Khó điều trị bệnh do lạm dụng kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc được sử dụng chủ yếu để chữa trị những bệnh do vi khuẩn gây ra. Từ loại kháng sinh đầu tiên là Penicillin được nhà khoa học người Anh Alexander Fleming tìm ra năm 1928 và đưa vào sử dụng điều trị bệnh từ những năm 40 của thế kỷ XX, đến nay các nhà khoa học đã nghiên cứu ra hàng trăm loại thuốc kháng sinh khác nhau.
Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, sử dụng sai cách hoặc lạm dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh cho con người và động vật đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh hay còn gọi là vi khuẩn kháng thuốc gia tăng trên toàn thế giới.
Hiện tượng kháng kháng sinh dẫn đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm trên người và động vật không đạt hiệu quả, mất nhiều thời gian, gia tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, vai trò quan trọng của kháng sinh đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh sai cách, lạm dụng quá mức sẽ làm xuất hiện các chủng vi sinh vật kháng thuốc nguy hại.
“Đối với con người, các chủng vi sinh vật kháng thuốc sẽ khiến kháng sinh giảm hoặc mất khả năng điều trị bệnh và tăng nguy cơ tử vong. Trong chăn nuôi, các vi sinh vật kháng thuốc cũng khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn do kháng sinh giảm hiệu lực. Nhà nước, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu phải tốn thêm chi phí để nghiên cứu loại kháng sinh mới thay thế.
Hệ luy khi xuất hiện các chủng vi sinh vật kháng thuốc là rất lớn, điều đáng lo ngại hơn khi hiện nay một vi khuẩn có thể kháng nhiều loại kháng sinh. Do đó, nếu kiểm soát việc sử dụng không hiệu quả, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không có kháng sinh để chữa bệnh trên người và vật nuôi”, ông Phạm Kim Đăng cho hay.
Ghi nhận vi khuẩn E.coli trên vật nuôi kháng tới 15 loại kháng sinh
Kháng sinh ra đời với ba mục đích chính gồm điều trị bệnh, phòng bệnh và kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh ở liều thấp sẽ khiến vi sinh vật kháng thuốc gia tăng trên đàn vật nuôi.
Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Toàn Thắng cho biết, kết quả nghiên cứu và khảo sát của doanh nghiệp tại nhiều trang trại chăn nuôi cho thấy tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng mạnh trên đàn vật nuôi.
Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm tại một số trang trại ở khu vực phía Bắc do Công ty Thuốc Thú y Toàn Thắng chẩn đoán nêu ra thực trạng báo động khi nhiều trang trại xuất hiện vi khuẩn E.coli kháng 100% đối với nhiều loại kháng sinh như Tetracyclin, Amoxicillin, Lincomycin,… Ngoài ra, một số loại vi khuẩn phổ biến như: Staphylococcus, Clostridium,… cũng có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh.
“Có những trang trại ở phía Nam gửi kết quả kháng sinh đồ tới Toàn Thắng Vet, chúng tôi rất bất ngờ khi vi khuẩn E.coli trong đường ruột của vật nuôi kháng tới 15 loại kháng sinh. Đây quả thực là tình trạng đáng báo động cho các doanh nghiệp, trang trại và nông dân”, ông Hà Minh Tuân cho hay.
Từ năm 2006, châu Âu đã chính thức cấm sử dụng kháng sinh nhằm mục đích sinh trưởng. Là nước phát triển chăn nuôi theo hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nội luật hóa nhiều điều ước, cam kết quốc tế, hiệp định thương mại,… mà Việt Nam là thành viên, liên quan tới các quy định giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018, Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng. Đối với mục đích phòng và điều trị bệnh thì chỉ được phép sử dụng trong danh mục được phép sử dụng.
Căn cứ theo Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT, Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, 3 nhóm kháng sinh gồm đặc biệt quan trọng, rất quan trọng và quan trọng, thì không được trộn vào thức ăn nhằm mục đích phòng bệnh.
Nhóm kháng sinh ít quan trọng thì được sử dụng trộn vào thức ăn để phòng bệnh, nhưng với điều kiện thuộc danh mục thuốc thú y được phép lưu hành. Bên cạnh đó, chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.