Âm thầm tước đoạt 530ha đất lâm nghiệp của hàng trăm hộ dân
Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh nằm trên địa phận 4 xã: Tân Pheo, Đồng Chum, Đồng Ruộng và Đoàn Kết của huyện Đà Bắc, được tỉnh Hòa Bình thành lập với mục đích hết sức nhân văn. Đó là “Bảo vệ nguồn gen quý hiếm của động, thực vật rừng, nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan du lịch, nâng độ che phủ rừng lên 98%, góp phần ổn định đời sống nhân dân xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ tốt khu rừng”.
Vùng dự án khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh được quy hoạch tổng diện tích tự nhiên là 5.600ha.
Năm 2002, nhiều hộ dân ở xã Tân Pheo bỗng dưng tiếp nhận thông tin (không có văn bản) mọi quyền lợi của họ đối với các thửa đất lâm nghiệp được nhà nước giao theo Nghị định 02 ngày 15/1/1994 (đã được UBND huyện Đà Bắc cấp “sổ đỏ” năm 1996 với thời hạn hiệu lực 50 năm) không còn giá trị.
Lý do là UBND tỉnh Hòa Bình đã giao những diện tích đất trên cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Nhiều người đã sốc, bởi tờ “sổ đỏ” của họ cầm trên tay là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp có thời hạn đến năm 2046. Tại sao tỉnh lấy đất của dân mà không ai hay biết; không được họp bàn; không được nêu ý kiến. Thậm chí, chẳng có bất cứ văn bản nào thể hiện nội dung nhà nước thu hồi đất, thu hồi sổ đỏ.
Nhờ sức người khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, những gốc cây rừng bị cưa trụi, đốt cháy đen đã được tái sinh, chồi mầm non từ đất thành rừng gỗ giá trị cao. Thế nhưng, chẳng ai nhớ đến công sức của những người dân lam lũ, biến đồi đất bạc màu trở nên xanh ngắt. Đất của người dân lũ lượt “chạy” vào sổ đỏ của khu bảo tồn.
Ngay cả ông Hà Văn Phời ở xóm Chàm, xã Tân Pheo (người có 13 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Pheo từ năm 1994 đến 2011) cũng cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh khi 29ha đất lâm nghiệp trong sổ đỏ của gia đình mình bị UBND tỉnh Hòa Bình tước đoạt và "bê" vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, 121 hộ dân tại 4 xã Tân Pheo, Đồng Chum, Đồng Ruộng và Đoàn Kết có sổ đỏ nằm trong khu bảo tồn. Nhưng theo rất nhiều người dân, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thực chất, rất nhiều hộ dân được nhà nước giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02, đã bị chính quyền tự ý đổi thành rừng cộng đồng do UBND xã quản lý mà không hề được đền bù, hỗ trợ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh thành “trận địa” phá rừng
530ha đất trùng sổ đỏ, nghĩa là ngần ấy đất rừng trong cảnh “cha chung không ai khóc”. Năm 2018, một số cơ quan báo chí đã phản ánh về nạn phá rừng ở Đà Bắc kèm theo các hình ảnh tang thương, nhất là địa phận nằm trong chỉ giới của khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh.
Nhưng, theo nhiều người dân xã Tân Pheo, đó chỉ là giai đoạn cuối của... hành trình tàn sát rừng.
Ngày 9/4/2018, Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Đà Bắc đã kiểm tra Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Kết quả đã phát hiện việc khai thác gỗ trái phép, tại hiện trường có các lóong gỗ tròn nhóm VII, VIII nằm rải rác tại bìa rừng ở xóm Thùng Lùng (xã Tân Pheo).
Hộ ông Hà Văn Khưn (64 tuổi ở xóm Chàm) chia sẻ: “Nhà tôi được nhà nước giao 21,8ha đất lâm nghiệp từ năm 1996 với thời hạn sử dụng 50 năm. Từ khi tiếp nhận, chúng tôi bảo vệ rừng rất tốt, rất nhiều cây gỗ to 1-2 người ôm không xuể nhưng từ khi có thông báo đất rừng của chúng tôi rơi vào tay Ban quản lý Khu bảo tồn Phu Canh, rừng già bắt đầu bị tàn phá”.
Ông Khưn cho biết, khi phát hiện người ta đến chặt cây cối, có cả người địa phương, ông đã ra ngăn cản nhưng họ nói đất này thuộc về khu bảo tồn rồi, người dân không có quyền gì nữa.
Nhớ lại cảnh tượng ngày trước, ông Xa Văn Kẹm (xóm Chàm) chia sẻ, “Nhà tôi chỉ được cấp sổ đỏ 10 ha đất rừng năm 1996 nhưng có giá trị kinh tế rất lớn, toàn táu, sến và chò thôi. Đến khi nhà nước tịch thu năm 2001, năm 2002 đến 2004 thì lâm tặc tàn phá, ô tô vào chở gỗ ùn ùn cả đêm lẫn ngày chẳng thấy ai nói gì”.
Ông Kẹm cho biết, dù đã 1 – 2 lần có ý kiến về nguy cơ tàn phá rừng chắc chắn sẽ gây lũ và tai nạn sạt lở đất nhưng tình trạng trên vẫn kéo dài nhiều năm. Mãi đến khoảng 2 năm nay, khi báo chí phản ánh mạnh mẽ, các cơ quan vào cuộc quyết liệt thì nạn phá rừng mới chững lại, nhưng quyền lợi liên quan đến đất lâm nghiệp của người dân thì vẫn bị bỏ ngỏ.