| Hotline: 0983.970.780

Lúa gạo chớp thời cơ thuận lợi vụ thu đông

Thứ Ba 11/07/2017 , 09:35 (GMT+7)

Trước tình hình thị trường lúa gạo được dự báo hết sức sáng sủa từ nay tới cuối năm 2017, ngành trồng trọt đang rốt ráo “chạy đua” các giải pháp cho vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) tại các tỉnh ĐBSCL để chớp thời cơ thuận lợi này.

Cố gắng giữ hơn 800 nghìn ha

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt,  vụ thu đông tại các tỉnh ĐBSCL năm nay có ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, đây là vụ lúa duy nhất còn lại trong năm để bảo bảo an ninh lương thực và bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị tụt giảm trong vụ ĐX 2017 (sản lượng lúa ĐX cả nước năm 2017 đạt 19,1 triệu tấn, giảm 296,6 nghìn tấn so với năm 2016). Bên cạnh đó trong bối cảnh giá lúa gạo đã và đang được dự báo rất tốt từ nay tới cuối năm, đây là dịp để nông dân ĐBSCL tranh thủ thời cơ phục vụ XK, tăng thu nhập.

17-15-25_xkgo
XK gạo khởi sắc là thời cơ lớn cho lúa thu đông ĐBSCL

Mặc dù vậy, SX lúa thu đông năm 2017 tại ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo dự báo khí tượng, thủy văn thời hạn mùa của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu: 4,0 – 4,5 m; sông Hậu tại Châu Đốc: 3,5 – 4,0 m), tương đương đỉnh lũ TBNN.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2017. Mùa mưa năm 2017 có khả năng sẽ kết thúc sớm, trong thời kỳ từ tháng 7-8/2017, lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn TBNN khoảng 30% nhưng từ tháng 10-12/2017 thấp hơn khoảng 30% so với TBNN. Trong khi đó theo kết quả dự báo lũ nội đồng của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam: Dự báo mực nước lớn nhất mùa lũ 2017 xảy ra ở các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An. Những yếu tố dự báo trên đều có tác động bất lợi đến toàn bộ thời gian SX lúa vụ thu đông.

Ngoài ra, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) tái bộc phát từ giữa vụ hè thu 2017, diện tích nhiễm cao điểm lên trên 8.000 ha. Cục BVTV cũng đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành công văn nhằm tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL lá hại lúa ở các tình thành phía Nam. Hiện hầu hết các tỉnh đều đã có sự hiện diện của bệnh VL-LXL trên các trà lúa hè thu 2017 và trên một số diện tích lúa thu đông 2017 đã xuống giống…

Những yếu tố này đòi hỏi các diện tích lúa thu đông năm nay sẽ phải xuống giống né rầy, tuy nhiên những vùng SX vừa né rầy vừa né lũ sẽ rất khó để thống nhất lịch thời vụ xuống giống. Vì vậy theo dự tính kế hoạch SX trong toàn vùng ĐBSCL năm 2017, diện tích lúa thu đông có khả năng gieo trồng an toàn khoảng 810 ngàn ha (giảm 14 ngàn ha so năm 2016). Các diện tích giảm sẽ không SX lúa và cũng không SX cây trồng do đây sẽ là các vùng có nguy cơ ngập lũ, không an toàn. Những tỉnh giảm diện tích chủ yếu là Đồng Tháp (giảm 8 nghìn ha); An Giang (giảm 15 nghìn ha); Long An (giảm 13 nghìn ha)… do đây là những tỉnh nằm trong vùng ngập sâu.

Đối với các vùng SX lúa thu đông an toàn, phải nằm trong vùng đê bao chống lũ an toàn so với mức lũ năm 2011 là năm có mức nước lũ cao ảnh hưởng đến SX lúa thu đông. Hiện toàn bộ các vùng nằm trong kế hoạch SX lúa thu đông với 810 nghìn ha đều nằm trong vùng đê bao an toàn.
 

Cảnh giác với vàng lùn – lún xoắn lá

Mặc dù diện tích lúa thu đông 2017 tại ĐBSCL giảm nhẹ so với năm 2016 do dự báo có nhiều bất lợi, tuy nhiên nếu đạt diện tích theo kế hoạch và tổ chức chăm sóc tốt để năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, thì sản lượng lúa thu đông 2017 sẽ vẫn đạt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 400 ngàn tấn so năm 2016.

17-15-25_xkg
Thương lái thu mua gạo

Như vậy cả năm 2017, vùng ĐBSCL vẫn có khả năng tăng 500 ngàn tấn so với năm 2016, bù đắp được sản lượng thiếu hụt của vụ ĐX 2016 – 2017 trong toàn vùng. Mặt khác, tình hình XK gạo 6 tháng cuối năm 2017 cũng có nhiều tín hiệu khả quan khi thông tin từ Hiệp hộ Lương thực Việt Nam cho hay năm 2017, Việt Nam có khả năng XK đạt 5,7 triệu tấn gạo (tăng 800 ngàn tấn so năm 2016). Giá gạo XK tốt sẽ kéo theo giá lúa có lợi, thúc đẩy SX lúa vụ thu đông, vì vậy đây là kịch bản hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên để SX lúa thu đông năm nay đảm bảo ăn chắc, các địa phương ĐBSCL cần tập trung quyết liệt:

Một là phải tăng cường theo dõi diễn biến của dịch hại trên đồng, nhất là rầy nâu và bệnh VL-LXL để bảo vệ diện tích và năng suất lúa hè thu hiện còn chưa thu hoạch xong. Theo dõi, phát hiện và dự tính, dự báo rầy nâu vào đèn ở từng vùng, từng cánh đồng và từng tiểu vùng để xây dựng lịch thời vụ xuống giống né rầy cho phù hợp, phòng trừ sớm rầy nâu theo chỉ đạo và hướng dẫn của Cục BVTV, tránh sự bùng phát và lây lan trên diện rộng…

Trong trường hợp bùng phát dịch hại, cần sớm phát hiện các ổ dịch, cử cán bộ kỹ thuật, huy động lực lượng từ các viện, trường tổ chức dập dịch, ngăn ngừa sự phát tán trên diện rộng. Đồng thời duy trì mạng lưới kỹ thuật viên tại các xã, bồi dưỡng chuyên môn và tập huấn kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ rầy nây, VL-LXL để tuyên truyền rộng rãi trong nông dân… Bên cạnh đó, cần tổ chức in ấn và cấp phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL cho tất cả nông dân SX lúa trên địa bàn các tỉnh/thành phía Nam.

Hai là bám sát theo dõi bản tin dự báo lũ của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV để kịp thời triển khai các giải pháp bảo vệ lúa khi có nguy cơ lũ lớn. Các địa phương theo dõi sát diễn biến dòng chảy sông, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, duy tu, bảo dưỡng các vị trí xung yếu và có kế hoạch phòng, chống ngập lũ phù hợp.

Đối với cơ cấu giống và thời vụ: Cần tiếp tục theo dõi và đánh giá các giống lúa đang SX về tính mẫn cảm với rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá để khuyến cáo sử dụng và quản lý dịch hại trên địa bàn. Giống lúa khuyến cáo trong vụ thu đông là ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm phục vụ XK có giá trị cao như: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD20...; các giống lúa chủ lực XK đạt tiêu chí hạt dài, trắng trong, không bạc bụng chiếm tỉ trọng XK cao như: OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347… Trong SX cần đặc biệt lưu ý quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên các giống nhiễm như OM6976, OM5451. Đồng thời, khuyến cáo nông dân giảm lượng giống lúa gieo sạ, quản lý cây trồng, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới theo quy trình canh tác tiên tiến.

Trước tình hình dự báo lũ sớm và lũ cao hơn TBNN, thời vụ thu đông theo phân vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển bố trí như sau: Vùng ngập sâu: gồm vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên có diện tích khoảng 460 ngàn ha gồm: An Giang (170 ngàn ha); Đồng Tháp (140 ngàn ha); Long An (57 ngàn ha); Kiên Giang (93 ngàn ha). Thời vụ xuống giống vụ thu đông trong cơ cấu 3 vụ sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2017 với những vùng đã xuống giống hè thu trong tháng 4/2017.

Vùng ngập nông: Thuộc vùng phù sa ngọt Sông Tiền, Sông Hậu với khoảng 210 ngàn ha gồm: Cần Thơ (70 ngàn ha); Vĩnh Long (57 ngàn ha); Hậu Giang (51 ngàn ha); Tiền Giang (31 ngàn ha). Đây là vùng tương đối thuận lợi cho SX 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ SX và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường, thời vụ xuống giống vụ thu đông bắt đầu vào đầu tháng 7 đến giữa tháng 8/2017.

Đối với vùng ven biển khoảng 140 nghìn ha gồm: Trà Vinh (75,6 nghìn ha); Sóc Trăng (10 nghìn ha); Bạc Liêu (42 nghìn ha); Cà Mau (12,5 nghìn ha), thời vụ xuống giống vụ thu đông bắt đầu đầu tháng 8 đến cuối tháng 8/2017.

(Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn)

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.