đã liên kết với một nhóm đối tượng khai thác vàng.

Thay vì triển khai thực hiện xây kè thì thời gian vừa qua chỉ thấy hoạt động khai thác vàng trên sông Bôi diễn ra rầm rộ.

Chính Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp nông thôn tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận có hoạt động khai thác vàng và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm.

Theo ông Hồng, Hoàng Sơn là doanh nghiệp mạnh hàng đầu của tỉnh Hòa Bình, việc ban chỉ định thầu cho doanh nghiệp này có những lý do như việc các hạng mục của dự án nằm trong khu vực ATK chứ không phải do doanh nghiệp mạnh mà Ban ưu ái, không phải vì lợi ích nhóm mà chỉ định thầu… Việc dự án chậm tiến độ theo ông Hồng là do thiếu vốn.

“Nó là dự án cấp bách chống hạn, vốn dự phòng ngân sách Trung ương thế nhưng vốn cũng không đủ. Đợt 2016 hay 2017 gì đấy Thủ tướng có hứa cho tiền để làm dự án cấp bách nhưng mình không làm theo dạng cấp bách được, vì cấp bách phải có lệnh của Thủ tướng hay lệnh của tỉnh cơ.

Đây không có lệnh… Vốn dự án là 350 tỷ nhưng mới cấp được 235 tỷ. Mặt khác nếu cho làm tràn lan sẽ gây nợ đọng xây dựng cơ bản nên cứ có tiền đến đâu thì làm đến đấy”, ông Hồng nói.

Trước những câu hỏi của PV NNVN về năng lực cũng như hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp Hoàng Sơn khi thực hiện các dự án do Ban làm chủ đầu tư như Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp đường giao thông hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình… nhưng vẫn được chỉ định thầu để thực hiện các dự án tiếp theo, ông Nguyễn Ánh Hồng đề xuất: Theo quan điểm của Ban thì anh em gặp nhau, không muốn đưa vấn đề này lên báo.

Ông Hồng cũng chỉ đạo ông Nguyễn Hữu Thiên, phụ trách dự án sông Bôi liên hệ nhà thầu gặp gỡ để "nói chuyện" với phóng viên.

Tại cuộc làm việc với phóng viên sau đó, chính ông Nguyễn Hữu Thiên cũng khẳng định rằng: Đối với Dự án xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi thực hiện trong vòng một năm thì không thể nào làm được.

Ngay như Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy cũng vậy. Để đưa được các dự án vào diện cấp bách không hề đơn giản, tuy nhiên, do không lường hết được các vấn đề nảy sinh hết hết lần này đến lần khác phải xin gia hạn hợp đồng.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, đến 31/8/2020 phải hoàn thành Dự án xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Bôi, tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thiên cho rằng, chắc phải xin gia hạn tiếp.

“Bắt buộc phải xong trong năm nay, muốn kiểu gì thì kiểu trong năm nay phải kết thúc, không thể kéo dài ra… Nhưng khó ở chỗ mùa mưa lại đến rồi”, ông Thiên nói. Cũng giống như ông Hồng, ông Thiên đề nghị nhóm PV gặp gỡ nhà thầu vì không muốn... lên báo.

Hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách đã đổ xuống sông Bôi nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Ảnh: HA.

Hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách đã đổ xuống sông Bôi nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Ảnh: HA.

Đại gia Hoàng Sơn sai phạm khắp nơi

Theo tài liệu của NNVN, bất chấp những vi phạm tài chính hàng chục tỷ đồng, bất chấp các vi phạm về đấu thầu, dự toán các gói thầu đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra và chỉ rõ, nhiều chủ đầu tư ở tỉnh Hòa Bình vẫn lựa chọn doanh nghiệp Hoàng Sơn thi công. Từ các dự án thủy lợi, nông nghiệp đến các dự án giao thông, xây dựng, sờ đâu cũng thấy sai phạm của Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng – Xây dựng thương mại Hoàng Sơn.

Điều đáng nói là những vi phạm của doanh nghiệp này có dấu hiệu tiếp tay của cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, tại dự án Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, việc vận dụng chỉ định thầu theo danh mục dự án cấp bách, hoặc thi công theo lệnh khẩn cấp đều không có kế hoạch đấu thầu được duyệt, chủ đầu tư phê duyệt chỉ định thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đúng quy định thẩm quyền...

Gói thầu đoạn kè KP 14 từ cọc S1070 đến cọc S1132, theo quyết định của Sở NN-PTNT về phê duyệt chỉ định thầu đơn vị thi công xây lắp, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng – Xây dựng thương mại Hoàng Sơn ngày 15/12/2009 nhưng đến ngày 28/12/2009 mới phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán gói thầu. Giá trị dự toán lập không đúng ở gói thầu này là 3,302 tỷ đồng, gói thầu đoạn kè KP 12, KT 14, 15, 16  không đúng gần 7 tỷ đồng.

Vẫn là chiêu bài cũ, lấy lý do cấp bách để chỉ định thầu sau đó chủ đầu tư là Sở NN-PTNT Hòa Bình gia hạn hợp đồng tới 4 lần cho doanh nghiệp kéo dài thời gian thực hiện dự án.

“Mục tiêu thực hiện dự án cấp bách, để chống sạt lở trong mùa mưa lũ 2010 như Hòa Bình xin với Chính phủ là không thực hiện được.

Đồng thời với kéo dài thời gian thi công là việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế - dự toán gói thầu làm tăng giá trị xây lắp do trượt giá, gây lãng phí ngân sách”, cơ quan thanh tra kết luận về dự án của "liên minh" Sở NN-PTNT Hòa Bình và doanh nghiệp Hoàng Sơn.

Tương tự, tại Dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp đường giao thông hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình do Sở NN-PTNT Hòa Bình làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, sau khi một mình trúng gói thầu mở rộng mặt đê bờ phải (giai đoạn I – năm 2012) có giá trúng thầu là 19,2 tỷ đồng, liên danh Hoàng Sơn và Công ty TNHH đầu tư và XDTM Mỹ Phong lại trúng tiếp 1 gói thầu xây lắp lớn nhất tại giai đoạn II vào năm 2013 với giá trị hợp đồng là 110 tỷ đồng.

Khi cơ quan nhà nước vào kiểm tra đã phát hiện chủ đầu tư và nhà thầu tính thuế giá trị gia tăng trong một số chi phí không đúng gần 10 tỷ đồng...

Ở lĩnh vực giao thông, tại dự án đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở mái taluy đoạn Km78+300 đến Km153, Quốc lộ 6 được triển khai theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ với tổng dự toán hơn 600 tỷ đồng. Cũng với chiêu bài cấp bách để chỉ định thầu nhưng dự án kéo dài tới 3 năm mới hoàn thành.

Cần thanh tra làm rõ việc đổ hàng nghìn tỷ đồng xuống sông Bôi. Ảnh: HA.

Cần thanh tra làm rõ việc đổ hàng nghìn tỷ đồng xuống sông Bôi. Ảnh: HA.

Vào năm 2017, dư luận ở Hòa Bình từng lùm xùm việc xây dựng trụ sở do Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tại dự án này, doanh nghiệp Hoàng Sơn trúng thầu hạng mục thi công cửa gỗ lim Nam Phi.  

Theo quy định, chủ đầu tư phải căn cứ thông báo giá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do Liên sở Tài chính, Xây dựng công bố thì Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình lại thuê đơn vị thẩm định giá 1 đơn vị tại Hà Nội tiến hành khảo sát lấy báo giá (không ký tên, đóng dấu) của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội không có chức năng chính sản xuất kinh doanh cửa gỗ. Sai sót này đã khiến hạng mục cửa gỗ tăng 3,8 tỷ đồng so với dự toán được duyệt.

Thiết nghĩ cần có một cuộc thanh tra toàn diện đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến doanh nghiệp Hoàng Sơn nhằm tránh thất thoát, lãng phí, đặc biệt là đối với tỉnh nghèo như Hòa Bình.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.