Nơi xã biển có mật độ dân số đông nhất Việt Nam, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có một lớp học đặc biệt: cô giáo là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, năm nay đã ngoài 60 tuổi; học trò ngoài các em nhỏ còn có hàng chục ngư dân tuổi đã 50, 60.
Lớp học đặc biệt
Ngư Lộc là xã biển của huyện Hậu Lộc, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nhiều cái nhất: là xã không có đất canh tác nông nghiệp; diện tích đất của toàn xã nhỏ nhất, chỉ với 0,46 km2; dân số đông lên đến hơn 3.000 hộ, với trên 17.000 người, mật độ dân số cao nhất với 36.000 người/km2; số lượng học sinh đến trường ở các cấp học lên đến hơn 4.000 học sinh...
Chúng tôi đi vào con đường giữa trung tâm xã, cũng chỉ rộng chừng 2 m, len lỏi qua mấy con ngõ nhỏ, hai bên là những căn nhà “siêu ngắn”, “siêu mỏng”, san sát nhau, nhà nọ tựa lưng nhà kia. Trong không gian chật chội ấy, vào thôn Diêm Phố, hỏi thăm tới lớp học bà Thông, ai ai cũng biết bởi người dân trong thôn đã quen thuộc với lớp học của bà giáo già Nguyễn Thị Thông.
Bà Thông vốn là giáo viên cấp một trường làng. Do nỗ lực trong công tác giảng dạy, bà được bổ nhiệm làm Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng trường cấp một Ngư Lộc II.
Trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề sư phạm, bà đã có những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục của huyện Hậu Lộc, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Bà Thông nghỉ hưu năm 2001 và sống cùng người chị gái mù lòa nơi vùng biển này.
Nghỉ hưu, hằng ngày không phải đứng lớp, bà Thông có nhiều thời gian tận mắt chứng kiến cảnh con em cũng như ngư dân nghèo thất học. Trong bà đau đáu nỗi buồn, đau đáu niềm mong mỏi được đem con chữ đến với lũ trẻ nheo nhóc, với những ngư dân chỉ quen vươn khơi bám biển kiếm kế sinh nhai mà không quen cầm bút.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông và lớp học xóa mù chữ ban đêm cho ngư dân
Với bao nỗ lực, từ việc ngày ngày bà lóc cóc đi từ đầu thôn đến cuối thôn vận động các gia đình cho con em mình đến lớp; rồi tranh thủ đóng bàn ghế; mua sắm thêm cái bảng, hộp phấn; mua những cuốn vở, cái bút từ đồng lương hưu giáo viên ít ỏi của mình. Đến tháng 2/2002, lớp học đầu tiên cũng được mở, ngay trong hai gian nhà cấp bốn của bà Thông và người chị gái mù lòa.
“Ban đầu, học dưới 2 gian nhà khá chật chội. Học trò kéo đến đăng ký học ngày thêm đông. Tôi bèn nảy ra “sáng kiến” dựng lớp học ngay tại ngõ vào nhà. Huy động bà con, rồi cha mẹ các cháu có con theo học cũng dựng được mấy gian lớp. Cái lớp học tạm bợ giữa ngõ đi ấy, trời nắng xuyên thấu nóc, ngày mưa nước dột tứ bề. Tôi cùng lũ trẻ vừa học vừa phải di chuyển tránh mưa. Ngày trời mưa to quá thì lớp nghỉ. Ấy vậy mà dưới cái lớp học tạm bợ này, hàng trăm con em ngư dân nghèo đã đọc thông, viết thạo… Có nhiều cháu được học nghề, trở thành thợ lái tàu giỏi”, bà Thông chia sẻ với chúng tôi. Trên khuôn mặt già nua, sạm đen của người phụ nữ vùng biển ánh lên nụ cười đôn hậu.
Sau nhiều năm, lớp học tình thương của bà Thông được xã tạo điều kiện cho mượn Nhà văn hóa thôn làm lớp học. Có được lớp học kiên cố, cô trò không phải chịu cảnh sớm nắng, chiều mưa, bà Thông như được tiếp thêm sức mạnh. Ngoài thời gian miệt mài kèm cặp, dạy dỗ lũ trẻ trên lớp, bà còn tận tình đi đến từng gia đình có con em đến tuổi đi học, những đứa trẻ tật nguyền, vận động các cháu đến lớp.
Những học trò U 50
Mặc dù được nghe kể về lớp học nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về những học trò đặc biệt của lớp học này. Lớp buổi tối của bà Thông dành riêng cho ngư dân theo học. Bao quát nhanh lớp học, đếm được trên 10 “học sinh”, tuổi ước chừng 50, 60. Mỗi người mỗi vẻ nhưng tựu chung ở họ là nét khắc khổ, già nua hằn lên khuôn mặt.
Thấy chúng tôi đến, tất cả đang cắm cúi đọc đọc, viết viết đều ngừng tay, ngẩng đầu chào khách. Sau khi được cán bộ văn hóa xã trao đổi nguyện vọng của chúng tôi, bà Thông cho lớp nghỉ giải lao. Trò chuyện với “học sinh” nam lớn tuổi của lớp, được biết, bác là Đặng Văn Bắc. Cả hai vợ chồng bác đều gần 50 tuổi và cùng tham gia lớp học bà Thông.
“Nhà nghèo, bố mất sớm, bác phải sớm đi biển mưu sinh nên “quên” học chữ. Hơn nửa đời người mù chữ, đi vay vốn ngân hàng để sản xuất cũng không ký nổi tên mình, thiệt thòi lắm, ngượng lắm. Bây giờ khi con cái đã lớn, cả hai vợ chồng bác quyết tâm theo học cô Thông. Mới học cô vài tháng nhưng bác đã biết đọc, biết viết. Về nhà, tranh thủ thời gian rảnh, các con lại kèm cặp thêm cho bố mẹ nên học nhanh thuộc, viết nhanh nhớ. Hóa ra học cái chữ cũng dễ chứ không khó như mình nghĩ, chỉ cần chịu khó là học được", bác Bắc cởi mở chia sẻ. |
Ở lớp học đặc biệt này, vợ chồng bác Bắc chưa phải lớn tuổi nhất. Theo giới thiệu của bà Thông, chúng tôi tiến đến bàn đầu tiên của lớp, trò chuyện với bác Nguyễn Thị Mon. Bác Mon năm nay đã 58 tuổi. Nói chuyện về “sự học” của mình, bác Mon chùng giọng: “Trên đầu tóc bạc nhiều hơn tóc đen mà một chữ cắn đôi cũng không biết, tôi thấy tủi thân quá. Cũng bởi gia cảnh quá nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ lo đi chợ bán cá với mắm, đâu được học chữ. Bây giờ, khi tuổi đã xế chiều, tôi đem nỗi niềm khát khao học chữ nói với con cháu. Cũng may các con có hiếu, đã động viên tôi ghi tên vào lớp học này. Buổi đầu, do đã lớn tuổi, mắt lại mờ, trí nhớ giảm sút nên tôi học chậm lắm. Lại thêm cái tay gần hết đời người không cầm bút nên cái bút cứ đi chệch hàng. Được cô Thông động viên, cầm tay nắn chữ, giờ tôi đã đánh vần và viết thẳng hàng thẳng lối. Đây cô xem…".
Nói rồi, người phụ nữ vùng biển có khuôn mặt và vẻ bề ngoài thô kệch chìa ra trước mắt chúng tôi cuốn tập viết lớp 1. Lật giở từng trang viết, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Những chữ cái vỡ lòng xiêu vẹo, méo mó cứ như muốn nhảy ra khỏi hàng kẻ. Tự dưng, những con chữ ấy cứ nhòa đi. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.
Khuya. Diêm Phố chìm hẳn vào đêm. Gió biển thổi mỗi lúc một mạnh. Lẫn trong làn gió thứ mùi tanh tanh, mặn mòi đặc trưng vùng biển. Trong những căn nhà “hộp diêm”, những ngõ nhỏ đến xe đạp cũng không thể quay đầu vẫn ồn ã, náo nhiệt như nơi thị thành.
Chúng tôi vội vã ra về, mang theo trong mình hình ảnh bà giáo già, những học trò lớn tuổi và ngổn ngang nỗi niềm của bà Thông khi chia tay: “Tôi đã lớn tuổi, lại đau yếu luôn; không biết còn duy trì lớp học này được bao lâu. Mà cuộc sống vùng biển quê tôi lam lũ; trẻ em và ngư dân còn thất học nhiều quá…”