| Hotline: 0983.970.780

Lợn 'có địa chỉ' vẫn đắt hàng

Thứ Năm 28/03/2019 , 08:27 (GMT+7)

Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa, một số bà nội trợ có thói quen tạt qua các tuyến đường mua thịt lợn bày bán ngay trên vỉa hè. Nhưng thời điểm này, những cửa hàng, quầy hàng thịt có dấu kiểm soát giết mổ ngày càng hút khách. Các trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học cũng được dịp tri ân những khách hàng tiềm năng.

09-57-18_20190326_060142
Một quầy thịt lợn sạch ở Thanh Hóa

Mới 5 giờ sáng, cửa hàng Hương quê FARM tại đường 3, lô 201, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa đã có người đến mua thịt. Chỉ khoảng 1 giờ sau, hơn 70kg thịt móc hàm đã được bán hết. Ông Trần Văn Ngọc, trú tại phường Đông Thọ, một khách hàng “ruột” của Hương quê FARM cho hay, gia đình ăn ông vẫn ăn thịt lợn kể từ khi có bệnh DTLCP xuất hiện. Tuy nhiên, ông thường mua thịt ở những quầy hàng quen thuộc, có uy tín, được cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh.

“Được biết, bệnh DTLCP rất nguy hiểm vì lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhưng tôi được biết nó không lây qua người và các động vật khác. Sản phẩm thịt hiện lưu hành trên thị trường hiện đã được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, khi mua hàng ở những cửa hàng có thương hiệu thì chính niềm tin đã trấn an tâm lý của người tiêu dùng”.

Bà Tống Thị Hiền, chủ cửa hàng Hương quê FARM cho biết, trong khó khăn chung của người chăn nuôi, cửa hàng lại thêm tin tưởng vào chiến lược kinh doanh bền vững của mình. Đó là sự đồng hành, sẻ chia với người chăn nuôi cũng như giữ chữ tín đối với khách hàng.

“Chúng tôi là cửa hàng cung cấp thịt lợn của Tập đoàn CP. Mặc dù doanh số bán lẻ thịt lợn ở đây chưa nhiều nhưng vấn đề là chiến lược kinh doanh lâu dài. Đây là cơ hội để cửa hàng đưa những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng. Lâu nay, người dân chưa quan tâm lắm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhưng trong và sau đợt dịch này, quan niệm đó sẽ thay đổi. Sau vài tuần trầm lắng thì nay, quầy thịt của chúng tôi đã sôi động trở lại”, bà Hiền chia sẻ.

Sau một thời gian với tâm lý e ngại sử dụng thịt lợn, nhận thức về DTLCP cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Cùng với sự vào cuộc tuyên truyền tích cực của chính quyền các địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, đến thời điểm này, nhiều gia đình đã quay lại với thịt lợn.

 

Không chỉ có Hương quê FARM, tại một số cửa hàng thịt “có địa chỉ” khác trên địa bàn TP Thanh Hóa, không khí mua bán cũng đã nhộn nhịp trở lại.

Trong đợt dịch lần này, những trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn vốn đã có thị trường, đối tượng tiêu thụ riêng vẫn giữ được khách hàng. Điều đặc biệt là, lượng khách hàng của các trang trại không những không giảm mà còn tăng. Giá bán lợn hơi vẫn cao hơn ngoài thị trường 5-10 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Cường, chủ một trang trại lợn án toàn tại thôn Kỳ Lạc Giang, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho hay: “Giá lợn hơi giảm so với trước thời điểm DTLCP khoảng 10 nghìn đồng/kg kéo theo lợn chăn nuôi theo hướng an toàn cũng giảm. Tuy nhiên, với giá lợn hơi trên dưới 40 nghìn đồng như hiện nay thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vẫn có lãi vì chi phí đầu vào giảm đáng kể. Điều quan trọng là những khách hàng “ruột” vẫn tiêu thụ thịt lợn như ngày thường”.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, một chủ trang trại nuôi lợn an toàn sinh học tại thôn 11, xã Đông Thanh (Đông Sơn) thường ngày vẫn mổ thịt lợn cung cấp cho những địa chỉ quen thuộc. Ông Tuấn coi việc cung cấp thịt lợn cho những khách hàng lâu nay của mình như một sự tri ân. Theo ông Tuấn, tuy giá cả có thấp hơn thời điểm có DTLCP nhưng lượng lợn bán ra của trang trại ông không giảm.

“Hiện một số cửa hàng đã hợp tác để thu mua lợn hằng ngày nhưng chúng tôi không cung cấp đủ số lượng. Vì vậy, với gần 50 con lợn thịt đang có trong trại, tôi chỉ đủ mổ vài ngày một con cho những khách hàng thân quen lâu nay. Vẫn biết là giữ lợn lâu trong trại cũng lo lắng nhưng điều quan trọng vẫn là giữ được những khách hàng thủy chung để làm ăn lâu dài”, ông Tuấn chia sẻ.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.