| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/01/2015 , 07:32 (GMT+7)

07:32 - 12/01/2015

Lòng dân

Dân gian có câu “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Ngẫm ra, thật đúng./ Ông Nguyễn Bá Thanh đã về đến Đà Nẵng điều trị

Suốt từ ngày 6/1/2015, khi có tin đồn ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng, sẽ từ Mỹ trở về Đà Nẵng vào ngày đó, thì hằng ngày, có hàng ngàn người dân đã tập trung tại Cổng sân bay quốc tế Đà Nẵng để đón ông.

Và cũng từ ngày đó, sự kiện ông về nước để chữa bệnh tại khoa Ung bướu, bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng, cũng như tình hình sức khỏe của ông, trở thành tâm điểm của thành phố này. Người dân phập phồng chờ đợi.

Bắt đầu từ 19 giờ ngày 9/1, tại cổng số 2 sân bay Quốc tế Đà Nẵng, cũng như tại cổng bệnh viện Đà Nẵng, hàng ngàn người dân lại tập trung để đón ông, bất chấp mưa rét.

Họ đứng dài theo hai bên đường dẫn vào khoa Ung bướu của bệnh viện. 20 giờ 45 phút ngày 9/1/2015, khi chiếc máy bay cứu thương chở ông hạ cánh xuống sân bay, và khi xe cứu thương đã đưa ông đi bằng cổng quân đội đến bệnh viện, thì hàng ngàn người dân đang chờ đón ông tại sân bay cũng đi theo về bệnh viện. Họ vỗ tay và hô to “Bác Thanh cố lên. Bác Thanh cố lên”.

Xưa nay, việc một cán bộ lãnh đạo nào đó ốm đau, ra nước ngoài chữa bệnh rồi về nước. Có quan tâm chăng là ngoài người thân, họ hàng của những người đó, thì còn thêm những kẻ gắn bó trực tiếp về quyền lợi của mình với sức khỏe của người đó, mà xã hội vẫn gọi bằng tên “lợi ích nhóm” nữa, mà thôi.

Còn người dân thường chẳng mấy quan tâm. Họ còn mải lo miếng cơm manh áo trong thời buổi khủng hoảng, nền kinh tế còn đầy rẫy những khó khăn này.

Nhưng vì sao việc ông Nguyễn Bá Thanh ra nước ngoài chữa bệnh rồi về nước, lại thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân thường đến vậy?

Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi có câu “Họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi”. Câu nói ấy thật đúng với trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh.

Từ ngày trở thành Chủ tịch, rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông đã biến Đà Nẵng từ một thành phố nhếch nhác, trở thành một “Nơi đáng sống nhất Việt Nam” như đánh giá của dư luận nước ngoài.

Không chỉ chú ý đến bề mặt của thành phố, ông còn đến với từng người dân nghèo để giải quyết những nguyện vọng của họ, giải tỏa những ẩn ức của họ do bộ máy chính quyền quan liêu, thiếu công bằng gây ra, bằng một thái độ rất chân thành.

Ông đối thoại trực tiếp với hơn 400 thanh thiếu niên hư hỏng, lêu lổng, lười lao động, khuyên họ bỏ đường tà quay về đường chính, cũng bằng một thái độ rất chân thành, và không quên dõi theo những bước đi của họ.

Sau một thời gian, có thanh niên cũng có mặt trong buổi đối thoại đó, đã lập được thân bằng nghề chữa xe máy, viết thư cho ông, thì ông đã đến tận nơi thăm người đó, động viên anh ta…

Dấu ấn mà ông để lại, với người dân Đà Nẵng, có thể kể ra rất nhiều, từ những việc làm như vậy. Thế nên, dù ông không còn ở TP Đà Nẵng nữa, thì người dân vẫn luôn nhớ đến ông, quan tâm đến sức khỏe của ông. Mong ông dù đã ra Trung ương làm việc, vẫn giữ được phong cách ấy, phẩm chất ấy.

Họ ra sân bay, đến bệnh viện đón ông, là trái tim đến với trái tim, tình người đến với tình người. Dân gian có câu “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Ngẫm ra, thật đúng.