| Hotline: 0983.970.780

Lựa chọn đúng cây, con chủ lực đầu tư phát triển kinh tế Tây Nghệ An

Thứ Hai 28/10/2019 , 08:57 (GMT+7)

Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, chọn ra những loại cây trồng thực sự chủ lực, phù hợp với giai đoạn hiện tại để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển. Không xác định và đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.

Đó là ý kiến của ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong buổi làm việc với Sở NN-PTNT mới đây về tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay và chủ trương sắp tới.

ngo-410305950
Cánh đồng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn - Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Lê Thăng.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên của ông Thái Thanh Quý giao cho Sở NN-PTNT phải tiến hành trong thời gian tới.
 

Đề án chiến lược kiểu gai mít

Cách đây 5 năm, UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 3079/QĐ-UBND.NN ngày 3/7/2014 về việc phê duyệt đề án "Phát triển cây, con chủ yếu gắn với việc quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020".

Theo đó, có 21 loại cây, con chủ lực được lựa chọn để đầu tư phát triển gắn với các chỉ tiêu cụ thể về sản lượng, gồm có các cây con: Lúa, ngô, sắn, lạc, mía, chanh leo, cam, chè búp tươi, cao su, cây thức ăn chăn nuôi, rừng nguyên liệu, cây dược liệu, con trâu, con bò, con lợn, gia cầm các loại, bò sữa, tôm, cá nước ngọt, con hươu.

Cả 21 cây, con nói trên gần như không bỏ sót một cây, con nào hiện có ở Nghệ An, nếu không nói là tràn lan.

Nói phát triển cây, con chủ lực là phải có sự chọn lọc trong cả tập đoàn cây, con hiện có trên địa bàn toàn tỉnh, nên chọn cây nào, con nào để đầu tư phát triển. Muốn làm tốt việc này, trước hết phải xác định cây, con chủ lực là những cây con gì đúng nghĩa chủ lực. Chủ lực ở đây phải ở vị trí chủ yếu không thể không có và phải được đầu tư thích đáng vì sự sống còn và phát triển kinh tế xã hội cho hôm nay và cả trong tương lai xa hơn.

Nếu chọn cây, con tràn lan sẽ đầu tư không có trọng tâm, trọng điểm, trong khi đó nguồn lực đầu tư có hạn thì sẽ phát sinh ra tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điển hình như cây mía theo kế hoạch là 28.000 ha, nhưng từ năm 2014 đến 2019 diện tích mía nguyên liệu từ 27.400 ha vào các năm từ 2014 trở về trước, nay chỉ còn lại 21.000 - 22.000 ha, năng suất mía từ 63 tấn/ha, nay chỉ còn 51 - 53 tấn/ha, sản lượng mía từ 1,6 - 1,7 triệu tấn mía cây, nay chỉ dừng lại ở mức 1,1 - 1,2 triệu tấn.

Cây lạc là một thế mạnh của Nghệ An cả về diện tích, năng suất và sản lượng, là tỉnh nổi tiếng nhiều lạc, lạc thơm ngon (Lạc sen xứ Nghệ). Theo kế hoạch thì đến năm 2020 đạt 56.000 tấn. Từ năm 2014 trở về trước diện tích lạc ở Nghệ An luôn ổn định ở mức 24.800 - 25.200 ha. Đến nay diện tích lạc chỉ dao động trên dưới 22.000 ha, giảm hơn 3.800 ha, năng suất khá ổn định, nhưng sản lượng giảm mạnh do diện tích giảm nhiều.

Chanh leo là cây trồng mới, với hy vọng là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho đồng bào vùng núi cao và sẽ là cây nguyên liệu lớn cho công nghệ chế biến nước giải khát với nhãn hiệu nước chanh leo Nafoods Nghệ An. Từ hy vọng đó, nên mục tiêu kế hoạch đề ra phấn đấu đến năm 2020 gieo trồng khoảng 3.000 ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng đạt 45.000 tấn quả. Trái ngược kỳ vọng, đến nay diện tích chỉ trên dưới 300 ha (huyện Quế Phong 109 ha, Tương Dương 180,30 ha).

ngo-3103027826
Ảnh: Nguyễn Lê Thăng.

Cây dược liệu rất có điều kiện để phát triển ở Nghệ An do đất đai rộng, đồi núi nhiều, tập đoàn thực vật được sử dụng trong ngành đông y khá phong phú. Vì vậy trong đề án phát triển cây, con chủ lực đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển 15.400 ha cây dược liệu. Nhưng đến năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 1.039 ha và năm 2019 này diện tích tăng không đáng kể, dự kiến đến năm 2020 ước đạt 1.500 ha, vậy là chưa đạt 1/10 kế hoạch đề ra và còn nhiều cây trồng nữa, như cao su, chè công nghiệp… cũng chung tình trạng nói trên.
 

Lựa chọn thế nào?

Tất cả những tình trạng đó chính là do hậu quả của việc lựa chọn cây trồng chủ lực tràn lan dẫn đến việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Nói đến phát triển cây, con chủ lực là phải đạt các yêu cầu như: Quy mô diện tích lên đến hàng trăm hàng nghìn ha, quy mô nuôi trồng phải có hàng vạn con vật nuôi. Sản phẩm phải nhiều, đủ cho nhu cầu phục vụ đời sống xã hội và tham gia xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Chất lượng sản phẩm làm ra phải có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, về giá cả phải hợp lý và cuối cùng là đem lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất, cho doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đó. Đồng thời trong quá trình sản xuất và chế biến tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường.

Với Nghệ An xuất phát từ nhu cầu đời sống, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, lại có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực lao động, về tài nguyên đất đai, về trình độ dân trí, về khả năng đầu tư và khả năng liên kết trong ngoài tỉnh, quốc tế để phát triển. Từ đó lựa chọn cây, con gì là cây, con chủ lực để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển có hiệu quả. Từ cách suy nghĩ đó, chúng tôi thấy với Nghệ An từ 12 cây và 9 con theo đề án cũ, nên lựa chọn và giữ lại 7 cây, 4 con, cụ thể là:

Về cây trồng, cây lúa và cây ngô ở Nghệ An bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ, phải đầu tư phát triển mạnh vì mục tiêu an sinh xã hội. Nhưng đầu tư phát triển theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt và sản phẩm sạch.

Ngoài 2 cây lương thực nói trên, tập trung đầu tư phát triển mạnh cây lạc, cây mía, cây chè công nghiệp, cây cam và cây dược liệu. Về con, tập trung đầu tư phát triển trâu, bò (bao gồm cả bò sữa), lợn và gia cầm (gà, vịt).

bo-su102801237
Chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An.

Ngoài ra còn những cây, con khác vốn đã có trên đất Nghệ An như: Khoai, sắn, dứa, vừng, rau đậu các loại, hươu, dê, tôm, cá… Khuyến khích phát triển để tiêu thụ theo nhu cầu thị trường tự do.

Những cây, con được xác định là chủ lực cần được tập trung nguồn lực đầu tư bao gồm tổ chức chỉ đạo thực hiện, kinh phí hỗ trợ cho các nội dung cần thiết như: tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh, chế biến, hội nghị và hội thảo tham quan các mô hình tiên tiến; hỗ trợ giống cây, con mới; hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi cho vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Có cơ chế chính sách vay vốn đầu tư phát triển cây, con với lãi suất ưu đãi. Khuyến khích các hình thức tích tụ ruộng đất, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới; liên kết, liên doanh giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện được nội dung chương trình đầu tư phát triển cây, con chủ lực ở Nghệ An trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Nghệ An cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành có liên quan như: Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính… rà soát điều chỉnh lại lần cuối cùng để thống nhất xác định cây, con chủ lực. Từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng phát triển cây, con chủ lực với quy mô cụ thể bao nhiêu hacta cho cây trồng gì, bao nhiêu con cho loại con gì ở những nơi nào, năng suất, sản lượng cây con đó sẽ đem lại bao nhiêu ở từng thời điểm cụ thể.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dabaco đạt lợi nhuận trước thuế 857 tỷ đồng

Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 ước đạt 857 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.