| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/10/2019 , 09:22 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:22 - 30/10/2019

Lời cảnh tỉnh từ mô hình kinh doanh chuỗi thương hiệu

Hệ thống cửa hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa cuối tháng 10/2019, thực sự là một bất ngờ trên thị trường ẩm thực.

 

Món Huế là thương hiệu dẫn đầu của một chuỗi thương hiệu thuộc doanh nghiệp Huy Viet Nam Group Limited, nhiều năm qua là một điểm sáng kinh doanh ăn uống thu hút người tiêu dùng tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã kêu gọi nhau cùng ký tên để khởi kiện ông Huy Nhật - Việt kiều Mỹ là chủ tịch Huy Viet Nam Group Limited có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, hệ lụy không chỉ dừng ở đó.

Ngoài thương hiệu Món Huế, công ty Huy Việt Nam Group Limited còn có các thương hiệu đình đám như Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea.

Vào thời kỳ đỉnh cao, doanh nghiệp này đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày. Sử dụng mặt bằng ở vị trí đắc địa đô thị và quảng bá rầm rộ, hệ thống cửa hàng Món Huế đã tạo được lòng tin từ rất nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Khi Món Huế đột ngột tuyên bố đóng cửa, không chỉ nhân viên lao đao vì mất việc làm và lương bổng, mà 50 đối tác cũng lâm vào cảnh mất trắng công nợ hàng trăm tỷ đồng.

Những người từng bán hàng cho Món Huế kéo đến địa chỉ đặt trụ sở doanh nghiệp Huy Viet Nam Group Limited nhưng không thấy bóng dáng ông Huy Nhật đâu. Sự sụp đổ của Món Huế phải hiểu như thế nào?

Công ty Huy Viet Nam Group Limited là pháp nhân đăng ký ở Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Khi đầu tư vào thị trường ẩm thực Việt Nam, ông Huy Nhật còn thành lập thêm hai công ty phụ trợ là Huy Viet Nam (Hong Kong) Limited và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam.

Bằng những dự án được trình bày thuyết phục, Huy Viet Nam Group Limited đã được nhiều quỹ đầu tư quốc tế như ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital, Welkin Capital rót vào nguồn vốn lên đến 70 triệu USD.

Chính nguồn tài chính lớn này, đã giúp Huy Viet Nam Group Limited đứng ngay hàng với hai đại gia trong ngành kinh doanh chuỗi cửa hàng ăn uống là Golden Gate (với các thương hiệu tiêu biểu như Kichi-Kichi, Gogi, Ashima…) và Redsun (với các thương hiệu tiêu biểu như King BBQ, Hotpot, Thai Express…).

Và đó cũng là bỏ bọc hào nhoáng để Huy Viet Nam Group Limted chiếm dụng vốn của đối tác từ người cung cấp thịt bò, người cung cấp rau củ cho đến người cung cấp… lá chuối. Nghĩa là, Huy Viet Nam Group Limted dùng thương hiệu tạo ra công nợ và không chi trả một cách ngoạn mục.

Kinh doanh chuỗi thương hiệu là một mô hình mới trên thị trường. Sự dự phần của những quỹ đầu tư quốc tế khiến nhiều người Việt mất cảnh giác khi hợp tác cung cấp nguyên liệu cũng như bỏ tiền mua thẻ thành viên ưu đãi. Hệ thống Món Huế sụp đổ là một bài học đáng sửng sốt và bẽ bàng. Đã đến lúc các cơ quan quản lý kinh tế phải có biện pháp giám sát chặt chẽ, nếu không muốn xảy ra trường hợp tương tự Huy Viet Nam Group Limited gây tổn thương cho cộng đồng.