| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/05/2023 , 18:34 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 18:34 - 09/05/2023

Lòng tự trọng cá nhân và sức khỏe cả cộng đồng

Khi đứng trước những việc liên quan đến sức khỏe cả cộng đồng, thì lòng tự trọng còn có giá trị cao hơn cả tài năng và địa vị.

Lòng tự trọng vốn không thể đo lường. Thế nhưng, lòng tự trọng luôn hiển lộ đầy đủ khi thử thách danh lợi. Người nào cũng cần lòng tự trọng và nghề nào cũng cần lòng tự trọng. Đặc biệt, khi đứng trước những việc liên quan đến sức khỏe cả cộng đồng, thì lòng tự trọng còn có giá trị cao hơn cả tài năng và địa vị.

Câu chuyện Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân, cũng gây xôn xao trong nhiều giới, nhiều ngành. Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964, có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ, lẽ ra phải đến năm 2025 thì mới hết thời gian công tác. Cái ghế Thứ trưởng không phải nhỏ, ít ai muốn rời đi khi còn được ở lại.

Dù chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách vì buông lỏng quản lý để xảy ra một số tiêu cực trong ngành, nhưng ông Nguyễn Trường Sơn vẫn tự cảm thấy không còn xứng đáng với vai trò Thứ trưởng Bộ Y tế. Áp lực dư luận không thể bằng áp lực bản thân, ông Nguyễn Trường Sơn từ giã quan trường với không ít tâm tư. Nhìn ở góc độ nhất định, đó cũng là biểu hiện của lòng tự trọng.

Ông Nguyễn Trường Sơn có nhiều đóng góp cho ngành y tế. Ông là bác sĩ chuyên ngành truyền máu huyết học và từng có 14 năm làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Trong giai đoạn căng thẳng Covid-19, ông Nguyễn Trường Sơn làm trưởng bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Đà Nẵng và TP.HCM khi những địa phương này đối mặt lây nhiễm diện rộng. Với thành tích quá khứ, ông Nguyễn Trường Sơn có thể ung dung thụ hưởng những quyền lợi một thứ trưởng thêm một thời gian nữa.

Từ trường hợp ông Nguyễn Trường Sơn càng thấy rằng đã đến lúc phải củng cố lại lòng tự trọng trong lĩnh vực y tế. Từ lời thề Hippocrates phổ quát của ngành y toàn cầu cho đến “Y huấn cách ngôn” của danh sư Lê Hữu Trác đều cảnh tỉnh nghiêm khắc về phẩm chất người thầy thuốc. Không có gì đau đớn hơn cho xã hội khi chứng kiến những thiên thần từng khoác áo blouse trắng lại thành tội phạm tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự.

Không phải ngẫu nhiên danh sư Lê Hữu Trác gửi gắm trong “Y lý thâu nhàn” mấy câu răn dạy: “Công danh đại bệnh nan y liệu. Đạo đức y ngô kiện khởi cư”, tạm dịch nghĩa là “Công danh là bệnh khó thay. Giữ mình đạo đức hàng ngày khỏe vui”. Thầy thuốc mà tham lam đua đòi vật chất thì tổn hại cho bản thân và cho mọi người.

Có lẽ không thừa khi nhắc lại, ngành y tế nước ta đang đối diện với nhiều bất cập, từ sự tụt hậu trình độ đến sự tha hóa nhân cách. Thầy thuốc cần tự đặt ra giới hạn, không thể mải mê chạy theo cái danh và chạy theo cái lợi, mà mỗi việc làm đều phải xuất phát từ trái tim yêu thương đồng loại.

Nói cách khác, lòng tự trọng cá nhân và sức khỏe cả cộng đồng chờ đợi thầy thuốc chân chính khi đối diện mỗi bệnh nhân thì tận tâm và tận lực như thể đó là người khốn khổ cuối cùng cần cứu giúp.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm