| Hotline: 0983.970.780

Lũ chưa lo nhưng lo ô nhiễm nguồn nước

Thứ Ba 03/08/2021 , 08:58 (GMT+7)

Lũ tháng 8 dự báo không cao, ít ảnh hưởng tới lúa ĐBSCL. Tuy nhiên, cần đề phòng ô nhiễm tại các hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít và Ô Môn – Xà No.

Lũ tháng 8 ít có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL. Ảnh: Sơn Trang.

Lũ tháng 8 ít có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL. Ảnh: Sơn Trang.

Lũ đầu vụ không cao

Theo Ủy hội sông Mekong Quốc tế, đến ngày 31/7 mực nước tại Kratie đạt 15,99 m, thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) là 0,52 m và cao hơn năm 2020 là 6,76 m. Cũng vào ngày 31/7, mực nước Biển Hồ đạt 2,58 m, thấp hơn so với cùng kỳ TBNN là 1,92 m và cao hơn năm 2020 là 1,27 m. Dung tích Biển Hồ ngày 31/7 đạt 5,03 tỷ m3, thấp hơn so với cùng kỳ TBNN là 10,25 tỷ m3  và cao hơn năm 2020 là 4,23 tỷ m3

Tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc mực nước lớn nhất trong tháng 7 là vào ngày 29/7, với đỉnh ở Tân Châu là 1,86 m và ở Châu Đốc là 1,82 m.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong tháng 8, dự báo đỉnh triều chủ yếu đạt vào các ngày cuối tháng, đỉnh triều cao nhất đạt tại trạm Trần Đề đạt 1,83 m, đỉnh triều thấp nhất đạt tại trạm Hà Tiên đạt 0,33 m. Đỉnh triều dự báo tháng 8 cao hơn TBNN, nhưng thấp hơn đỉnh triều các năm 2019, 2020 cùng kỳ. Đỉnh triều cao nhất tại Gành Hào đạt 1,74 m. So với cùng kỳ: cao hơn TBNN là 0,46 m; thấp hơn năm 2020 là 0,21 m; thấp hơn năm 2019 là 0,10 m.

tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 8 có xu thế tăng với cường suất trung bình từ 2 – 3 cm/ngày, lũ tăng mạnh hơn vào nửa cuối tháng 8. Đến cuối tháng 8 mực nước lớn nhất dự báo đạt 2,6 m tại Tân Châu và 2,1 m tại Châu Đốc. Với mực nước lũ đầu vụ không cao nên ít có khả năng ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa hè thu và thu đông trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL năm 2021.

Ứng với mức lũ đầu vụ 2,6 m tại Tân Châu, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất lúa hè thu nằm ngoài đê bao trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng thượng như An Giang, Đồng Tháp, Long An có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời đặc biệt là những nơi địa phương xuống giống trễ. Các tỉnh vùng giữa và vùng ven biển triều dự báo ở mức không cao, lũ thượng nguồn ở mức thấp vì vậy về cơ bản không bị ảnh hưởng đến sản xuất.

Cảnh báo ô nhiễm ở Nam Măng Thít và Ô Môn – Xà No

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, tại kỳ quan trắc ngày 8/7, các kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít có hàm lượng Clorua tại các vị trí cống vẫn ở mức khá cao. Chỉ số SAR tại các vị trí cống vẫn lớn hơn 6 có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và trồng trọt, cần tiếp tục khuyến cáo người dân lưu ý khi sử dụng nước trực tiếp. Kết quả quan trắc kỳ này cho thấy mức độ ô nhiễm các thành phần dinh dưỡng, hữu cơ tại các vị trí cống và nội đồng có xu hướng tăng và BOD đã tăng vượt QCVN08:2015 mức A2. Hàm lượng nitrit và amoni tại các vị trí nội đồng có xu hướng tăng, hàm lượng nitrat có xu hướng tăng.

Một khu vực nuôi thủy sản ven biển thuộc hệ thống Nam Măng Thít. Ảnh: TL.

Một khu vực nuôi thủy sản ven biển thuộc hệ thống Nam Măng Thít. Ảnh: TL.

Tại kỳ quan trắc ngày 9/7 trong hệ thống thủy lợi Ô Môn - Xà No, chưa ghi nhận ô nhiễm hữu cơ ở hầu hết các vị trí. Tuy nhiên nguồn nước tại các vị trí quan trắc cho thấy bắt đầu có sự ô nhiễm dinh dưỡng với nhiều vị trí có hàm lượng amoni, nitrite vượt chuẩn QCVN08. Trong kỳ quan trắc chất lượng nước tại trạm OX05 cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng và ô nhiễm hữu cơ với các thông số BOD5, amoni, nitrite, phosphat đều vượt chuẩn và hàm lượng 2 thông số amoni và nitrit cũng đã vượt chuẩn 2 kỳ liên tiếp.

Dự báo, trong thời gian tiếp theo, nhìn chung chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít và hệ thống thủy lợi Ô Môn – Xà No đều đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Tuy nhiên, các địa phương thuộc hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít cần lưu ý một số khu vực trung tâm và sau các cống do ảnh hưởng của giáp triều và nước bị ứ đọng dẫn đến chất lượng nước xấu đi. Chính quyền địa phương cần khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường và theo dõi tình trạng dịch bệnh của thủy sản.

Còn với các địa phương thuộc hệ thống thủy lợi Ô Môn - Xà No, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đề nghị cần cảnh báo về thực trạng ô nhiễm NH4, phải có biện pháp xử lý nếu lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cẩn trọng trong nuôi trồng thủy sản do nguy cơ dịch bệnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.