| Hotline: 0983.970.780

Lúa lưu niên- giải pháp ‘n trong 1’ của Trung Quốc

Thứ Bảy 22/10/2022 , 09:46 (GMT+7)

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nông dân trồng giống lúa lưu niên, có thể thu hoạch trong vài năm vẫn cho năng suất tốt, đặc biệt là tiết giảm được chi phí sản xuất.

 Giống lúa lưu niên có thể tiết giảm hơn 50% chi phí đầu vào sản xuất và đơn giản hóa việc quản lý cây trồng. Ảnh: Xinhua

 Giống lúa lưu niên có thể tiết giảm hơn 50% chi phí đầu vào sản xuất và đơn giản hóa việc quản lý cây trồng. Ảnh: Xinhua

Tại tỉnh Vân Nam -xứ cận nhiệt đới ở Trung Quốc, giống lúa lưu niên PR23 đã được các nhà khoa học phát triển thành công và được nông dân sản xuất thử vào mùa thu năm 2018. Theo đó, giống PR23 cùng với một số chọn lọc khác đã được phát triển thông qua phép lai phổ rộng giữa giống lúa thường hàng năm và một giống lúa hoang châu Phi, Oryza longistaminata.

Theo đó, trong bản danh sách bộ giống lúa được ưa chuộng do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đưa ra tháng trước, giới chức Trung Quốc khuyến khích nông dân trồng một giống lúa lưu gốc có năng suất gấp đôi so với các giống truyền thống.

BGI Research, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã liên kết với Đại học Vân Nam để phát triển giống lúa này về mặt thương mại cho biết: So với hầu hết các giống lúa phải trồng lại hàng năm, lúa lưu niên rẻ hơn và ít tốn công hơn để sản xuất, đồng thời nó cũng tốt hơn cho môi trường.

Ông Liu Huan, nhà khoa học chính của BGI Research ca ngợi, giống lúa lưu niên mang tên PR23 là một “cuộc cách mạng” bởi hiện nhiều khu vực không thể áp dụng phương thức canh tác cơ giới hóa hoặc thiếu lao động, hoặc đất bị bỏ trống.  “Với giống lúa này, chúng tôi có thể tận dụng tốt diện tích đất ruộng bỏ hoang nên Bộ Nông nghiệp rất ủng hộ”, ông Liu nói.

Nghiên cứu cho thấy, hệ thống rễ của giống lúa này có thể giữ đất nguyên trạng, giảm tần suất làm đất có thể cho phép phục hồi cấu trúc đất, cải thiện khả năng giữ nước, cũng như cộng đồng vi sinh vật. Nếu nông dân trồng lúa truyền thống phải trải qua sáu quy trình thì với giống lúa lâu năm, nông dân bỏ qua 4 giai đoạn đầu tiên và chỉ tập trung vào việc quản lý đồng ruộng và thu hoạch. Sản xuất lúa lưu niên không chỉ giảm đáng kể chi phí sản xuất mà còn cắt bớt được nhu cầu làm đất, giảm đầu vào lao động, phân bón, thuốc trừ sâu và tăng cường các đặc tính tự nhiên của đất. 

Lần đầu tiên khái niệm về một loại ngũ cốc có thể tạo ra năng suất trong nhiều năm mà không cần phải trồng lại vào những năm 1930. Nhưng phải đến những năm 1980, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu đạt được tiến bộ về khái niệm này, với các giống lúa mì, ngô và lúa gạo thử nghiệm được sản xuất trên khắp thế giới.

Theo Trung tâm Dữ liệu Lúa gạo quốc gia, giống lúa lưu niên được phát triển bởi giáo sư Hu Fengyi, thuộc Đại học Vân Nam., lần đầu tiên được cấp giống cho nông dân tỉnh này vào năm 2018 và đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha - cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các giống lúa thông thường.

Đặc biệt là giống lúa này có thể tiết giảm hơn 50% chi phí đầu vào sản xuất, mà lại đơn giản hóa các bước quản lý cây trồng. Một nghiên cứu được công bố trên Research Square cho thấy, chi phí sản xuất lúa lưu gốc tương đương với các giống lúa hàng năm trong năm đầu tiên, nhưng vì nó không cần gieo sạ (cấy), và cày bừa trong những năm tiếp theo nên nông dân có thể tiết kiệm được tối đa tới 1.400 USD cho mỗi mùa vụ.

Laura van der Pol, nhà sinh thái học tại Đại học Bang Colorado cho biết, các giống ngũ cốc lâu năm có thể giúp sản xuất lương thực bền vững hơn và giảm thiểu nhiều loại “dịch bệnh” trong quá trình sản xuất. “Cây lâu năm làm giảm xói mòn đất, ít bị máy móc tác động do cây trồng vẫn được giữ nguyên để phát triển trong nhiều năm. Hơn nữa bộ rễ phát triển trong đất quanh năm cũng giúp duy trì và phục hồi cấu trúc của đất, đồng thời cũng làm giảm cỏ dại sau khi cây trưởng thành, thúc đẩy sự đa dạng sinh học của đất và sự tích tụ các chất hữu cơ trong đất, theo bà Laura.

Tiến sĩ Liu Huan bứng một gốc lúa lưu niên cho thấy bộ rễ phát triển rất mạnh. Ảnh: BGI

Tiến sĩ Liu Huan bứng một gốc lúa lưu niên cho thấy bộ rễ phát triển rất mạnh. Ảnh: BGI

Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, ngũ cốc lâu năm cũng giúp sâu bệnh hại cây trồng hoặc mầm bệnh tích tụ theo thời gian, do đó nên kết hợp một số biện pháp luân canh hay xen canh là điều cần thiết.

Tính đến nay, giống lúa lưu niên đã được trồng tại 117 vùng ở miền nam Trung Quốc, tổng diện tích hơn 162 ha. Theo BGI, giống lúa mới này cũng đã được quảng bá tới 17 quốc gia châu Á và châu Phi, bao gồm Uganda, Ethiopia, Lào, Myanmar và Bangladesh.

“Trung Quốc sản xuất ra 1/4 sản lượng lương thực của thế giới chỉ với chưa đầy 10% diện tích đất canh tác. Khi chúng tôi xem xét tiềm năng tiết kiệm, năng suất cũng như lợi ích môi trường, giống lúa lưu niên có thể thực sự mang tính cách mạng đối với nông dân”, ông Liu nói.

Trung Quốc có khoảng 28 triệu ha đất dành cho trồng lúa. Do đó theo lý thuyết, giá trị kinh tế và xã hội của những khoản tiết kiệm này với hai vụ mỗi năm được ước tính là 1,5 tỷ USD. Lúa lưu niên cũng cho năng suất và chất lượng cao hơn. Cụ thể sản lượng giống lúa lưu niên ở Vân Nam đạt 164 kg/mẫu (0,4ha), so với mức trung bình 75 kg/mẫu của các giống lúa thường ở Trung Quốc.

(SCMP; BGI)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.